Bất ngờ thông tin Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam hơn 1,4 triệu tấn thóc trong 1 tháng
Trong tháng 10, Campuchia đã xuất khẩu sang Việt Nam hơn 1,4 triệu tấn thóc, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Veng Sakhon, Bộ trưởng Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Campuchia đã khẳng định với báo giới hôm 31/10 rằng, trong 10 tháng năm 2020, Campuchia đã xuất khẩu hơn 530.000 tấn gạo. Đây là mức tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Veng Sakhon cho biết, đã có 60 quốc gia đặt mua gạo từ Campuchia trong 10 tháng qua. Các thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Campuchia đều tăng mạnh nhập khẩu trong 10 tháng qua so với cùng kỳ 2019, bao gồm: Xuất khẩu sang các nước châu Âu đạt tổng cộng 174.391 tấn (tăng 32,51%); Trung Quốc đạt 194.451 tấn (tăng 36,26%) và các nước thành viên ASEAN với tổng lượng 71.882 tấn (tăng 13,40%).
Cũng trong 10 tháng qua, số lượng thóc của Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam (tính đến ngày 28/10) đạt 1.427.226 tấn.
Ông Lun Yeng, Tổng thư ký Liên đoàn Gạo Campuchia cho biết, diện tích trồng lúa trên cả nước Campuchia hiện có hơn 2,7 triệu ha. Thời gian qua, lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 213.000 ha lúa, trong đó hơn 32.000 ha bị thiệt hại nặng. Do đó có thể làm giảm lượng thóc xuất khẩu sang Việt Nam vốn đạt tới hơn 2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, giá thóc cũng sẽ tăng vì các nhà máy chế biến gạo sẽ có nhu cầu thu mua nhiều thóc hơn.
Theo Tổng thư ký Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) Lun Yeng, hầu hết số thóc xuất khẩu sang Việt Nam là giống ngắn ngày, có thể thu hoạch trong vòng 3 tháng. Giống gạo ngắn ngày không phải là mục tiêu chế biến xuất khẩu của Campuchia nhưng vẫn được khuyến khích xuất khẩu để giúp nông dân tăng thu nhập. Trung Quốc và Liên minh châu Âu hiện vẫn là 2 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Campuchia.
Ở chiều ngược lại, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia trong tháng 8/2020 đạt 332,94 triệu USD, giảm 25,45% so với tháng trước đó, dẫn đến tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm cũng giảm 7,83% so với cùng kỳ, đạt 2,7 tỷ USD.
Trong các mặt hàng xuất sang Campuchia 8 tháng năm 2020, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch trăm triệu USD và đều sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể: Sắt thép các loại đạt 551,5 triệu USD (-20,95%), chiếm 20,4% thị phần; Hàng dệt, may đạt 372,03 triệu USD (-5,85%), chiếm 13,76% thị phần; Xăng dầu các loại đạt 167,67 triệu USD (-43,45%), chiếm 6,2%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 143,98 triệu USD (-21,32%), chiếm 5,32%; Sản phẩm từ sắt thép đạt 100,82 triệu USD (-3,49%), chiếm 3,73%.
Campuchia muốn cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu gạo trắng
Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia đang kêu gọi các nhà xuất khẩu gạo trong nước tập trung hơn vào xuất khẩu gạo trắng để khai thác tiềm năng của thị trường gạo giá rẻ thế giới. Ngành lúa gạo Campuchia đang chật vật để cạnh tranh với các nước láng giềng là Việt Nam và Thái Lan – hai nước cung cấp gạo trắng ra thị trường thế giới với giá rẻ hơn nhiều so với Campuchia – quốc gia chủ yếu xuất khẩu các loại gạo thơm hoặc gạo cao cấp.
Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia, Veng Sakhon, mới đây đã kêu gọi các nhà xuất khẩu gạo trong nước tập trung hơn vào xuất khẩu gạo trắng để khai thác tiềm năng của thị trường gạo giá rẻ thế giới.
Theo thông tin từ nguồn Khmer Times, Campuchia sản xuất hơn 10 triệu tấn thóc/năm, trong đó khoảng 3 triệu tấn là gạo thơm cao cấp. Số liệu của Bộ Nông nghiệp nước này cho thấy, tính đến tháng 9/2020, Campuchia đã trồng 2,7 triệu ha lúa. Tổng thư ký Liên đoàn gạo Campuchia (CRF), Lun Yeng, cũng cho rằng, Canmpuchia cần giải quyết vấn đề thị trường. Mặc dù vậy, ông cho rằng nếu muốn chế biến gạo trắng xuất khẩu thì Campuchia cần phải đưa giá gạo của mình về mức có thể cạnh tranh với các nước láng giềng trên thị trường quốc tế.
Campuchia đã xuất khẩu 30% sản lượng gạo trắng của mình, chủ yếu sang thị trường Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, EU đã áp dụng các biện pháp tự vệ đối với gạo Campuchia nên giờ đây Campuchia không thể cạnh tranh được trên thị trường Châu Âu. Vì vậy, gạo thơm vẫn là thế mạnh của Camphuchia trên thị trường thế giới. Campuchia không tập trung vào số lượng. Điều quan trọng là có thể có lãi từ sản xuất gạo, và đồng thời đảm bảo dự phát triển của ngành lúa gạo
Campuchia hiện có tổng cộng 70 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó 60 doanh nghiệp là thành viên của CRF. Nước này có tổng cộng 120 nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với công suất chế biến tổng cộng 1,2 triệu tấn/năm.
Nước này đã xuất khẩu 488.775 tấn gạo (quy xay) trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này thấp xa so với 2,89 triệu tấn của Thái Lan chỉ trong nửa đầu năm 2020 (mặc dù mức đó bị giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái) và so với 3,5 triệu tấn của VIệt Nam (tăng 5,6%). Đất nước Chùa Tháp dự kiến sẽ xuất khẩu 800.000 tấn gạo xát trong năm nay, và nâng lên 1 triệu tấn vào năm 2022.
Xem Thêm: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với Campuchia
Nguyễn Dung(t/h)