Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu lý do cấm công chứng viên được quảng cáo
Đại biểu đánh giá việc giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên không quá 70 sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực trong xã hội.
Ngày 25-6, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên là công dân Việt Nam “không quá 70 tuổi”.
Hạn chế độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên gây lãng phí nguồn lực?
Nêu ý kiến, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đánh giá việc giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên sẽ “gây lãng phí nguồn nhân lực trong xã hội”. Theo bà, hiện chưa có bất cứ khảo sát, đánh giá liên quan đến việc công chứng viên trên 70 tuổi không đảm bảo điều kiện về sức khỏe và trí tuệ minh mẫn để hành nghề công chứng.
Cạnh đó, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực hơn, công chứng viên cao tuổi sẽ có những ưu điểm, lợi thế về mặt kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng đã được tích lũy trong nhiều năm làm việc.
Từ phân tích trên, nữ ĐB đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 dự thảo luật theo hướng không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên và chỉ quy định những điều kiện về bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng…
ĐB Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) dẫn dự thảo luật quy định công chứng viên đã quá 70 tuổi sẽ thuộc một trong các trường hợp bị miễn nhiệm. Quy định này, theo Chính phủ, nhằm mục đích nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng.
Tuy nhiên, vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu thực tế số công chứng viên đang hành nghề trên 70 tuổi không nhiều, trong đó có những công chứng viên nhiều kinh nghiệm vẫn đủ sức khỏe hành nghề. Họ đã xây dựng được các thương hiệu công chứng lớn, có uy tín tại các địa bàn như Hà Nội và TP.HCM.
Ông Hiển cũng cho rằng những công chứng viên không đủ sức khỏe hành nghề hoặc không hành nghề liên tục từ 12 tháng trở lên đã thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định của luật. Cạnh đó, công chứng là một nghề tư pháp nên việc quy định các biện pháp nhằm quản lý chất lượng nghề nghiệp sẽ phù hợp hơn thay vì miễn nhiệm họ chỉ căn cứ vào độ tuổi.
Từ những phân tích trên, ông Đỗ Đức Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm. “Trường hợp cần thiết phải quy định miễn nhiệm với công chứng viên đã quá 70 tuổi thì nên kéo dài thời gian chuyển tiếp hiện nay là năm năm để công chứng viên này xử lý các công việc, bảo đảm quyền lợi của mình đối với thương hiệu cũng như tài sản, vốn góp của mình trong tổ chức hành nghề công chứng” - ông Hiển nói.
Đề nghị bỏ quy định cấm công chứng viên được quảng cáo
Liên quan đến các quy định “các hành vi bị nghiêm cấm”, dự thảo quy định nghiêm cấm công chứng viên “quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình”.
Dù kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành, nội dung trên vẫn gây nhiều tranh luận tại nghị trường. ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng các hành vi bị nghiêm cấm về quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo quy định.
“Nội dung nghiêm cấm như dự thảo Luật làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cũng như quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động” - theo ĐB Thông.
Từ đó, ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Đồng tình, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị bỏ quy định nói trên. “Quảng cáo theo đúng quy định của Luật Quảng cáo là không vi phạm gì” - ĐB Hòa nói.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh công chứng là dịch vụ công do Nhà nước thực hiện; hoặc xã hội hóa với sự tham gia của các tổ chức tư nhân nhưng với điều kiện bắt buộc là “không thương mại hóa”. “Chúng ta không cấm hoàn toàn các công cụ tự giới thiệu về mình của các tổ chức hành nghề công chứng mà theo nguyên tắc ‘hữu xạ tự nhiên hương’"- Phó Thủ tướng nói.
Ông lưu ý dự thảo chỉ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng và còn có nhiều cách thức khác. Chẳng hạn, công chứng viên có thể mở các website để giới thiệu về bản thân mình.
“Cũng không e ngại lắm câu chuyện vì cấm quảng cáo mà không giới thiệu được về mình. Cố gắng hoạt động đúng theo chức trách, được người dân, tổ chức tin tưởng và đặc biệt là uy tín nghề nghiệp, điều đó quan trọng hơn là quảng cáo mang tính chất thương mại” - Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu quan điểm.
Cung cấp thêm thông tin, Phó Thủ tướng cho biết một số nước cơ bản cũng cấm hoặc dùng hàng rào kỹ thuật để hạn chế việc các tổ chức hành nghề công chứng nói về mình dưới hình thức quảng cáo như các doanh nghiệp hoạt động thương mại khác.
Tại báo cáo mới đây gửi tới Quốc hội, Bộ Tư pháp cho hay theo thống kê của các địa phương, số công chứng viên đang hành nghề trên 70 tuổi chiếm khoảng 10%, lượng việc công chứng mà các công chứng viên này thực hiện không nhiều.
“Một bộ phận lớn công chứng viên cao tuổi hầu như không còn hành nghề trên thực tế mà chỉ đứng tên hợp danh tại văn phòng công chứng” - Bộ Tư pháp nêu.