Bất ổn thị trường xăng dầu: Đã có đầu mối không nhập xăng
Xăng nhập khẩu giảm 40%, dầu nhập khẩu giảm 30%, trong khi nhiều thương nhân đầu mối không thực hiện nhập khẩu xăng dầu, có thể gây sức ép đến nguồn cung.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu diesel so với quý II.
Đáng chú ý, trong số 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, chỉ có 19 đầu mối ghi nhận có hoạt động nhập khẩu, 14 đầu mối còn lại không ghi nhận hoạt động nhập khẩu xăng dầu.
Trong số này, có 3 thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương ngày 7/10 (do ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá ký), Bộ Tài chính đánh giá đây có thể là nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường.
"Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí", văn bản của Bộ Tài chính nêu.
Không có hàng để bán
Trong khi đó, chia sẻ với VTC News sáng 9/10, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), cho biết, nguồn cung xăng với hệ thống cửa hàng bán lẻ của công ty đang bị đứt. Hiện Bội Ngọc có 6 cửa hàng bán lẻ thì 2 cửa hàng buộc phải đóng cửa, 4 cửa hàng còn lại đang bán cầm chừng do lượng xăng trong bồn không còn nhiều. Trong nhiều ngày nay, Bội Ngọc chỉ được nhập 1 xe bồn xăng hơn 9.000 lít nhưng cũng chỉ đủ để bán cho những mối đã trả tiền trước.
“Chúng tôi muốn lấy thêm hàng để bán nhưng phía Công ty Xăng dầu Trà Vinh (Petrolimex Tra Vinh) nói trên Tập đoàn Petrolimex đã khóa sổ không cấp nữa và đã cấp đủ sản lượng theo hợp đồng cho công ty nên không còn hàng để giao. Nếu cấp thêm sẽ đứt nguồn cung toàn diện luôn”, ông Giang Thành Tây nói.
Ông Giang Thành Tây cho biết thêm, do các cửa hàng xăng dầu gần đó hết hàng, đã đóng cửa nên khách dồn về cửa hàng Bội Ngọc, làm cho lượng bán ra tăng đột biến. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hết hàng vì bán ra vượt sản lượng đăng ký trước đó, mà vượt sản lượng thì nhà cung cấp Petrolinmex Trà Vinh không đủ hàng cung cấp nên phải đóng cửa.
Ghi nhận tại TP.HCM và một số tỉnh miền Tây ngày 8 và sáng 9/10, cũng có loạt cửa hàng hết xăng hoặc bán cầm chừng. Cụ thể, theo phản ánh, tại một số các cửa hàng xăng dầu của Comeco, Tây Nam Petro, Đại Đông Dương Oil… khu vực quận 6, quận 7, quận Bình Tân đều báo hết hàng, hay hết xăng đang chờ nhập hàng… Một số cây xăng tại TP Trà Vinh như An Hữu (Long Đức) cũng hết hàng, nghỉ bán.
Tại Đồng Nai, Công ty cố phần Thương mại Long Thành cũng vừa có văn bản thông báo các cửa hàng xăng dầu thuộc công ty chỉ được bán xăng không quá 30.000 đồng với mỗi xe máy và 200.000 đồng với ô tô. Mặt hàng dầu không quy định lượng bán ra. Nguyên nhân do tình hình nguồn cung xăng dầu rất khó khăn, đặc biệt là mặt hàng xăng.
Trước đó, trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng việc điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua có vấn đề, kéo theo những bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Một trong những bất cập được các doanh nghiệp nêu ra chính là việc vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu đang diễn ra ngang nhiên trên thị trường nhưng không có ai bị xử lý. Cụ thể, theo Nghị định 95 của Chính phủ, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố.
Nhưng thực tế trong quản lý, liên bộ đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, để các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0 đồng. Với cách này, khi cộng phí vận chuyển, doanh nghiệp bán lẻ phải mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.
"Với quan điểm đè giá, chẳng hạn như giá xăng dầu theo thị trường là 20.000 đồng/lít nhưng muốn điều hành giá còn 19.000 đồng/lít và lấy đó làm thành tích quản lý, chúng tôi cho rằng việc bất ổn sẽ còn kéo dài. Bởi từ quan điểm đó dẫn đến không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra", các doanh nghiệp cho biết.
Theo TS Giang Thành Tây, cách tính chi phí của Bộ Tài chính không còn phù hợp, khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thể cân đối được hiệu quả kinh doanh. Đây là nguyên nhân chính dẫn dến bất ổn trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua. Vì vậy, cần thiết cần phải thay đổi cách tính giá cơ sở cho phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bộ Công Thương nói gì?
Bộ Công Thương cho biết, trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Vẫn theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu (đối với các thương nhân đầu mối) đã được phê duyệt năm 2022 để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Liên bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10 tới để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp.
Việc này giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Để bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, ngày 7/10, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.
Trước hết là đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.
Thứ hai, đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Các doanh nghiệp bán lẻ, đại lý và cửa hàng kinh doanh xăng dầu chia sẻ với những khó khăn của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/bat-on-thi-truong-xang-dau-da-co-dau-moi-khong-nhap-xang-ar706013.html