Bất ngờ khoe 'diệt S-400' Nga, tên lửa của tập đoàn Mỹ uy lực ra sao?

Việc PrSM của Lockheed Martin mô phỏng tấn công S-400 của Nga là sức mạnh thực tế hay sự huyễn hoặc vẫn là điều chưa biết đến.

Tên lửa tấn công chính xác của Mỹ uy lực thế nào?

Theo Denfence Blog, tập đoàn sản xuất vũ khí số 1 của Lầu Năm Góc, Lockheed Martin Corp đã tung một đoạn video cho thấy hệ thống tên lửa tấn công chính xác tầm xa PrSM thực hiện một cuộc tấn công mô phỏng vào hệ thống phòng không được cho là S-400 của Nga.

Đoạn video dài ba phút, được phát hành vào thứ Sáu tuần trước trên tài khoản YouTube chính thức của công ty, cho thấy khả năng phối hợp tác chiến hiệp đồng giữa nhiều lực lượng, trong đó tập trung vào Tên lửa Tấn công Chính xác (PrSM) được phóng từ bệ pháo phản lực M142 HIMARS, nhằm tiêu diệt các mục tiêu được bảo vệ bởi lá chắn phòng không tầm xa đối phương.

Tên lửa tấn công chính xác, hay còn gọi là PrSM, là một hệ thống vũ khí đất đối đất mới sẽ cung cấp các khả năng nâng cao để tấn công, vô hiệu hóa, chế áp và tiêu diệt các mục tiêu bằng cách sử dụng tên lửa phóng gián tiếp ở phạm vi xa hơn 499 km. PrSM cung cấp cho Chỉ huy Lực lượng Liên quân khả năng tăng tầm bắn, khả năng gây tử vong, khả năng sống sót và tải trọng tên lửa.

Tên lửa PrSM của Lockheed Martin có hệ thống đẩy bom, đạn có khả năng đánh bại mục tiêu PrSM nhắm đến. Nó cũng có thiết kế mở để có khả năng linh hoạt tối đa và được thiết kế tương thích với HIMARS và M270.

Phần đáng lưu ý nhất trong video là cảnh cho thấy "mục tiêu" đã được xác định của vũ khí này chính là vị trí của S-400 SAM do Nga sản xuất, bao gồm bệ phóng tự hành 5P85TE2, radar điều khiển hỏa lực đa năng 92N6 , Radar thu nhận và quản lý chiến đấu 91N6E và thiết bị vận chuyển tên lửa 5T58-2.

PrSM là một trong những loại tên lửa tầm trung đang được phát triển cho lục quân Mỹ sau khi chương trình nâng cấp liên quân binh chủng cho Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) bị đình trệ vì vấn đề kỹ thuật. Nỗ lực này nhằm lấp chỗ trống trong lực lượng tên lửa chính xác tầm xa của lục quân Mỹ.

Nhà sản xuất cho biết, PrSM phù hợp với cơ sở hạ tầng sẵn có, không đòi hỏi thay đổi quy trình vận hành và tác chiến của hệ thống HIMARS. Tên lửa cũng có sẵn khoảng trống ở mũi dành cho những gói nâng cấp trong tương lai.

S-400 Nga cho đến nay vẫn là vũ khí được nhiều nước quan tâm.

S-400 Nga cho đến nay vẫn là vũ khí được nhiều nước quan tâm.

Trong khi đó, theo trang web Air Power Australia, hệ thống S-400 là sản phẩm mới nhất của dòng hệ thống SAM S-300P của Nga, được thử nghiệm lần đầu vào năm 1999. Sự khác biệt chính giữa S-400 và phiên bản tiền nhiệm của nó nằm ở việc cải tiến thêm các radar và phần mềm, đồng thời bổ sung 4 loại tên lửa mới.

S-400: Cái gai trong mắt Mỹ

S-400 của Nga lâu nay vẫn là “cái gai” trong mắt Mỹ. Mỹ đã yêu cầu các quốc gia thành viên NATO không được mua loại vũ khí này và việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ nổi giận.

Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga năm 2017 và nhận bàn giao từ tháng 7/2019, bất chấp việc Mỹ phản đối kịch liệt. Washington cho rằng các hệ thống S-400 có thể gây nguy hiểm cho các tiêm kích F-35 mà Mỹ bàn giao cho các nước NATO và gần đây gạt Ankara khỏi chương trình sản xuất F-35.

Đáp trả các quyết định của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ các hệ thống S-400, đồng thời tìm kiếm các mẫu máy bay do Nga chế tạo để thay thế F-35.

S-400 hiện được đánh giá là mẫu vũ khí phòng thủ tiên tiến nhất thế giới, có thể đánh chặn toàn bộ mục tiêu bay ở khoảng cách 30-400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bat-ngo-khoe-ten-lua-diet-s-400-nga-ten-lua-cua-my-uy-luc-ra-sao-a500995.html