Bất ngờ nguyên đơn bỗng trở thành… bị đơn!

Có mặt tại Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM, bà Phạm Thị Mỹ (SN 1955) bức xúc tường trình lại sự việc với những phẫn uất dồn nén… Theo đuổi vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ròng rã suốt hơn 12 năm, đối mặt với biết bao tổn thất và mất mát, nhưng cuối cùng điều bà nhận được chỉ là sự tuyệt vọng với kết quả của một bản án.

Từ mua nhà, không chồng đủ tiền

Khoảng năm 2008, bà Mỹ có thế chấp căn nhà số 238/13 Hoàng Văn Thụ cho ngân hàng để vay 3 tỷ đồng. Sau đó, do không có khả năng trả lãi suất, bà quyết định bán căn nhà cho ông Trần Hữu Nhơn (ngụ Đắk Lắk) với giá hơn 4,9 tỷ đồng.

Do phải cấn trừ khoản nợ với ngân hàng nên ngày 16/12/2010, bà Mỹ, ông Nhơn cùng cán bộ tín dụng đã có mặt tại Văn phòng công chứng Sài Gòn để ký hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo điều 2 của hợp đồng, bên B (tức ông Nhơn) phải thanh toán một lần cho bà Mỹ. Tuy nhiên, theo giấy nhận tiền lần 3 ngày 20/12/2010, bà Mỹ nhận tổng cộng gần 4,3 tỷ đồng, số còn lại khoảng hơn 650 triệu, ông Nhơn vẫn còn nợ.

Theo bà Mỹ, dù nhiều lần nhắc trả hết nợ theo đúng cam kết nhưng ông Nhơn không trả mà còn thách thức nên ngày 12/01/2011, bà Mỹ làm đơn khởi kiện ông Nhơn tại TAND Q.Tân Bình về "tranh chấp hợp đồng mua bán nhà”.

Ngày 08/4/2011, TAND Q.Tân Bình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm thực hiện việc cầm cố, thế chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đối với căn nhà số 283/13 Hoàng Văn Thụ. Vụ việc sau đó được bà Mỹ ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Bình và ông Võ Minh Đức thay mặt bà và con gái giải quyết vụ án.

Đến ngày 22/6/2012, TAND Q.Tân Bình ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do Thẩm phán Phạm Thị Thanh Hà ký vì lý do nguyên đơn vắng mặt. Bà Mỹ cho rằng, quyết định này là trái quy định, vì người đại diện ủy quyền phía bà không hề nhận được giấy triệu tập khi vụ án được đưa ra xét xử, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà. Kể từ đó, vụ việc chẳng những không được giải quyết thỏa đáng mà còn ngày càng diễn biến phức tạp hơn khiến bà Mỹ lâm vào tình cảnh "mất ăn, mất ngủ”.

Bà Mỹ trình bày bức xúc tại Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM

Bà Mỹ trình bày bức xúc tại Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM

Ngày 30/10/2018, TAND Q.Tân Bình bất ngờ ra quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án của bà Mỹ lên TAND TP.Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Trong đó ghi rõ, các đương sự có quyền khiếu nại quyết định này trong thời hạn 3 ngày, nhưng bà Mỹ không hề nhận được quyết định này.

Ngày 15/01/2019, bà Mỹ đến TAND Q.Tân Bình để hỏi sự tình thì được một thẩm phán cho biết toàn bộ hồ sơ vụ án đã chuyển lên TAND TP.Buôn Mê Thuột nên ở đây không còn trách nhiệm; lý do được đưa ra là vì ông Nhơn có địa chỉ cư trú tại Đắk Lắk. Phi lý hơn, TAND TP.Buôn Mê Thuột cũng không liên lạc được với ông Nhơn để giải quyết vì hơn 10 năm qua, ông không còn sinh sống tại địa phương.

Ngày 14/02/2019, TAND TP.Buôn Mê Thuột gửi giấy triệu tập tham gia tố tụng vào ngày 25/02/2019, nhưng bản thân bà Mỹ không thể thực hiện theo yêu cầu vì những điều hết sức vô lý này. Vụ án cứ thế kéo dài hơn 12 năm khiến người trong cuộc mệt mỏi chất chồng.

Đến bản án còn nhiều "dấu hỏi"

Sau hơn 12 năm, vụ kiện tưởng rơi vào bế tắc thì bất ngờ ngày 31/5/2023, TAND Q.Tân Bình đã mở phiên xét xử "tranh chấp hợp đồng mua bán nhà và đòi nhà”. Càng bất ngờ hơn, lúc này nguyên đơn lại là ông Trần Hữu Nhơn, còn bà Mỹ và con gái trở thành bị đơn.

Điều khiến bà Mỹ uất ức nhất là, trong lúc vụ kiện của bà liên tục bị gây khó dễ khiến vụ việc cứ kéo dài chưa hồi kết, thì khi nhận đơn khởi kiện (yêu cầu phản tố) của ông Nhơn, mọi thứ lại trở nên nhanh chóng đến khó hiểu. Phiên tòa xét xử rốt ráo ngay cả khi bị đơn vắng mặt. Theo trình bày của ông Nhơn tại phiên tòa: Vào thời điểm ký kết hợp đồng mua bán nhà, vì bà Mỹ muốn thuê lại căn nhà để ở một thời gian nên ông đã giữ lại số tiền hơn 650 triệu đồng.

Do cũng đang liên quan đến một khoản vay ngân hàng nên sau đó, ông có yêu cầu bà Mỹ trả nhà và ông sẽ hoàn trả tiền nhưng phía bà Mỹ không đồng ý. Ông Nhơn cho rằng, việc ông thanh toán gần hết số tiền và căn nhà cũng đã được chuyển nhượng sang tên ông nhưng bà Mỹ cùng con gái vẫn cố tình ở trong nhà trong suốt hơn 10 năm đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của ông. Do vậy, ông Nhơn yêu cầu bà Mỹ phải bàn giao căn nhà trên ngay khi ông thanh toán xong số tiền còn thiếu.

Bà Mỹ cho biết, việc ông Nhơn không giao phần tiền còn lại theo đúng hợp đồng như đã ký, gây ảnh hưởng đến những dự định khác của bà, chẳng hạn như: mất tiền cọc đặt mua căn hộ vào thời điểm đó, công ty của bà đối mặt với khó khăn dẫn đến ngưng hoạt động... Ngoài ra, thời gian làm đơn khiếu kiện vụ án dân sự tại TAND Q.Tân Bình kéo dài đã gây thiệt hại về mặt tinh thần trong nhiều năm ròng rã. Do vậy, bà Mỹ cũng đã đưa ra các yêu cầu bồi thường thiệt hại về mặt vật chất lẫn tinh thần này.

Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm (vắng mặt bị đơn là mẹ con bà Mỹ), TAND Q.Tân Bình đã tuyên: chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là ông Trần Hữu Nhơn; đồng thời đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bị đơn bà Phạm Thị Mỹ và con gái là Võ Thị Mỹ Linh (vụ việc kéo dài hơn 12 năm tại TAND Q.Tân Bình). Theo đó, ngay khi ông Nhơn thanh toán số tiền còn nợ lại hơn 650 triệu đồng, bà Mỹ buộc phải giao nhà lại cho ông Nhơn. Ngoài ra, những yêu cầu của bà Mỹ về đền bù thiệt hại đều bị TAND Q.Tân Bình đình chỉ.

Sáng 24/7, tiếp xúc với PV Chuyên đề Công an TPHCM, bà Mai Thị Bích Thảo - Thẩm phán TAND Q.Tân Bình (trực tiếp xét xử vụ này) cho biết: Liên quan đến vụ xét xử trên, chúng tôi đã xem xét hồ sơ, chứng cứ và HĐXX đã đi đến thống nhất để đưa ra phán quyết như bản án sơ thẩm. Được biết, hiện bị đơn đã gởi đơn kháng cáo nên tất cả phải chờ vào phiên xét xử cấp phúc thẩm"...

Hơn ai hết, bà Mỹ tỏ ra tuyệt vọng trước quyết định cuối cùng của phiên sơ thẩm. Bởi theo bà, ngay từ đầu, chính ông Nhơn đã không làm đúng theo hợp đồng đã ký kết dẫn đến việc kiện thưa kéo dài. Cũng chính việc chậm trễ thanh toán tiền vào đúng thời điểm như đã thỏa thuận đã khiến cả gia đình bà Mỹ phải đối mặt với rất nhiều tổn thất và mất mát. Thiết nghĩ, những bức xúc liên quan đến toàn bộ vụ việc của bà Mỹ là có cơ sở. Mong rằng, phiên tòa cấp cao sẽ làm rõ những vấn đề còn khúc mắc để có bản án thật sự thấu tình, đạt lý.

Trung Hiếu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/bat-ngo-nguyen-don-bong-tro-thanh-bi-don_150270.html