Bất ngờ với năng suất lúa tăng gấp 4 lần, giá gạo cao nhờ áp dụng mô hình sạch
Hiện nay, những doanh nghiệp chậm chân trong việc chuyển đổi xanh đang đối mặt với nguy cơ khó tìm kiếm được đơn hàng, nhất là ở các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.
Ngày 19-2, báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh". Tại đây, các chuyên gia và doanh nghiệp đều có chung quan điểm rằng nếu không chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản.
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách - Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: "Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách. Quá trình chuyển đổi xanh không thể tách rời chuyển đổi số, đồng thời phải được triển khai dựa trên các trụ cột cốt lõi của nền kinh tế xanh.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% GDP, phần lớn nền kinh tế vẫn dựa vào mô hình phát triển truyền thống (kinh tế nâu). Do đó, quá trình chuyển đổi xanh vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa chi phí và gia tăng năng suất lao động để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả và bền vững".
Chuyển đổi xanh là con đường sống còn
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... được xem là những trụ cột chính trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là hướng đi tất yếu mà còn giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế xanh toàn cầu. Cũng chính áp lực từ thị trường quốc tế buộc Việt Nam phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường sẽ không thể tìm kiếm được đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.
"Song, có một thực tế là chuyển đổi xanh tại Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp SME vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu cơ chế rõ ràng, khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi. Ngay cả các ngân hàng thương mại cũng lúng túng khi thẩm định dự án xanh do chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xanh", ông Tùng đánh giá.

Chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, ông Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư SATY HOLDING cho biết: Doanh nghiệp của chúng tôi hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ cao, mong muốn đưa các giải pháp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam ra thị trường, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và tín chỉ carbon.
Chẳng hạn, để sản xuất lúa bền vững, chúng tôi cung cấp cho người nông dân từ giống lúa mới, cho đến phân hữu cơ; cung cấp quy trình chụp hình cây lúa để các chuyên gia đánh giá sự phát triển của cây lúa, ứng dụng đo mực nước để quản lý nước cho cây lúa phát triển tốt hơn...
"Sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, thật bất ngờ là giống lúa mới đã đạt năng suất cao gấp 4 lần so với dự đoán trước đó. Không chỉ được hưởng lợi từ sản lượng lúa tăng cao, lúa gạo sạch luôn được các doanh nghiệp thu mua với mức giá cao", ông Huy kể
Cũng là những doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết: Từ năm 2018, ngành này đã tích cực lồng ghép các tiêu chí phát triển bền vững vào chiến lược chung, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đến năm 2024, ngành gỗ đạt mức tăng trưởng ấn tượng với doanh số 16,3 tỉ USD, tăng gần 21% so với năm 2023.
Đáng chú ý, thị trường Mỹ chiếm khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đối với thị trường châu Âu, vốn có chính sách phát triển bền vững rất khắt khe, đòi hỏi hàng nhập khẩu phải đáp ứng nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, song đơn hàng xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường này cũng đạt khoảng 1,2 tỉ USD.
Dự kiến, cuối năm 2025 sẽ là thời điểm các doanh nghiệp lớn chịu tác động mạnh nhất, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đối mặt với yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt hơn từ năm 2026. Tuy nhiên, nhờ việc chủ động phát triển các chính sách bền vững từ sớm, ngành gỗ Việt Nam đã vượt qua các bài kiểm tra đầu tiên và phần lớn doanh nghiệp đã sẵn sàng đối mặt với những thách thức này.
Doanh nghiệp cũng phải tự vận động chuyển mình
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, các cơ quan chức năng liên quan cần có cơ chế tài chính phù hợp, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn đầu tư vào công nghệ sạch, các dự án giảm rác thải và mở rộng thị trường carbon. Các chính sách quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp cần được thiết kế linh hoạt, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh theo hướng bền vững.
Ông Hoàng Dương Tùng cho biết thêm, ngoài yếu tố khách quan là thiếu cơ chế rõ ràng đang là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp SME chưa mạnh dạn chuyển xanh, thì vẫn tồn tại thực trạng là nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ chuyển đổi xanh là gì và làm thế nào để áp dụng vào thực tế. Để thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả, Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế xanh riêng cho từng ngành, giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng về tiêu chuẩn, công nghệ, nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp cũng cần chủ động và quyết tâm hơn trong việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bởi đây không còn là một lựa chọn mà đã trở thành xu thế không thể trì hoãn, bắt buộc phải chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.
Từ góc nhìn của ngân hàng thương mại, ông Vương Thành Long, Giám đốc Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ Ngân hàng BIDV nêu quan điểm: "Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong hệ thống tài chính, BIDV kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý sớm ban hành danh mục dự án xanh, tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp và ngân hàng có căn cứ rõ ràng trong việc tiếp cận vốn. Khi danh mục này được công bố, Chính phủ có thể dành một phần ngân sách để tái cấp vốn cho các ngân hàng, từ đó tạo động lực để giảm lãi suất và phí cho vay đối với các dự án xanh".