Kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao tại xã Gio Mỹ

Vừa qua, có dịp đến thăm cơ ngơi của Hợp tác xã (HTX) Nông sản hữu cơ Gio Linh, ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Gio Linh tiếp chuyện và chia sẻ với chúng tôi: 'HTX Nông sản hữu cơ Gio Linh được thành lập năm 2024, tổ chức và hoạt động theo Luật HTX. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, xu hướng liên kết hợp tác phát triển kinh tế tập thể nên UBND xã Gio Mỹ có kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ và thành lập mới HTX Nông sản hữu cơ Gio Linh'.

Máy xay xát gạo được đặt tại xưởng sản xuất của HTX Nông sản hữu cơ Gio Linh -Ảnh: N.N

Máy xay xát gạo được đặt tại xưởng sản xuất của HTX Nông sản hữu cơ Gio Linh -Ảnh: N.N

Bộ máy tổ chức của HTX được kiện toàn, nguyên tắc hoạt động đảm bảo, Ban giám đốc gồm 3 người, có 69 thành viên sinh sống tại 3 thôn (Phước Thị, Cẩm Phổ, An Mỹ). Hệ thống nhà xưởng được đầu tư theo quy mô khép kín, diện tích canh tác từ 25 ha đến nay mở rộng lên 50 ha, canh tác các giống lúa ST24, ST25 theo hướng hữu cơ, năng suất lúa bình quân ước đạt 65 tạ/ha, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2,1 lần so với sản xuất lúa truyền thống.

Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm vượt trội của giống lúa hữu cơ ST24, ST25 là khả năng chống chịu sâu bệnh cao, sản phẩm gạo làm ra an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt là không dùng các hóa chất trong trồng, chăm sóc và thu hoạch. ST24, ST25 được mệnh danh là giống lúa cho hạt gạo ngon nhất thế giới và có giá trị kinh tế cao. Với diện tích canh tác của HTX 50 ha, mỗi vụ đạt sản lượng khoảng 300 - 320 tấn.

Với phương châm hoạt động cốt lõi được xác định “Tất cả vì lợi ích phát triển kinh tế, tăng thu nhập của các thành viên HTX”, vào thời điểm gieo trồng, HTX hỗ trợ khâu làm đất, vào vụ thu hoạch, HTX hỗ trợ thành viên gặt, sấy lúa nếu có mưa kéo dài. HTX thu mua lúa tươi tại ruộng giá 9.000 đồng/kg, giá lúa khô 11.000 đồng/ kg. Trong chế biến, HTX sử dụng công nghệ máy móc từ xay xát đến đóng gói và tiêu thụ sản phẩm gạo ra thị trường trong và ngoài tỉnh qua các đầu mối sỉ tại các TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

Hệ thống nhà xưởng của HTX được xây dựng trên diện tích 2.500 m2 với hệ thống máy móc, thiết bị gồm 1 máy gặt, 1 máy cày xới, 1 máy cuốn rơm, 1 máy xay xát gạo, 1 máy xay xát bột, 1 máy ép củi trấu, 2 máy đóng bao bì hút chân không, 2 máy khâu, 2 máy phun thuốc không người lái, 1 lò sấy lúa, sân phơi... tổng trị giá đầu tư 8,7 tỉ đồng (do Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Việt Nam đầu tư theo chương trình FMCR hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh) và 500 triệu đồng vốn điều lệ của các thành viên đóng góp.

Kể về những ngày đầu thành lập HTX, với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, được sự tín nhiệm của các thành viên, ông Nguyễn Giang xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Cái khó đặt ra là phải làm sao để khắc phục những tồn tại, bất cập, kém phát triển của mô hình HTX kiểu cũ, xây dựng mô hình sản xuất theo kiểu mới, đưa kinh tế tập thể phát triển đảm bảo lợi ích của thành viên...là những câu hỏi luôn trăn trở đối với ông Nguyễn Giang. Trước thực tế đó, ông Giang luôn nỗ lực cố gắng, chịu khó tìm tòi, học hỏi để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đang đảm nhiệm.

Từng bước thực hiện tốt các khâu từ xây dựng các mô hình, kinh doanh dịch vụ đến liên doanh liên kết, bao tiêu sản phẩm. Ông Giang đã chỉ đạo triển khai thành công các mô hình tại địa phương như: cánh đồng sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) với phương thức gieo lúa sạ hàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao; trồng lúa cực ngắn để vượt lũ với diện tích 5 ha; mô hình làm giống khảo nghiệm cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Quảng Trị với 2 ha...

Đặc biệt, HTX đã làm tốt việc vận động thành viên thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, tu sửa hệ thống giao thông, thủy lợi để thuận lợi trong đầu tư thâm canh. Năm 2024, tổng doanh thu của HTX đạt gần 1,4 tỉ đồng. Thu nhập của các thành viên được nâng cao, đời sống ổn định, nguồn vốn HTX tích lũy đã hỗ trợ tích cực đến việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Vụ đông xuân năm 2025, HTX gieo trồng hơn 25 ha lúa, chủ yếu là giống lúa ST25. Đến nay, lúa đang phát triển tốt.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Mỹ Lê Thị Hiếu cho biết, xã Gio Mỹ có diện tích tự nhiên 2.976 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.580 ha. Thời gian qua, HTX Nông sản hữu cơ Gio Linh đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ thủy lợi phục vụ sản xuất, vật tư về bảo vệ thực vật và chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giúp người dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Giang cho biết: Để duy trì và tạo đà phát triển bền vững, HTX sẽ liên kết, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng về phân bón, giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cuối vụ thu mua bao tiêu sản phẩm, tạo sự yên tâm, ổn định cho các thành viên phát triển sản xuất, gắn bó lâu dài với HTX; xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác sản phẩm gạo đúng quy cách, đảm bảo tiêu chuẩn, liên kết để tiêu thụ ổn định trên thị trường.

Phối hợp với Hội Nông dân xã và các ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nông dân, hội viên thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế tập thể và lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Từ đó, thu hút số lượng hội viên, thành viên tham gia phát triển kinh tế tập thể thông qua HTX, THT và thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp ngày càng lớn mạnh, mở rộng liên doanh, liên kết, nâng cao chuỗi giá trị, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã Gio Mỹ.

Ngọc Nhân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te-tap-the-mang-lai-hieu-qua-cao-tai-xa-gio-my-192680.htm