Cách đây vài tháng, Không quân vùng lãnh thổ Đài Loan (ROCAF) đã lần đầu phóng thử thành công tên lửa AIM-120 (AMRAAM) mua từ Mỹ.
Bốn máy bay chiến đấu F-16V, mỗi chiếc trang bị hai tên lửa AIM-120 tầm trung và hai tên lửa AIM-9X tầm ngắn, cất cánh từ Căn cứ Không quân Gia Nghĩa lúc 5 giờ 35 phút sáng, đã bay theo đội hình và phóng 2 tên lửa AIM-120 trúng mục tiêu, rồi trở về căn cứ an toàn lúc 6 giờ 30 phút sáng.
Tờ Liberty Times dẫn lời Cơ quan phòng vệ đảo Đài Loan cho biết: Đây là nhiệm vụ có tính chất tuyệt mật, nhưng họ hài lòng với kết quả đạt được.
Được biết những quả tên lửa nằm trong lô 200 quả tên lửa AIM120 được Mỹ bán cho đảo Đài Loan vào tháng 9/2000, tức hơn 20 năm trước.
Điều đáng nói, là khi Đài Loan mua lô tên lửa này, Mỹ đồng ý bán nhưng lại cất giữ chúng ở căn cứ Guam.
Mãi đến khi Trung Quốc mua được lô tên lửa tầm trung hiện đại Vympel R-77 của Nga vào năm 2003, Lầu Năm Góc mới đồng ý vận chuyển số tên lửa này đến Đài Loan.
Năm 2007, phía Đài Loan mua thêm 218 quả tên lửa AIM-120 để trang bị cho các phi đội máy bay chiến đấu F-16 tại căn cứ Hoa Liên và Gia Nghĩa.
Kể từ khi biên chế tên lửa AIM-120 mua từ Mỹ đã hơn 20 năm qua, nhưng Không quân Đài Loan mới chỉ được bắn thử tên lửa AIM120 đúng ba lần. Hai lần trên đất Mỹ và vừa rồi mới là lần đầu tiên tại Đài Loan.
Lần thứ nhất bắn thử tên lửa AIM-120 là tại căn cứ Andersen ở Guam của Mỹ tháng 10/2000.
Lần thứ hai là ở hoang mạc Arizona cũng của Mỹ đầu năm 2001. Mãi đến năm 2021, những quả tên lửa này mới được bắn thử tại Đài Loan.
Ngoài 2 lần bắn thử ở Mỹ năm 2000 và 2001, phi công Đài Loan chỉ được tập luyện "phóng giả’ qua thiết bị mô phỏng.
Theo giới chức chính trị - quân sự Đài Loan, sự kiện này cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đã có sự tin tưởng rất lớn với Đài Bắc, mới cho phép họ sử dụng loại vũ khí tiên tiến như vậy ở gần lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy vậy cũng không thể phủ nhận thực tế có phần khó hiểu khi đảo Đài Loan phải tự bỏ tiền để mua tên lửa, nhưng muốn sử dụng đều phải được Mỹ cho phép.
Chỉ khi nào Trung Quốc leo thang căng thẳng, những quả tên lửa này mới được Mỹ bàn giao cho Đài Loan.
Gần đây, khi Trung Quốc đại lục liên tục tăng cường các hoạt động không quân để uy hiếp đảo Đài Loan, Washington mới cho phép Đài Loan bắn thử những quả tên lửa mà họ đã mua mà không phải trên đất Mỹ.
Nói cách khác, động thái này chính là sự đáp trả của Washington với diễn biến căng thẳng leo thang hai bên bờ eo biển Đài Loan.
AIM-120 AMRAAM (viết đầy đủ là Advanced Medium-Range Air-to-Air Missile dịch ra là "tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến") là một trong những loại tên lửa không đối không hiện đại nhất thế giới, cực kỳ mạnh mẽ.
Được đưa vào phục vụ hạn chế năm 1991, tên lửa này đã xuất khẩu tới khoảng 35 quốc gia trên thế giới.
Tính tới ngày nay, các máy bay chiến đấu thế giới đã thực hiện tới hàng ngàn phát bắn AIM-120, có tới hàng trăm chiến thắng đã được ghi công cho AIM-120.
Tên lửa không đối không AIM-120 được công ty Hughes và Raytheon thay nhau phát triển, sản xuất từ 1991 tới nay.
Nó ra đời nhằm thay thế cho mẫu tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động AIM-7 Sparrow vốn được đánh giá là kém hiệu quả.
Đơn giá một quả AIM-120 chừng 300.000-400.00 USD với các phiên bản từ AIM-120A đến C và lên tới "giá khủng" 1,78 triệu USD/quả với phiên bản AIM-120D.
Tên lửa không đối không AIM-120 có khả năng triển khai trên hầu hết các máy bay tiêm kích do Mỹ sản xuất, ví dụ như F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, F-22 Raptor, F-35 Lightning II; F/A-18 Hornet và cả E/F Super Hornet.
Ngoài ra, AIM-120 có thể tích hợp trên một số mẫu máy bay chiến đấu của đồng minh Mỹ như Eurofighter Typhoon, Tornado, JAS 39 Gripen, F-2, Sea Harrier...
Các phiên bản AIM-120 nhìn chung đều có kích thước tương đương nhau, sự khác biệt chủ yếu nằm ở những cải tiến động cơ, thuốc phóng, hệ thống dẫn đường... AIM-120 có trọng lượng 152kg, dài 3,7m, đường kính thân 180mm.
AIM-120 được trang bị đầu đạn nổ phá mảnh nặng 22,7kg với phiên bản A/B và rút xuống còn 18,1kg với phiên bản C.
Mặc dù đầu nổ của AIM-120 được cho là nhẹ hơn loại trên AIM-7, nhưng nó vẫn được đánh giá là hiệu quả, dễ dàng phá hủy hoặc gây tổn thương nghiêm trọng với mọi máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay vận tải...
AIM-120 sở hữu khả năng cơ động và tốc độ cao nhờ được trang bị động cơ rocket WPU-6/B có thể đưa AIM-120 đạt tốc độ đáng kinh ngạc - Mach 4 (tương đương 4.900km/h) cho phép nó tiêu diệt ngay cả những máy bay chiến đấu nhanh nhất của đối phương.
Tầm bắn, phiên bản đời đầu A/B của dòng tên lửa AIM-120 chỉ đạt mức 55-75km (khá hơn AIM-7 đạt tầm 50km), tuy nhiên từ phiên bản AIM-120C-5 thì tầm bắn tăng lên đến 105km và đến AIM-120D thì tăng lên 160km.
Sức mạnh của AIM-120 được coi là ngang ngửa và thậm chí có phần nhỉnh hơn về phạm vi tác chiến so với R-77 của Nga.
Hiện AIM-120 và các biến thể vẫn là loại tên lửa không đối không tầm trung-xa phổ biến nhất của Mỹ và phương Tây.
Việt Hùng