Bất ngờ kiến nghị thu hồi quyết định công nhận Di sản cho Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến
Chiều 27/4, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cho biết, đang làm đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và các cơ quan chức năng về việc rút Lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đơn kiến nghị này gồm các thành viên Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ký tên.
Trước đó, vào chiều 26/4, tại phủ thờ Tùng Thiện Vương (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học về “An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo, vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa như: PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên-Huế); nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế; nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng khoa Sử, Đại học Khoa học Huế; PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, nguyên Trưởng khoa Sử, Đại học Khoa học Huế; nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên-Huế; nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân; TS Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam....
Buổi tọa đàm được tổ chức sau khi Bộ VH-TT&DL ban hành quyết định về việc đưa Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, buổi tọa đàm đã nhận được 16 báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu, trong đó có 3 tham luận được trình bày tại tọa đàm cùng hơn 10 ý kiến tham luận.
Các ý kiến tham luận dựa vào chính sử triều Nguyễn, thế phả của Hoàng tộc triều Nguyễn, ghi chép của các học giả người Pháp cùng các nghiên cứu đã công bố chứng minh bà thứ phi Hoàng Phi Yến (còn gọi Hoàng Phi Yến, tên là Lê Thị Răm) và hoàng tử Cải (còn gọi hoàng tử Hội An) là 2 nhân vật truyền thuyết hư cấu, không có trong chính sử triều Nguyễn.
Theo PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã rà soát Nguyễn Phước tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện thì hoàn toàn không có ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy là Phi Yến. Tương tự, trong gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên của hoàng tử Cải là con của vua Gia Long.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng khẳng định: “Cái tên Lê Thị Răm, Hoàng Phi Yến, hoàng tử Hội An (Cải) chưa bao giờ xuất hiện trong một tư liệu lịch sử nào về triều Nguyễn”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết thêm, chi tiết gắn với một đoạn sử liệu được ghi trong bộ sử biên niên Đại Nam thực lục của triều Nguyễn là vào tháng 6 năm Quý Mão (từ 30/6 đến 28/7/1783 dương lịch) chúa Nguyễn Ánh từ đảo Phú Quốc trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn đã chạy “ra đảo Côn Lôn” ẩn náu; rồi đến tháng 7 năm Quý Mão (từ 29/7 đến 27/8/1783 dương lịch) bị Tây Sơn vây đánh tiếp ở “Côn Lôn” nên phải “vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt”.
“Người đầu tiên phát hiện sự bất cập của ngôn từ và khẳng định Côn Lôn trong đoạn sử này không phải Côn Đảo, mà là để chỉ đảo Cổ Long (Koh Rong, Koh-rong) nằm trong vịnh Xiêm La, là học giả người Pháp Charles B.Maybon”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho hay.
Trong ấn bản vào 1930 dưới nhan đề Lectures sur l'histoire moderne et contemporaine du pays d'Annam de 1428 à 1926 (Bài giảng lịch sử An Nam cận đại và hiện đại từ năm 1428 đến năm 1926), học giả Charles B.Maybon nhìn nhận Côn Lôn trong ngữ cảnh cuộc truy đuổi chúa Nguyễn Ánh của quân Tây Sơn năm 1783 không phải là Côn Đảo…
Kết luận buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu thống nhất với nhận định, triều đại nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng, những văn bản chính sử triều Nguyễn với những ghi chép rõ ràng, đảm bảo lai lịch và hành trạng của các vị hoàng đế triều Nguyễn là không thể xuyên tạc.
Theo kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam, việc công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống thuộc di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ sự gán ghép lịch sử “là xúc phạm anh linh và hình ảnh của hoàng đế Gia Long, vị vua khởi nghiệp triều Nguyễn cũng như Nguyễn Phúc tộc”.
Do đó, từ các tham luận, kết luận buổi tọa đàm, các đại biểu có mặt đã cùng ký tên vào bản kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản Văn hóa cùng các cơ quan liên quan đề nghị thu hồi quyết định công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.