Bất ổn Trung Đông: Bên thắp hy vọng, bên lửa trực chờ

Vào thời điểm đàm phán thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza có thêm những tia hi vọng mới, động thái của các bên tại Syria sau chính biến lại làm dấy lên nghi ngại về một kịch bản bất ổn có thể tiếp diễn tại Trung Đông, mà Syria chính là điểm nóng.

Một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 14 tháng ở Dải Gaza và giải thoát các con tin bị giam giữ tại vùng đất Palestine này có thể được ký kết trong những ngày tới với các cuộc đàm phán đang có nhiều tiến triển tại Cairo, theo thông tin Reuters ghi nhận ngày 18/12. Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas trong một tuyên bố trước đó cũng đánh giá các cuộc đàm phán tại Qatar nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin, tù nhân ở Gaza là "nghiêm túc và tích cực".

Phía Hamas khẳng định, với các cuộc thảo luận nghiêm túc và tích cực diễn ra tại Doha, các bên có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân nếu Israel ngừng áp đặt các điều kiện mới. Hôm 16/12, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cũng mô tả hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận ngừng bắn hơn bao giờ hết.

Trên thực tế, trong nhiều tháng qua, Qatar cùng Mỹ và Ai Cập đã rất tích cực làm trung gian cho các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza và việc trao trả con tin. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby hôm 17/12 cho biết, Washington "lạc quan thận trọng" về triển vọng đạt được lệnh ngừng bắn đối với cuộc xung đột ở Dải Gaza. Song, ông Kirby cũng thừa nhận các bên từng tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng cuối cùng vẫn không thể vượt qua được khác biệt. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết tất cả những gì Washington có thể làm là thúc đẩy và cố gắng đưa ra các thỏa hiệp nhưng nước này không thể ra lệnh cho bất kỳ bên nào phải lựa chọn, thay vào đó họ phải tự đưa ra quyết định.

Với những nhận định mới từ các bên, Trung Đông tưởng như sẽ bước vào năm mới 2025 với nhiều triển vọng tươi sáng hơn, nhưng một mồi lửa mới lại đang manh nha xuất hiện. Ngày 17/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thực hiện chuyến thăm chưa từng có tới đỉnh núi Hermon ở miền Nam Syria.

Khu phố Jobar bị phá hủy ở Damascus, Syria. Ảnh: NewYork Times.

Khu phố Jobar bị phá hủy ở Damascus, Syria. Ảnh: NewYork Times.

Giữa lúc Syria đang trong quá trình chuyển tiếp, Thủ tướng Israel đã xuất hiện bên trong phần lãnh thổ này với phát biểu gây tranh cãi: "Chúng tôi đang tiến hành đánh giá việc triển khai quân đội tại địa điểm quan trọng này cho đến khi tìm được một thỏa thuận khác đảm bảo an ninh cho Israel. Tầm quan trọng của nơi này đối với an ninh của Israel càng được nâng cao trong những năm gần đây và đặc biệt là trong những tuần gần đây với những gì đang xảy ra bên trong Syria. Chúng tôi sẽ xác định thỏa thuận tốt nhất sẽ đảm bảo an ninh của chúng tôi".

Bất chấp những lý do về an ninh mà Israel đưa ra, hàng loạt các quốc gia khu vực và trên thế giới đã chỉ trích việc Israel chiếm núi Hermon cao nhất ở Syria. Trước đó, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào các cơ sở quân sự của Syria kể từ khi Tổng thống Assad bị lật đổ với lý do là nhằm ngăn chặn chúng rơi vào tay kẻ thù. Ngoài ra, quân đội Israel cũng chiếm đóng các vị trí chiến lược trong vùng đệm do lực lượng của Liên hợp quốc (LHQ) quản lý - một động thái mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mô tả là vi phạm hiệp định đình chiến năm 1974. Trong diễn biến mới nhất, ông Geir Pedersen, đặc phái viên LHQ phụ trách vấn đề Syria, đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu Israel "chấm dứt mọi hoạt động định cư ở Cao nguyên Golan bị chiếm đóng" và cho biết, việc chấm dứt các lệnh trừng phạt sẽ là chìa khóa để hỗ trợ Syria.

Đáng chú ý, quan chức LHQ đồng thời bày tỏ lo ngại: "Đã có những hành động thù địch đáng kể trong 2 tuần qua, trước khi lệnh ngừng bắn được đàm phán. Lệnh ngừng bắn kéo dài 5 ngày, hiện đã hết hạn và tôi thực sự lo ngại về các báo cáo về leo thang quân sự. Sự leo thang như vậy có thể gây ra thảm họa”. Phát biểu của đặc phái viên LHQ đang nhắc đến cuộc giao tranh giữa Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo với các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, với việc các nhóm do phía Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã chiếm được một số thị trấn của người Kurd trong những tuần gần đây. Sự chia rẽ sắc tộc và giáo phái, cùng với việc nhiều nhóm vũ trang đang kiểm soát các khu vực địa lý khác nhau ở Syria dẫn đến rất khó dự đoán tương lai của đất nước Syria.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong tuyên bố mới nhất về tình hình Syria cho biết, lực lượng Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang thực hiện quá trình tiếp quản chính quyền mà không gây ra nhiều thương vong. "Tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nắm giữ chìa khóa cho Syria", ông Trump nói. Tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh truyền thông Mỹ đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Syria được nước này hậu thuẫn có thể sắp tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực người Kurd.

Có thể nói, xung đột chưa có hồi kết tại Dải Gaza, hay những biến động ở Syria thời hậu Assad sẽ là những nhân tố sẽ tác động mạnh tới tình hình an ninh và hòa bình khu vực. Giới quan sát cho rằng, tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria sẽ không chỉ quyết định tương lai ổn định cho quốc gia này mà còn có tác động đến cả Trung Đông. Đặt trong một cục diện vẫn đầy bất ổn, với tình hình xung đột chưa hạ nhiệt ở cả Lebanon, một giải pháp chính trị toàn diện sẽ là điều mà Trung Đông tìm kiếm, vì một nền hòa bình bền vững hơn.

Bảo Hân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/bat-on-trung-dong-ben-thap-hy-vong-ben-lua-truc-cho-i753784/