Bắt nhịp xu hướng thị trường xuất khẩu lao động

Chủ động bắt nhịp với xu hướng của thị trường lao động quốc tế, việc chú trọng đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài đang dần trở thành hướng đi triển vọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động hiện nay của tỉnh Phú Thọ.

Giờ thực tập Điện Công nghiệp của học viên Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ.

Giờ thực tập Điện Công nghiệp của học viên Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ.

Tăng cường đào tạo nghề

Từ đầu năm trở lại đây, lượng lao động đi làm việc tại một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... của một số công ty xuất khẩu lao động đã có sự sụt giảm so với thời gian trước đó. Anh Đinh Nhân Quý - Giám đốc khối tuyển dụng, Công ty CP Hợp tác quốc tế An Bình (Hà Nội) chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Công ty mới chỉ đưa được khoảng 350 lao động đi Đài Loan (Trung Quốc) và 130 lao động đi Nhật Bản làm ở lĩnh vực xây dựng và công xưởng, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do hai thị trường này đang chuyển sang tiếp cận thị trường cung ứng lao động khác vì đánh giá lao động tự do Việt Nam có chất lượng tay nghề không cao.

Trước thực tế này, nhiều đơn vị cung ứng lao động đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc đào tạo tay nghề trước khi đưa lao động xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là tại các trường nghề. Phú Thọ hiện có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 22 cơ sở công lập (6 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 14 trung tâm) và 8 cơ sở tư nhân, doanh nghiệp FDI; 11 cơ sở đào tạo nghề trọng điểm, 4 ngành, nghề trọng điểm quốc tế, 10 ngành nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN và 24 nghề trọng điểm Quốc gia; có 59 ngành nghề trình độ cao đẳng, 71 ngành nghề trình độ trung cấp, 101 ngành nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Nhiều năm trở lại đây, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ luôn được đánh giá là một trong các đơn vị mạnh dạn tiếp cận xu hướng và đạt hiệu quả cao trong đào tạo, liên kết để tìm đầu ra cho sinh viên. Nhà trường tích cực liên kết đào tạo với các doanh nghiệp theo 2 hình thức: Doanh nghiệp đặt hàng và doanh nghiệp hợp tác để cùng nhà trường tư vấn tuyển sinh và đào tạo. Một số doanh nghiệp hợp tác lâu năm với trường có thể kể đến như: Công ty CP Cơ khí - Xây lắp - Thương mại Minh Cường, Tập đoàn TLS Group... Hàng năm, nhà trường tổ chức đưa 100% học sinh đi trải nghiệm, thực tập sản xuất tại các công ty, nhà máy; thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) và UBND huyện Thanh Ba tổ chức sàn giao dịch việc làm, thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với trên 1.000 vị trí việc làm thuộc các ngành nghề: Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Kế toán, Hàn, Công nghệ ô tô, Điện tử..., trong đó, nhiều đơn hàng đi làm việc ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia...

Đồng chí Nguyễn Thái Việt - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, giới thiệu việc làm của Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ chia sẻ: Thời gian gần đây, nhu cầu lao động của nhiều quốc gia như Đức và một số nước Đông Âu có xu hướng tăng cao. Để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các thị trường này, nhà trường đã tập trung nâng cao chất lượng dạy học ở tất cả 13 ngành nghề đào tạo, đặc biệt là các nghề trọng điểm quốc gia và quốc tế. Đồng thời, chú trọng tăng thời lượng cho các hoạt động trải nghiệm thực tế, bồi dưỡng kỹ năng bổ trợ, tìm hiểu về môi trường làm việc, văn hóa bản địa của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc..., từ đó giúp sinh viên có thể tiếp cận nhanh nhất khi bắt đầu môi trường làm việc mới.

Đoàn công tác của thành phố Hwaseong (Hàn Quốc) tìm hiểu về các chương trình đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ.

Đoàn công tác của thành phố Hwaseong (Hàn Quốc) tìm hiểu về các chương trình đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ.

Lợi ích kép

Thực tế, việc đẩy mạnh đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề đi nước ngoài làm việc đã và đang mang lại cho người lao động cũng như nền kinh tế những lợi ích kép. Người lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao khi ra nước ngoài làm việc thì thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều so với lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo. Theo kết quả khảo sát các đơn hàng của các doanh nghiệp cung ứng lao động gần đây cho thấy, bình quân thu nhập hàng tháng (kể cả làm thêm) của lao động phổ thông người Việt Nam làm việc tại nước ngoài là 400 - 600 USD (9,5 - 14,3 triệu đồng) ở thị trường Trung Đông; 700 - 800 USD (16,6 - 19 triệu đồng) ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc)... Song với lao động có tay nghề, mức thu nhập có thể đạt đến 50 - 70 triệu đồng/tháng (làm việc tại Đức) hoặc 52,8- 66 triệu đồng/tháng (làm việc tại Australia). Như vậy, người lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao sẽ có thu nhập cao hơn, có điều kiện tích lũy nhiều hơn. Mặt khác, sau khi trở về, các lao động này sẽ trở thành nguồn cung quan trọng đối với doanh nghiệp bởi không chỉ có tay nghề mà còn có kinh nghiệm, ý thức kỷ luật do được lao động thời gian dài trong môi trường làm việc chuyên nghiệp tại nước ngoài. Đây là nguồn lực để doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng môi trường lao động kỷ luật, hiệu quả; đồng thời là cơ hội để cho các lao động tiếp tục được làm việc với mức thu nhập ổn định mà không phải “ly hương”.

Đồng chí Nguyễn Hiển Ngọc - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 819 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bằng 115,9% so cùng kỳ). Các lao động đã qua đào tạo, sau khi làm việc ở nước ngoài trở về đều có kỹ năng chuyên môn, có ngoại ngữ, ý thức kỷ luật cao nên dễ dàng được các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận. Để nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động, trong 5 tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm GDNN tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh phiên giao dịch việc làm, kết nối với các doanh nghiệp tuyển dụng tổ chức tư vấn cho trên 14.000 lượt người, qua đó giới thiệu cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điểm sáng của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong những năm gần đây là việc mở rộng thị trường, tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động tại các nước châu Âu như: Hungary, Hy Lạp, Ba Lan, Slovakia, Croatia... Số lượng người lao động sang làm việc tại các thị trường mới có xu hướng tăng dần theo các năm. Do đó, để nâng cao hiệu quả việc đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề đi làm việc tại nước ngoài, thời gian tới cần thực hiện tốt công tác tuyển chọn và đào tạo lao động về chuyên môn, tay nghề, trình độ ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật, tạo vị thế của người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đưa lao động tham gia vào các dự án đầu tư, dịch vụ hoặc hoạt động thương mại để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp cao nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các thị trường tiềm năng về xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngay từ khâu tuyển sinh - đào tạo cho đến tuyển dụng. Doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhiều hơn nữa những đợt trải nghiệm, các chương trình đi học tập, làm việc ở từng thị trường để cập nhật vào thông tin tuyển sinh, chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu từ các doanh nghiệp, nhất là tay nghề chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật của sinh viên. Tuy nhiên để thực hiện tốt vấn đề này, các địa phương, cơ quan chức năng cần đồng hành với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về hoạt động xuất khẩu lao động; có chính sách hỗ trợ tài chính để người lao động có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, năng lực của bản thân, tạo công ăn việc làm để có nguồn thu nhập ổn định, góp phần an sinh xã hội.

Thanh Trà - Trương Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/bat-nhip-xu-huong-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-212752.htm