Bất ngờ tại một công ty sữa: Lợi nhuận từ tiền gửi, tiền cho vay chiếm tỷ lệ cao
Dù kinh doanh sữa những khá bất ngờ khi phần lợi nhuận của Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay của IDP chiếm tỷ lệ cao. Điều này đặt ra dấu hỏi về tính bền vững trong dài hạn của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
IDP: Lên kế hoạch lãi giảm mạnh
Theo tài liệu dự trình, CTCP Sữa Quốc tế Lof (mã: IDP) đặt mục tiêu doanh thu đạt từ 8.400 - 8.800 tỷ đồng, tăng 10-14% so với năm trước. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận sau thuế lại khá thận trọng, chỉ dao động từ 360- 440 tỷ đồng, giảm mạnh 50-59% so với năm trước.

Theo tài liệu dự trình, CTCP Sữa Quốc tế Lof (mã: IDP) đặt mục tiêu doanh thu đạt từ 8.400 - 8.800 tỷ đồng, tăng 10-14% so với năm trước.
Hiện tại, Lof đang vận hành hai nhà máy tại Ba Vì và Củ Chi với tổng công suất khoảng 300.000 tấn sản phẩm/năm. Để mở rộng sản xuất, công ty đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng một nhà máy mới tại Bình Dương. Theo tài liệu ĐHĐCĐ, công ty có kế hoạch đổi tên dự án thành chi nhánh CTCP Sữa Quốc Tế Lof – Nhà máy sữa Lof Bình Dương. Không chỉ đổi tên, doanh nghiệp còn nâng mức đầu tư cho dự án này lên 6.500 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với kế hoạch ban đầu, đồng thời tăng công suất lên khoảng 685.000 tấn sản phẩm/năm.
Dự án sẽ được triển khai theo hai giai đoạn:
Giai đoạn 1 (dự kiến hoạt động từ quý 1/2025): Sản xuất 250.000 tấn sản phẩm từ sữa và 50.000 tấn sản phẩm đồ uống mỗi năm.
Giai đoạn 2 (dự kiến vận hành từ quý 2/2027): Sản xuất 286.000 tấn sản phẩm từ sữa, 98.500 tấn đồ uống và 500 tấn thực phẩm khác.
Bên cạnh kế hoạch mở rộng sản xuất, Lof vẫn duy trì chính sách chia cổ tức hấp dẫn. Trong giai đoạn 2021-2023, công ty đã chi trả cổ tức với tỷ lệ cao từ 60-85%. Đối với năm 2024, HĐQT đã trình phương án chia cổ tức thành hai đợt, trong đó đợt 1 đã thanh toán 50%, còn đợt 2 sẽ do HĐQT quyết định về tỷ lệ, thời gian và phương thức chi trả. Sang năm 2025, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 50-80%.
Năm 2025, IDP dự trình kế hoạch lãi giảm mạnh, sự thận trọng này xuất phát từ thực tế lợi nhuận của Lof đã giảm đáng kể trong giai đoạn cuối năm 2024.
IDP: Doanh thu tăng, lợi nhuận lao dốc
Trong quý IV/2024 IDP ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.095 tỷ đồng, tăng 25%. Giá vốn hàng bán ở mức 1.212 tỷ đồng, tăng 27%, lãi gộp đạt 883,6 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu hoạt động tài chính ở mức 50,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước đó nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh hơn lên12,4 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay ở mức 14,7 tỷ đồng (gấp 2,2 lần so với cùng kỳ). Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cũng mạnh lần lượt 760 tỷ đồng (tăng 63%) và 86,5 tỷ đồng (gấp 3 lần).
Kết quả, lãi sau thuế quý cuối cùng năm 2024 của IDP dạt 64,4 tỷ đồng, giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2023.

BCTC hợp nhất quý IV/2024 của IDP
Lũy kế cả năm 2024, Sữa Quốc tế Lof ghi nhận doanh thu thuần 7.658 tỷ đồng, tăng 15% và lãi sau thuế đạt 875 tỷ đồng, giảm 5,3% so với năm trước đó. Đáng chú ý khoản doanh thu tài chính của IDP trong năm qua đạt 176,5 tỷ đồng, tăng 20,8% so với năm trước.
Tổng tài sản của IDP tính tới cuối năm 2024 đạt 6.945 tỷ đồng, tăng tới hơn 1.700 tỷ đồng. Trữ tiền ở mức hơn 1.850 tỷ đồng (- 410 tỷ đồng so với đầu năm). Trong đó riêng tiền gửi ngân hàng ở mức hơn 1.800 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 47% lên 641,6 tỷ đồng.
Tiền gửi ngân hàng nhiều nên lãi tiền gửi, tiền cho vay của IDP tính tới cuối năm 2024 đạt 145 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả cũng tăng mạnh từ 2.179 tỷ đồng lên 3.873 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 2.854 tỷ đồng; tổng nợ vay ở mức hơn 2.110 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ.
Dù IDP có hơn 1.850 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, nhưng nợ vay cũng tăng vọt lên hơn 2.110 tỷ đồng, áp lực thanh khoản sẽ gia tăng nếu dòng tiền không được quản lý chặt chẽ. Nếu không kiểm soát tốt nợ vay, IDP có thể đối mặt với chi phí tài chính ngày càng lớn, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời trong tương lai.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho của IDP tăng 47% so với đầu năm, đạt 641,6 tỷ đồng. Đây có thể là tín hiệu cho thấy công ty đang chuẩn bị cho mùa cao điểm, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn nếu sức tiêu thụ chậm lại. Nếu lượng hàng tồn kho không được giải phóng nhanh, IDP có thể chịu áp lực về dòng tiền và giảm giá trị hàng hóa.
Đáng chú ý, một phần đáng kể lợi nhuận của IDP không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà từ doanh thu tài chính. Cụ thể, trong năm 2024, doanh thu tài chính đạt 176,5 tỷ đồng, tăng 20,8%, trong đó riêng lãi từ tiền gửi ngân hàng đã đóng góp tới 145 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc IDP đang phụ thuộc không nhỏ vào nguồn thu từ lãi tiền gửi, một yếu tố mang tính bị động và không bền vững. Nếu công ty phải rút tiền gửi để trả nợ hoặc lãi suất thị trường giảm, dòng tiền tài chính sẽ suy yếu, kéo theo áp lực lớn lên lợi nhuận.
Vốn chủ sở hữu của IDP tính tới cuối năm 2024 đạt 3.423 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, trong đó lãi sau thếu chưa phân phối ở mức 1.949 tỷ đồng, vốn điều lệ 618 tỷ đồng.
Tại Báo cáo quản trị năm 2024, cổ đông sữa Quốc tế Lof được tiết lộ gồm: Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap 14,3%, ông Đinh Quang Hoàn - thành viên HĐQT 2,42%; Đặng Phạm Minh Loan - thành viên HĐQT 4,4%; Daytona Ibvestments PTE.LTD nắm 12,47%...
Chủ tịch HĐQT của IDP là ông Tô Hải, trong khi đó vợ ông là bà Trương Nguyễn Thiên Kim là thành viên HĐQT của công ty. Vợ chồng ông Tô Hải không chỉ nắm quyền tại doanh nghiệp sữa này mà còn sở hữu khối tài sản lớn, đứng sau "ông lớn" trên thị trường tài chính như CTCP Chứng khoán Vietcap.
Đáng chú ý, bà Thiên Kim còn được mệnh danh là "bà trùm" ngành F&B, khi đứng sau thành công của hàng loạt thương hiệu đình đám như Katinat, Phê La, San Fu Lou, nhà hàng Dì Mai, và nhà hàng Nhật Sorae. Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong cả lĩnh vực tài chính lẫn ẩm thực, vợ chồng ông Tô Hải – Thiên Kim đang tạo nên một đế chế kinh doanh đầy quyền lực.