Bất thường bệnh dịch mùa đông xuất hiện mùa hè
Hè năm nay có một số bệnh dịch lây nhiễm qua đường hô hấp diễn biến bất thường như sởi, quai bị, cúm… vốn thường chỉ xuất hiện mùa thu đông.
Nhập viện vì bệnh sởi giữa hè
Điều trị ở ngày thứ 2 tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, khắp khuôn mặt và vùng cổ của chị Nguyễn Thị X. (32 tuổi, Hà Nội) đỏ rực và duy trì sốt 39 độ. Chị X. cho biết, cả gia đình chị không ai mắc sởi. Tuy nhiên, trước khi nhập viện chị bỗng sốt, ban đầu cũng chỉ nghĩ sốt virus, uống nhiều nước sẽ đỡ, nhưng sau đó bắt đầu xuất hiện các đốm đỏ trên mặt, cùng với ho, rát họng nên chị quyết định đến viện khám và được giữ lại điều trị.
Nằm cùng phòng còn có bệnh nhân Nguyễn H. (24 tuổi, Hà Nội), khi nhập viện bệnh nhân có dấu hiệu tương tự chị X., sau điều trị 5 ngày nốt mẩn đỏ mới bay đi gần hết, ngừng sốt.
Theo PGS. BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, đa phần bệnh nhân mắc sởi tới khám là do đã có biến chứng như: Viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết… Thậm chí có ca bị sởi biến chứng viêm não, viêm màng não rất nặng mới đến viện thăm khám và điều trị.
“Không chỉ sởi, hè năm nay cũng ghi nhận nhiều bệnh dịch lây nhiễm qua đường hô hấp khác khá bất thường như cúm, thủy đậu, quai bị… bởi các bệnh lý này vốn thường chỉ xuất hiện trong mùa thu đông”, BS Cường cho biết.
Theo thống kê 6 tháng tại đây, số bệnh nhân mắc cúm điều trị là 135 ca, sởi 176 ca (trong khi cả năm 2014 tại đây chỉ có 100 ca), thủy đậu 30 ca (trong đó có ca tử vong do biến chứng viêm phổi, nhập viện điều trị muộn) và 37 ca mắc quai bị, viêm tinh hoàn… Đây đều là những bệnh lây truyền qua đường hô hấp và có vaccine phòng bệnh.
“Bên cạnh đó, hiện số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) đến thăm khám và điều trị cũng đang có chiều hướng gia tăng”, ông Cường cho biết.
Còn tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, hiện cũng đã điều trị khá đông bệnh nhi mắc sởi. Bệnh nhi N.K.H (3 tuổi, tại Hà Nội) ở nhà có triệu chứng sốt cao, bé được mẹ cho đi khám tại phòng khám tư nhân gần nhà. Sau hai ngày điều trị, thấy con nổi các nốt đỏ ở mặt và các vết loét ở khoang miệng, chảy nước mũi và ho nhiều nên gia đình đưa đến khám và được giữ lại điều trị.
TS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư cho biết: “Sởi là bệnh cấp tính do virus gây ra và lây lan rất nhanh, làm suy giảm nhanh chóng hệ miễn dịch nên bệnh nhân dễ bị nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội như: Viêm phổi nặng, tiêu chảy kéo dài… Bệnh này thường gặp trong mùa đông xuân”.
Sốt xuất huyết vào dịch sớm hơn thường lệ
“
Tính từ đầu năm đến nay, tại TP HCM đã có 24.768 ca sốt xuất huyết, tăng 176% so với số ca bệnh của cùng kỳ năm 2018 (8.959 ca). Trong 6 tháng đầu năm nay đã có 5 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Trong đó, 2 ca tử vong trong tháng 1, 1 ca tử vong tháng 3 và 2 ca tử vong trong tháng 6.
”
Nằm trị tại Khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, ông Phan Xuân D. (64 tuổi, trú tại quận 3, TP HCM) cho biết, những ngày đầu sốt, mệt mỏi nhưng ông chỉ nghĩ sốt nhẹ rồi hết. Tuy nhiên, khi cơ thể hết sốt thì ông D. bắt đầu bị choáng váng và được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhà. Với chẩn đoán tụt tiểu cầu, đe dọa xuất huyết não, ông D. được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới điều trị.
Ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới (TP HCM), chuyên điều trị các bệnh lây nhiễm ở phía Nam, những ngày gần đây, số ca nhập viện do sốt xuất huyết dù giảm hơn so với những ngày cuối tháng 6 nhưng vẫn ở mức cao. Riêng tại Khoa Nhiễm D hiện mỗi ngày đón 50 bệnh nhân mắc SXH nhập viện, trong khi thời điểm tháng 5, con số chỉ bằng một nửa hiện nay.
Theo BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, thông thường đỉnh dịch SXH rơi vào ba tháng 8, 9, 10. Thời điểm đầu mùa ghi nhận số ca SXH tăng cao như thế này rất đáng lo ngại. Khuynh hướng dịch SXH năm nay đến sớm hơn một tháng so với cùng kỳ năm ngoái.
BS Phong khuyến cáo nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH nhưng không được phát hiện sớm, khi vào BV đã có dấu hiệu chuyển nặng. Bệnh diễn tiến nặng sau khi đã hết sốt khiến bệnh nhân dễ chủ quan, thường là ngày thứ tư sau khi phát bệnh, bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như: Giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận… “Hiện đã có test kháng nguyên dễ dàng phát hiện SXH ngay từ những ngày đầu mắc bệnh. Do vậy, có dấu hiệu sốt, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế làm test nhanh để có chẩn đoán sớm và hướng theo dõi, điều trị phù hợp, tránh biến chứng đáng tiếc”, BS Phong cho biết.
Còn tại BV Nhi đồng 1, TP HCM, theo BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, mỗi ngày BV điều trị nội trú cho 50-60 bệnh nhi, trong đó có 2-3 em gặp biến chứng sốc do SXH. Theo khuyến cáo của BS Tuấn, bệnh SXH thường kéo dài 7 ngày nhưng nguy hiểm nhất là giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 vì ở giai đoạn này rất dễ xảy ra sốc SXH. Đây là thời điểm trẻ bớt sốt, điều này có thể gây chủ quan cho các bậc phụ huynh, tưởng rằng bệnh đang thuyên giảm và có thể tự khỏi, không để ý, bệnh sẽ trở nặng.