'Bắt tay' đào tạo nhân lực chất lượng cao

Mô hình trường đại học và các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng bắt tay đào tạo nhân lực bước đầu nhận được quả ngọt.

Sở KH&CN TP Cần Thơ, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành Điện tử và Vi mạch bán dẫn. Ảnh: Q.Ngữ

Sở KH&CN TP Cần Thơ, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành Điện tử và Vi mạch bán dẫn. Ảnh: Q.Ngữ

Đặt hàng đào tạo giúp nhà trường đảm bảo nguồn tuyển, địa phương chủ động nguồn nhân lực phục vụ phát triển.

Phát huy lợi thế đào tạo tại chỗ

Giai đoạn 2020 - 2025, UBND TP Cần Thơ và Trường ĐH Cần Thơ ký kết chương trình hợp tác toàn diện nhằm phát triển lĩnh vực giáo dục, kinh tế, văn hóa - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Sau 4 năm, hai bên đã đạt những thành tựu nổi bật, tiêu biểu là công tác GD-ĐT, hợp tác quốc tế, khoa học và công nghệ, phát triển thanh niên và văn hóa, văn nghệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố.

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ năm 2021 đến 2023, Trường Nông nghiệp, Trường Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ) phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT TP Cần Thơ) tổ chức 48 lớp tập huấn cho trên 2.200 lượt cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Cần Thơ phối hợp xây dựng thành công quy trình kỹ thuật sản xuất cho 3 loại cây ăn trái: Xoài, nhãn và vú sữa, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu thị trường; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý, phân hủy rơm, rạ trong sản xuất lúa tại các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh, tạo phân bón hữu cơ từ phế thải rau, củ, quả trong canh tác rau sạch.

Riêng lĩnh vực khoa học công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ và TP Cần Thơ trong giai đoạn 2020 - 2024 đã triển khai 23 nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí hơn 19,7 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án, đề tài thực hiện nghiên cứu đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ mô hình vườn cây ăn trái, phục vụ phát triển du lịch; Tổ chức 20 chương trình hợp tác liên kết đào tạo, nâng cao năng lực các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp cho hơn 2.000 lượt sinh viên...

Theo PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường luôn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình hợp tác giai đoạn 2020 - 2025, nhất là nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gắn liền với sự phát triển chung của TP Cần Thơ. Qua đó, trường mong có thêm những gợi ý trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế từ thành phố, nhằm có sự chuẩn bị kịp thời trong tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển.

 Phân hiệu tỉnh Vĩnh Long của ĐH Kinh tế TPHCM khai giảng khóa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ thạc sĩ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại ĐBSCL. Ảnh: Q.Ngữ

Phân hiệu tỉnh Vĩnh Long của ĐH Kinh tế TPHCM khai giảng khóa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ thạc sĩ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại ĐBSCL. Ảnh: Q.Ngữ

“4 năm qua, Trường ĐH Cần Thơ mở thêm 20 ngành đào tạo trình độ đại học, 9 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 2 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, đáp ứng nhu cầu đào tạo các lĩnh vực của vùng ĐBSCL. Trường ĐH Cần Thơ là 1 trong 18 trường đại học công lập được Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, PGS.TS Trần Trung Tính thông tin.

Trao đổi về chương trình hợp tác toàn diện giữa thành phố và Trường ĐH Cần Thơ, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: Thành phố và Trường ĐH Cần Thơ có truyền thống lâu dài trong hợp tác, xây dựng và phát triển song phương. Trường góp phần quan trọng trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Tính tới thời điểm hiện tại, thành phố có trên 30% công chức, viên chức từng học tập và tốt nghiệp tại Trường ĐH Cần Thơ. Qua đó cho thấy, giữa Trường ĐH Cần Thơ và TP Cần Thơ có những tiềm năng lớn trong nghiên cứu khoa học, hợp tác và phát triển đa lĩnh vực.

 Báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học tại Khoa Kiến trúc - Xây dựng và Môi trường (Trường ĐH Nam Cần Thơ). Ảnh: NTCC

Báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học tại Khoa Kiến trúc - Xây dựng và Môi trường (Trường ĐH Nam Cần Thơ). Ảnh: NTCC

Hợp tác toàn diện, lâu dài

Cuối tháng 5/2024, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), phân hiệu tại tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ thạc sĩ cho 80 cán bộ, công viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp ở ĐBSCL. Các học viên theo học tập trung ở 5 nhóm ngành: Quản lý kinh tế, Quản lý công, Quản trị, Luật hiến pháp và hành chính, Ngân hàng.

Đây là bước tiến quan trọng của nhà trường trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng ĐBSCL. Theo GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, trường mang sứ mệnh thực hiện trách nhiệm đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách, đóng góp cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Sau 4 năm thành lập, UEH phân hiệu Vĩnh Long dần khẳng định vai trò trong đào tạo, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn khu vực. “Nhà trường luôn chú trọng tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện, lâu dài với các địa phương, cơ quan tổ chức nhà nước. Một trong số giải pháp mà các địa phương đặt ra để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030 chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo thống kê của Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), phân hiệu tại tỉnh Vĩnh Long có quy mô đào tạo trình độ cao học không ngừng gia tăng theo từng năm. Tính đến nay, tổng quy mô đào tạo cao học tại Phân hiệu Vĩnh Long là 667 học viên.

Theo ông Đặng Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh xác định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao nên đã có những hành động, chính sách cụ thể trong giai đoạn tới, đặc biệt là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của nguồn nhân sự địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

“Thời gian qua, UEH đã đồng hành cùng tỉnh trong đào tạo, hiện đại hóa nguồn nhân lực, giúp tỉnh từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế trong nước và quốc tế. Khóa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ thạc sĩ cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp là điều kiện để các học viên trau dồi, học tập nâng cao trình độ nhằm phục vụ tốt cho công tác chuyên môn, có kiến thức thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công việc.

UBND thành phố mong Trường ĐH Cần Thơ quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng phát triển như: Công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ logistics. Ðồng thời tăng cường thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái… - Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bat-tay-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-post693836.html