Gỡ vướng cho các dự án, giải phóng nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng
Hàng loạt dự án gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài đang được rốt ráo xử lý, qua đó khơi thông nguồn lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên trong năm nay và hai con số trong những năm sắp tới.

Chính phủ đã đồng ý về chủ trương sẽ bố trí 1.459 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 để hoàn thành 2 dự án bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 trong năm 2025. Ảnh: Đức Thanh
Rốt ráo gỡ vướng
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia. Đây là động thái quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực xử lý dứt điểm các dự án gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài, nhằm giải phóng, khai thác hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ đạo trên được đưa ra sau cuộc họp hôm 30/3/2025 của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo 1568). Tại cuộc họp đó, Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 1568) cho biết, tính đến ngày 25/3/2025, theo tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương có báo cáo, có 1.533 dự án (gồm 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP) đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Chiếm số lượng lớn nhất trong số này là các dự án bất động sản (682 dự án), sau đó là các dự án giao thông (183 dự án), dự án năng lượng tái tạo (144) và các dự án thuộc ngành, lĩnh vực khác (524).
Ngoài ra, Bộ Tài chính vừa nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc khác.
Dựa trên báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã sơ bộ chỉ ra 17 nhóm vấn đề vướng mắc, bao gồm các vấn đề liên quan đến việc xử lý tài sản công, chuyển mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, chính sách pháp luật về đất đai đối với dự án bất động sản, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất thực hiện dự án… Đồng thời, chỉ rõ thẩm quyền xử lý đối với các dự án, thuộc Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hay bộ, ngành, địa phương. Một thông tin đáng chú ý, đó là riêng số dự án thuộc thẩm quyền xử lý của các địa phương là 1.004 dự án.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, một số dự án trong số này đã và đang có phương án xử lý. Chẳng hạn, 5 dự án của TP.HCM, như 2 dự án Saigon Center IV, V hay Dự án Saigon Sport City… Đặc biệt là 2 dự án bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, hiện Chính phủ đã đồng ý về chủ trương là sẽ bố trí 1.459 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 để hoàn thành hai bệnh viện này trong năm 2025...
Việc rà soát, gỡ vướng cho các dự án đang được Ban Chỉ đạo 1568 rốt ráo thực hiện, nhất là đối với các dự án thuộc thẩm quyền xử lý của Quốc hội, Chính phủ. Tuy vậy, thực tế cho thấy, một số địa phương chưa thực hiện tốt việc rà soát và đề xuất các phương án xử lý các dự án gặp vướng mắc. Trong khi đó, số lượng dự án thuộc thẩm quyền do địa phương quản lý rất lớn, lên tới hơn 1.000 dự án. Nhanh chóng rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin trên cổng thông tin dữ liệu là cách để có thể sớm “tìm lời giải” cho việc gỡ khó các dự án tồn đọng kéo dài.
Giải phóng nguồn lực để thúc tăng trưởng
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 1568, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc tại các dự án tồn đọng, kéo dài, không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. “Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó tháo gỡ, thẩm quyền của ai thì người đó giải quyết, không đùn đẩy, né tránh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Việc rà soát, gỡ vướng cho các Dự án đang được Ban Chỉ đạo 1568 rốt ráo thực hiện, nhất là đối với các Dự án thuộc thẩm quyền xử lý của Quốc hội, Chính phủ.
Trước đó, tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ đạo, cần tập trung xử lý dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng, kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn, góp phần huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025 và hai con số trong các năm tiếp theo.
Đây cũng là lý do để Ban Chỉ đạo 1568 được Chính phủ quyết định thành lập từ cuối năm 2024. Theo tính toán, khi các dự án này được xử lý vướng mắc, hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ được khơi thông, qua đó góp phần đưa nền kinh tế tăng tốc, bứt phá. Điều này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong bối cảnh năm 2025 là giai đoạn nước rút để hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng như Chiến lược 10 năm 2026-2030.
Không chỉ là gỡ vướng cho các dự án để khơi thông nguồn lực, để thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính đến ngày 31/3/2025, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 78.712 tỷ đồng, đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (đạt 12,27%).
Đáng chú ý, vẫn còn tới 17 bộ, ngành cho đến cuối tháng 3/2025 vẫn giải ngân “0” đồng; đồng thời có 16 bộ, ngành và 6 địa phương giải ngân dưới 5%, trong đó một số địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Quảng Ninh… Giải ngân vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài cũng là giải pháp quan trọng. Trong chỉ đạo mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Đầu tư nước ngoài nghiên cứu, tham mưu tiếp tục nhân rộng và phát huy cơ chế Tổ công tác làm việc với nhà đầu tư chiến lược, để đẩy mạnh thu hút dự án quy mô lớn.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án lớn, nhất là của các đối tác chiến lược; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình mở rộng đầu tư, chuyển dịch và duy trì chuỗi cung ứng tại Việt Nam… cũng đã được người đứng đầu ngành tài chính chỉ đạo. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang quyết liệt xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân.
Khi mọi nguồn lực được khơi thông, cơ hội cho sự bứt tốc của nền kinh tế là rất lớn!