Bắt tay sản xuất theo chuỗi giá trị, nông dân huyện vùng sâu ở Đồng Nai 'phất lên' nhanh chóng

Những năm qua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác giảm nghèo, đặc biệt các HTX đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất và chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

Năm 2017, sau nhiều năm gắn bó với nghề giáo, bà Cao Thị Chiên, ở ấp Hàm Luông, xã Tân Phú đến tuổi nghỉ hưu, quyết định trở về với đồng ruộng và tham gia cùng các thành viên trong gia đình canh tác 8 công đất trồng sầu riêng.

Bắt tay nhau làm giàu

Với nền tảng tri thức sẵn có, bà Chiên nảy sinh ý tưởng và đề xuất cùng chị em phụ nữ ấp Hàm Luông thành lập nhóm sở thích trồng sầu riêng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của địa phương, từ đây Tổ hợp tác Sầu riêng ấp Hàm Luông ra đời.

Xuất phát điểm với 12 thành viên, chỉ trong thời gian ngắn, Tổ hợp tác tạo hiệu ứng và sức hút lớn, từ đó nâng dần số thành viên lên tới 50. Hộ ít thì triển khai 2-5 công đất, nhiều thì 8-10 công đất trồng sầu riêng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách chăm sóc.

Nông dân Đồng Nai đang giàu lên nhờ liên kết sản xuất.

Nông dân Đồng Nai đang giàu lên nhờ liên kết sản xuất.

Đặc biệt, Tổ hợp tác còn chủ động hình thành các nhóm kỹ thuật, thu hoạch, giao lưu và kinh doanh… Mỗi nhóm có một thế mạnh riêng, bù trừ cho các nhóm còn lại, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh từ khi gieo giống cây đến khi thu hoạch quả.

Bà Chiên cho hay để nâng cao hiệu quả, Tổ hợp tác duy trì họp mỗi tháng một lần để trao đổi, chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng. Các thành viên trong Tổ hỗ trợ nhau thụ phấn cho cây, thu hoạch trái. Thời gian nhàn rỗi, các thành viên nhận làm thuê cho người trồng sầu riêng ngoài Tổ, ngoài huyện và người trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang.

Nhờ tổ chức khoa học, Tổ hợp tác hoạt động ổn định, tạo công việc giúp thành viên có được mức thu nhập cao. Cụ thể, tiền công lao động tính theo giờ hoặc ngày. Nếu lao động làm việc trong xã hoặc cùng huyện, công đạt 700 ngàn đồng/người/ngày, ra ngoài tỉnh là 900 ngàn đồng/người/ngày.

Năm 2020, sau 3 năm hoạt động, Tổ hợp tác Sầu riêng ấp Hàm Luông được chọn làm đơn vị điểm để triển khai mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các thành viên tuân thủ “4 đúng” trong chăm sóc cây trồng, gồm bón phân, xịt thuốc đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học để chăm sóc cây, không chăn nuôi trong vườn cây ăn trái, tạo cho khu vườn xanh - sạch - đẹp… tiến tới sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ấn tượng từ các HTX

Trên nền tảng phát triển vững chắc, đến cuối năm 2020, Tổ hợp tác Sầu riêng ấp Hàm Luông chính thức “lên đời” trở thành HTX Sầu riêng ấp Hàm Luông, tiếp tục sứ mệnh liên kết các thành viên, hộ trồng sầu riêng ở địa phương phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Số thành viên của HTX Sầu riêng ấp Hàm Luông lên tới con số hơn 200, 100% các hộ thuộc dạng khá giả, có nhiều hộ là tỷ phú với thu nhập 1-3 tỷ đồng/năm. Ông Cao Văn Vịnh, thành viên HTX cho hay việc được tham gia các khóa tập huấn giúp các thành viên ngày càng nắm vững hơn kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng.

“Giờ đây, trên cùng một diện tích đất, chúng tôi áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý để cây ra trái thu hoạch nhiều lần trong năm, gồm vụ thuận, lỡ vụ và vụ nghịch nên bán được giá cao. Một số thành viên tham gia nhóm kỹ thuật, cắt trái, chuyên chở trái… nhận làm thêm cho các hộ trồng sầu riêng nên thu nhập cũng tăng lên đáng kể”, ông Vịnh hồ hởi nói.

Việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác giúp nông dân Đồng Nai nâng cao hiệu quả sản xuất.

Việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác giúp nông dân Đồng Nai nâng cao hiệu quả sản xuất.

Không riêng gì HTX Sầu riêng ấp Hàm Luông, ở Tân Phú những năm qua ngày càng có nhiều HTX, tổ hợp tác khẳng định dấu ấn trong liên kết, hỗ trợ thành viên, nông dân trong phát triển sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

Đặc biệt, các HTX đang nhận được các chính sách hỗ trợ, đồng hành thiết thực của ban ngành chức năng, Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai và Liên minh HTX Việt Nam.

Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đào tạo về kinh tế tập thể và HTX. Nội dung tập trung vào Luật HTX năm 2023, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HTX, tổ hợp tác.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của HTX, Liên minh HTX Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án "Hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2025-2030".

Đặc biệt, Liên minh HTX Đồng Nai đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đồng Nai nhằm hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Sự hợp tác này bao gồm việc tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng vốn hiệu quả cho các thành viên HTX.

Nâng cao sức cạnh tranh

Về xúc tiến thương mại, Liên minh HTX Việt Nam cùng với Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể và HTX khu vực miền Nam tại Đồng Nai, tạo cơ hội cho các HTX mở rộng thị trường, xuất khẩu nông sản.

Những chương trình trên thể hiện nỗ lực của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Đồng Nai trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các HTX. Đây cũng là điểm tựa để các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn ngày càng phát triển.

Đơn cử, Đắc Lua là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phú, cách trung tâm tỉnh Đồng Nai gần 200 km nên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều hạn chế. Tuy vậy, địa phương này đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Đến nay ở xã Đắc Lua đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, như dâu tằm, bưởi da xanh, sầu riêng và thành lập được một số HTX, tổ hợp tác. Trong đó phải kể đến nghề trồng dâu nuôi tằm là một trong những nghề chủ lực của người dân Đắc Lua. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển trên 300ha diện tích trồng dâu nuôi tằm với trên 50 hộ nuôi tằm.

Để duy trì và phát triển nghề ươm tơ, bà con nơi đây đã thành lập Tổ hợp tác Dâu tằm tơ Đắc Lua để cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình trồng dâu nuôi tằm. Bên cạnh đó, ở xã còn có 20 hộ đã liên kết thành lập HTX Dịch vụ sản xuất tằm tơ Duy Đông. Nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm và phát triển kinh tế hợp tác hiệu quả cao đã giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng nâng lên, cho thu nhập trên 160 triệu đồng/ha/năm.

Với những thành công đang có, thời gian tới, huyện Tân Phú dự kiến đẩy mạnh vai trò của các HTX, tổ hợp tác tham gia sâu vào các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Nhất là HTX liên kết với doanh nghiệp và hộ nông dân, tạo ra các liên kết bền vững để tạo ra sản phẩm sạch, đạt năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ nông sản. Từ đó, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, giúp đời sống nông dân và kinh tế huyện Tân Phú ngày càng đi lên.

Nam Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/bat-tay-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-nong-dan-huyen-vung-sau-o-dong-nai-phat-len-nhanh-chong-1105834.html