Bất ngờ với nỗ lực của Mỹ nhằm trang bị vũ khí nhanh chóng cho Ukraine

Ngoài số lượng vũ khí khổng lồ, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukrainevề mặt hậu cần cũng rất đáng chú ý.

Khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài sang tháng thứ 11, Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

Inforgraphic cho thấy sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Nguồn: Bộ Tư lệnh vận tải Mỹ

Inforgraphic cho thấy sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Nguồn: Bộ Tư lệnh vận tải Mỹ

Bộ Tư lệnh vận tải Mỹ đã xuất bản một inforgraphic do Nhà Trắng cung cấp, tiết lộ số lượng vũ khí và thiết bị chuyển giao cho Ukraine trên thực tế. Đồ họa thông tin này bao gồm các nguồn cung từ ngày 11/1/2022 đến ngày 3/1/2023.

Khối lượng hàng viện trợ lớn đến mức Mỹ phải dùng tàu biển và hệ thống đường sắt để vận chuyển. Đây cũng chính là cách các binh sỹ Mỹ cung cấp hơn 1 triệu quả đạn pháo 155mm và nhiều loại đạn dược khác cho Ukraine. Các điểm trung chuyển bao gồm cảng Alexandroupoli của Hy Lạp và/hoặc Constanta của Romania, nơi một đoàn xe bọc thép M1117 của Mỹ dành cho Ukraine đã được phát hiện trong thời gian gần đây.

Quy mô “cầu hàng không” giữa Mỹ và sân bay Boryspil gần thủ đô Kiev và sân bay Rzeszów của Ba Lan cũng ấn tượng không kém: trung bình mỗi ngày có 3 máy bay chở quân nhu đến và đi giữa các sân bay này. Xe tải được sử dụng như “phương tiện vận chuyển chặng cuối”, ước tính có khoảng 5.500 chuyến. Điều này cho thấy mạng lưới hậu cần rộng lớn đến mức khó tin.

Báo chí và các chuyên gia quân sự thường tập trung vào số lượng thiết bị hạng nặng được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Ukraine. Song những trang thiết bị đặc biệt mà Ukraine cần trong giai đoạn triển khai đầu tiên của lực lượng phòng vệ cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ước tính, Mỹ đã cung cấp cho Kiev hơn 14.400 vũ khí nhỏ, 201,7 triệu viên đạn, hơn 48.000 mũ bảo hiểm và 70.000 áo chống đạn. Ngoài ra, danh sách này bao gồm hơn 1.400 hệ thống phòng không, từ bệ phóng di động cho đến hệ thống NASAMS và 2.086 tên lửa đất đối không.

Tuy vậy, nỗ lực hỗ trợ hậu cần của Mỹ cho đến nay vẫn được thực hiện một cách “âm thầm” ở phía sau chiến tuyến và các nhà quan sát không thể nắm được chính xác số lượng những con lô hàng này vì nhiều lý do. Một trong số đó là Trung tâm Điều phối các nhà tài trợ quốc tế (IDCC) đang giữ bí mật về tất cả các tuyến đường tiếp tế cho quân đội Ukraine.

Trong inforgraphic nêu trên, Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ chỉ báo cáo về công việc của bộ này chứ không phải tất cả các nguồn cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Không chỉ Mỹ mà nhiều nước châu Âu cũng đang “chạy đua với thời gian” đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine. Chẳng hạn, Ba Lan đã hỗ trợ hậu cần để đưa xe tăng M-55S từ Slovenia tới Ukraine, còn Anh đã nhờ sử trợ giúp từ máy bay vận tải của New Zealand để vận chuyển hàng hóa viện trợ.

Việc vận chuyển được thực hiện chủ yếu bằng đường biển.

Việc vận chuyển được thực hiện chủ yếu bằng đường biển.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã tăng cường sử dụng tuyến đường biển để vận chuyển vũ khí cho Ukraine trong thời gian sớm nhất. Chỉ vài tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ đã bắt đầu chuyển giao một số khí tài bằng đường biển và mở rộng đáng kể tuyến đường này vào mùa Xuân để cung cấp cho Ukraine pháo tự hành cùng nhiều vũ khí hạng nặng khác và một lượng lớn đạn dược.

Đại tá Lục quân Steven Putthoff, Phó Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ cho biết: “Khi bắt đầu cung cấp cho Ukraine đạn pháo chúng tôi biết họ sẽ cần thêm đạn dược. Vì thế chúng tôi đã lên kế hoạch trước, sử dụng nhiều tuyến vận tải bằng đường biển hơn để cung cấp cho họ, đôi khi đưa các lô đạn dược đến sớm hơn so với yêu cầu”.

Các quan chức Mỹ từ chối tiết lộ về tuyến đường cụ thể đưa vũ khí đến Ukraine, nhưng cho biết, một số vũ khí của Mỹ được đưa trực tiếp ra mặt trận, trong khi những loại khác được bổ sung cho các kho dự trữ của Mỹ ở châu Âu và các quan chức Mỹ có thể lấy ở đây để cung cấp cho Ukraine.

Theo nguồn tin này, mặc dù việc sử dụng máy bay có thể rút ngắn thời gian vận chuyển, nhưng tàu biển lại có thể chuyên chở một lượng hàng hóa lớn hơn nhiều, cho phép Ukraine xây dựng kho dự trữ vũ khí lớn hơn cho các hoạt động quân sự trong tương lai.

Một quan chức tiết lộ, sở dĩ họ có thể vận chuyển vũ khí trong vòng vài giờ hoặc vài ngày là do có sự hợp tác và lập kế hoạch kỹ lưỡng với Bộ tư lệnh châu Âu của Mỹ - cơ quan phụ trách liên lạc với Ukraine để tìm hiểu nhu cầu của họ và liên lạc với các nước thành viên khác trong NATO trong suốt quá trình.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cho thấy, hậu cần là một yếu tố vô cùng quan trọng có thể quyết định thành công hay thất bại của một chiến dịch quân sự. Hậu cần là khía cạnh riêng xung đột và chiến tranh hiện đại phụ thuộc vào chuỗi cung ứng linh hoạt để kết nối các cơ sở công nghiệp quốc phòng với các đơn vị quân đội. Xung đột Nga-Ukraine được cho là một trong những cuộc xung đột điển hình để nghiên cứu, thử nghiệm, sửa đổi và xây dựng các chiến lược mới trong lĩnh vực này./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bat-ngo-voi-no-luc-cua-my-nham-trang-bi-vu-khi-nhanh-chong-cho-ukraine-post994851.vov