Hành động ở Syria có thể định hình lại biên giới của Israel

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã có mặt tại lãnh thổ Syria hôm 17/12 và tuyên bố quân đội Israel sẽ ở lại khu vực này.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết lực lượng Israel sẽ ở lại vùng đệm trên biên giới Syria, được chiếm giữ sau khi Tổng thống Syria Bashar Assad bị lật đổ, cho đến khi có một thỏa thuận “đảm bảo an ninh cho Israel”. Ảnh: AP.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết lực lượng Israel sẽ ở lại vùng đệm trên biên giới Syria, được chiếm giữ sau khi Tổng thống Syria Bashar Assad bị lật đổ, cho đến khi có một thỏa thuận “đảm bảo an ninh cho Israel”. Ảnh: AP.

Kể từ khi thành lập vào năm 1948, Israel chưa bao giờ có đường biên giới được công nhận đầy đủ. Trong suốt lịch sử của mình, biên giới với các nước láng giềng Ả Rập đã thay đổi do chiến tranh, sáp nhập, ngừng bắn và các thỏa thuận hòa bình. Sự sụp đổ của Tổng thống Syria Bashar Assad đã tạo ra tình huống có thể một lần nữa định hình lại biên giới của Israel.

Khi Assad bị lật đổ vào đầu tháng này, quân đội Israel đã nhanh chóng di chuyển vào Syria tại vùng đệm phi quân sự. Netanyahu mô tả động thái này là để phòng thủ và đảm bảo không có nhóm nào tranh giành quyền lực bên trong Syria đe dọa Israel.

Lịch sử hình thành biên giới Israel

Năm 1947, Liên hợp quốc đã phê duyệt một kế hoạch phân chia vùng đất lúc đó là lãnh thổ Palestine do Anh kiểm soát thành các quốc gia Do Thái và Ả Rập. Thành phố Jerusalem đang tranh chấp sẽ được Liên hợp quốc quản lý.

Người Do Thái vẫy tay và reo hò trên đường phố Tel Aviv sau khi Liên hợp quốc có kế hoạch phân chia Palestine và thành lập nhà nước Do Thái mới, ngày 30/11/1947. Ảnh: AP.

Người Do Thái vẫy tay và reo hò trên đường phố Tel Aviv sau khi Liên hợp quốc có kế hoạch phân chia Palestine và thành lập nhà nước Do Thái mới, ngày 30/11/1947. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, kế hoạch này không bao giờ được thực hiện. Israel tuyên bố độc lập vào tháng 5/1948, sau đó các nước Ả Rập lân cận tuyên chiến. Cuộc chiến kết thúc với việc Israel kiểm soát khoảng 77% lãnh thổ - với Jordan kiểm soát Bờ Tây và Đông Jerusalem, Ai Cập kiểm soát Dải Gaza.

Chiến tranh Trung Đông 1967

Trong 6 ngày của cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel đã chiếm được Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordan, Gaza và bán đảo Sinai từ Ai Cập, Cao nguyên Golan từ Syria. Chiến thắng chớp nhoáng này đã mở đường cho nhiều thập kỷ xung đột vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.

Israel nhanh chóng sáp nhập Đông Jerusalem - nơi có các địa điểm linh thiêng nhất của người Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo cũng như cộng đồng người Palestine.

Quân đội Israel tiến về vị trí của Ai Cập ở phía nam Sinai trong cuộc chiến tranh 6 ngày, năm 1967. Ảnh: AP.

Quân đội Israel tiến về vị trí của Ai Cập ở phía nam Sinai trong cuộc chiến tranh 6 ngày, năm 1967. Ảnh: AP.

Mặc dù Israel chưa bao giờ chính thức sáp nhập Bờ Tây, nhưng họ đã sáp nhập không chính thức phần lớn lãnh thổ này bằng cách xây dựng các khu định cư hiện là nơi sinh sống của hơn 500.000 người Do Thái Israel. Cộng đồng quốc tế phần lớn đều coi Đông Jerusalem và Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Israel cũng xây dựng các khu định cư ở Sinai, Golan và Dải Gaza.

Hiệp định hòa bình năm 1979 với Ai Cập

Theo thỏa thuận hòa bình đầu tiên của Israel với một quốc gia Ả Rập, Israel đã trả lại bán đảo Sinai cho Ai Cập và phá dỡ mọi khu định cư tại đó.

Phiên họp của quốc hội Israel về các đề xuất hòa bình của Hoa Kỳ cho thỏa thuận giữa Ai Cập và Israel tại Jerusalem, ngày 22/3/1979. Ảnh: AP.

Phiên họp của quốc hội Israel về các đề xuất hòa bình của Hoa Kỳ cho thỏa thuận giữa Ai Cập và Israel tại Jerusalem, ngày 22/3/1979. Ảnh: AP.

Sáp nhập Golan năm 1981

Israel đã sáp nhập Cao nguyên Golan, một vùng núi chiến lược nhìn ra phía bắc Israel. Năm 2019, khi đó Tổng thống Donald Trump đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và duy nhất công nhận quyền kiểm soát của Israel. Phần còn lại của thế giới vẫn coi khu vực bị chiếm đóng là lãnh thổ Syria.

Cuộc xâm lược Lebanon năm 1982

Sau cuộc xâm lược ngắn ngủi vào Lebanon chống lại các chiến binh Palestine năm 1978, Israel đã quay trở lại đất nước này vào năm 1982 trong một hoạt động biến thành cuộc chiếm đóng kéo dài 18 năm ở miền nam Lebanon. Israel đã rút lui vào năm 2000 dưới hỏa lực dữ dội từ lực lượng dân quân Hezbollah.

Một góc nhìn về Cao nguyên Golan ở Israel, tháng 1/1982. Ảnh: AP.

Một góc nhìn về Cao nguyên Golan ở Israel, tháng 1/1982. Ảnh: AP.

Hiệp định Oslo năm 1993

Israel và Palestine đã đạt được một thỏa thuận hòa bình tạm thời trao cho Palestine quyền tự chủ ở Gaza và một số khu vực Bờ Tây, trong khi vẫn giữ nguyên các khu định cư của Israel. Thỏa thuận này nhằm mục đích mở đường cho giải pháp hai nhà nước, nhưng các vòng đàm phán hòa bình liên tiếp đã kết thúc trong thất bại.

Người Palestine mong muốn toàn bộ Bờ Tây và Dải Gaza sẽ trở thành nhà nước mà họ mong muốn, với thủ đô là Đông Jerusalem.

Rút quân khỏi Gaza năm 2005

Thủ tướng Israel Ariel Sharon khi đó đã chỉ đạo một cuộc rút quân đơn phương khỏi Gaza, di dời toàn bộ quân đội và 21 khu định cư khỏi lãnh thổ này. Hai năm sau, các chiến binh Hamas tràn vào Gaza và lật đổ chính quyền Palestine.

Chiến tranh năm 2023 ở Gaza và Lebanon

Để đáp trả cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas vào ngày 7/10, Israel xâm lược Gaza trong một chiến dịch vẫn đang tiếp diễn.

Các nhà lãnh đạo Israel chưa đưa ra một kế hoạch hậu chiến rõ ràng nhưng đã chỉ ra rằng họ sẽ duy trì một vùng đệm dọc theo biên giới Gaza với Israel cùng với sự hiện diện quân sự lâu dài. Một số người theo đường lối cứng rắn trong liên minh cầm quyền của Netanyahu đã kêu gọi tái lập các khu định cư của người Do Thái.

Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza, nhìn từ miền nam Israel, ngày 29/12/2023. Ảnh: AP.

Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza, nhìn từ miền nam Israel, ngày 29/12/2023. Ảnh: AP.

Vào tháng 10, quân đội Israel đã xâm lược miền Nam Lebanon sau một năm giao tranh với các chiến binh Hezbollah. Theo lệnh ngừng bắn, Israel đã cam kết rút khỏi dải đất mà họ đang chiếm đóng.

Sự sụp đổ của Assad

Khi lực lượng đối lập lật đổ Assad vào ngày 8/12, lực lượng quân sự Israel đã tiến vào Syria tại vùng đệm phi quân sự, được thành lập sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973. Israel hiện kiểm soát vùng này và nhắm mục tiêu sâu hơn vào bên trong đất nước.

Mặc dù Israel tuyên bố động thái này chỉ là tạm thời, nhưng sự hiện diện không giới hạn của nước này đã vấp phải sự chỉ trích từ các nước như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út cũng như Liên hợp quốc.

Binh lính Israel trên một chiếc xe bọc thép sau khi vượt qua hàng rào an ninh dọc theo Đường Alpha phân cách Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát với Syria, ngày 17/12/2024. Ảnh: AP.

Binh lính Israel trên một chiếc xe bọc thép sau khi vượt qua hàng rào an ninh dọc theo Đường Alpha phân cách Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát với Syria, ngày 17/12/2024. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã kêu gọi tất cả các quốc gia có lợi ích ở Syria “cố gắng đảm bảo không gây ra thêm bất kỳ cuộc xung đột nào nữa”.

Chính phủ Syria mới đã nộp đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về những bước tiến của Israel vào lãnh thổ Syria. Lãnh đạo của nhóm nổi dậy Ahmad al-Sharaa đã công khai lên án các hoạt động của Israel nhưng cho biết Syria không tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự với Israel.

TD (Associated Press)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hanh-dong-o-syria-co-the-dinh-hinh-lai-bien-gioi-cua-israel-234044.htm