Bất thường đào tạo nhân lực hàng không ở Công ty Skyteam

Tin vào cam kết của Công ty Skyteam, nhiều học viên chấp nhận đóng hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người đã phải tự bỏ học vì cho rằng 'quy trình học không nghiêm túc', hoặc cố theo nhưng 'không biết đi đến đâu'.

Tin vào lời giới thiệu trên mạng

Thời gian gần đây, Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh của nhiều học viên của Công ty Cổ phần Học viện nhân lực Skyteam (Công ty Skyteam) tố công ty này có dấu hiệu tuyển sinh, đào tạo những ngành/nghề liên quan đến hàng không khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Nhân viên Công ty Skyteam hướng dẫn học viên bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nhập học.

Là học viên có nhiều tháng học tại công ty, anh H cho biết: "Khi vào đây, tôi đăng ký học khóa lái xe vận hành trang thiết bị. Tuy nhiên, mấy tháng nay tôi chỉ được học về tiếng Anh, không được đào tạo về nghiệp vụ. Bây giờ tự bỏ học sẽ không lấy được tiền, mà học thì không biết học đến bao giờ".

Theo anh H, tin vào lời giới thiệu trên mạng và của người quen, anh đã tìm đến Công ty Skyteam để tìm hiểu và mong muốn tìm được việc làm. "Sau khi chọn khóa học lái xe vận hành trang thiết bị, công ty yêu cầu tôi phải đóng 38 triệu đồng. Phía công ty cam kết đào tạo và đồng hành đến khi học viên thi đỗ vào một trong các sân bay hoặc các hãng hàng không nên tôi mới đồng ý làm hợp đồng", anh H cho biết.

Ban đầu, anh H cùng những học viên khác được học kỹ năng trong giao tiếp, làm việc nhóm, phỏng vấn... rồi đến học tiếng Anh. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng trôi qua, học viên không được học về chuyên môn, nghiệp vụ đã đăng ký. Do vậy, đã có nhiều học viên bỏ học vì cho rằng bản thân "bị lừa".

Thậm chí, khi nộp hồ sơ để phỏng vấn, học viên phải tự điền thông tin hồ sơ trên mạng, rồi tự đi đến hãng hàng không để phỏng vấn mà không có sự hỗ trợ từ phía Công ty Skyteam.

"Một tuần có 3 buổi học (sáng thứ 2, thứ 4 và thứ 6), mỗi buổi học 2 tiếng. Đối với những người ở xa, công ty có ký túc cho thuê. Ở đây có rất nhiều người học những khóa từ 55-88 triệu đồng. Nếu công ty chỉ lập ra, thuê giáo viên đến dạy như vậy, số tiền công ty thu lợi là rất lớn", anh H bức xúc.

Mất tiền nếu bỏ học

Tương tự, anh Đ cho biết, bản thân anh cũng đã nộp 68 triệu đồng để đăng ký lớp tiếp viên hàng không. Dù mới học nhưng anh thấy sai lầm khi không tìm hiểu kĩ.

Mỗi một học viên đến tìm hiểu, đăng ký học đều được đo cân nặng và chiều cao để xét tiêu chí về nghề.

"Phải đạt Toeic tiếng Anh mới đi phỏng vấn nên ai học nhanh sẽ giảm thời gian học. Tuy nhiên, đến bây giờ tôi mới thấy hối hận vì nộp số tiền lớn như vậy chỉ để học tiếng Anh không theo quy trình nào. Nếu tìm hiểu rõ hơn, tôi đã đăng ký lớp tiếng Anh để học, chắc chắn không nộp số tiền lớn đến vậy", anh Đ ngao ngán.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay có khoảng hơn 20 học viên đăng ký học tại Công ty Skyteam với số tiền từ 55-88 triệu đồng, tùy từng khóa học. Họ bức xúc về việc công ty không rõ ràng ngay từ đầu, việc học cũng không hiệu quả. Tuy nhiên, họ phải chịu vì nếu bỏ học thì không được hoàn số tiền đã nộp.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT Hà Nội) cấp, Công ty Cổ phần Học viện nhân lực Skyteam có trụ sở chính tại số 26 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, vốn điều lệ 9 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Đinh Thị Dung (SN 1995). Tên địa điểm kinh doanh là Trung tâm Đào tạo học viện nhân lực Skyteam tại số 25, đường 23B, thôn Đìa, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Nghi vấn đào tạo chui

Trong vai học viên có nhu cầu tham gia khóa học lái xe vận hành trang thiết bị, PV đã đến địa chỉ thôn Đìa, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh.

Địa điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần Học viện nhân lực Skyteam.

Tại đây, PV được một nhân viên tên Toàn cho biết, hiện nay công ty có hơn 46 văn phòng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Công ty đào tạo 18 vị trí như: Tiếp viên mặt đất, tiếp viên hàng không, nhân viên vệ sinh máy bay… Ngoài đào tạo kỹ năng mềm, tiếng Anh để đi phỏng vấn, học viên còn được đào tạo về kỹ năng để làm hồ sơ "đẹp" hơn.

"Đối với những vị trí bình thường như tiếp viên hàng không, thường sẽ đào tạo từ 3-6 tháng. Tùy vào học viên đó học nhanh hay không, chủ yếu là tiếng Anh. Chương trình đào tạo gồm kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, make-up (trang điểm), làm việc, làm hồ sơ. Riêng chi phí "làm đẹp" hồ sơ là 2 triệu đồng", nhân viên lý giải.

Khi PV thắc mắc về việc công ty chỉ đào tạo kỹ năng mềm và dạy tiếng Anh để học viên đi thi Toeic nhưng số tiền đào tạo của những ngành nghề này lại khác nhau, nhân viên này nói: "Tùy vị trí giám đốc, nhân viên hay lái xe thì chi phí học sẽ khác nhau".

Theo thông báo tuyển sinh của Công ty Cổ phần Học viện nhân lực Skyteam, các vị trí tiếp viên, nhân viên mặt đất, lái xe, nhân viên, kỹ thuật hàng không có mức lương từ 8-50 triệu đồng, trong đó một số ngành nghề không phải học tiếng Anh. Nơi đào tạo tại miền Bắc là ở Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tại miền Nam là số 25/3 Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.

Theo ông Hoàng Thành Thái, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Hà Nội, Công ty Skyteam chưa được Sở cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để được phép tuyển sinh, tổ chức đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp chứng chỉ đối với các nghề đào tạo trình độ sơ cấp theo quy định về giáo dục nghề nghiệp.

Về một số vấn đề Báo Giao thông nêu, bà Đinh Thị Dung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Học viện nhân lực Skyteam cho biết, thời gian qua, đoàn liên ngành gồm Sở Lao động - Thương binh và xã hội cùng công an huyện đã kiểm tra hoạt động công ty.

"Hiện nay công ty chỉ đào tạo kỹ năng thi tuyển và tiếng Anh. Môn tiếng Anh, công ty có hợp tác với đơn vị có giấy phép đào tạo về tiếng Anh. Còn về kỹ năng thi tuyển, do việc đào tạo dưới 3 tháng nên công ty được tổ chức đào tạo mà chưa cần xin giấy phép từ cơ quan chức năng", bà Dung nói.

Bà Dung cho biết thêm, đã có những học viên thi đỗ, được tuyển vào làm việc tại hãng hàng không. Có những người quay về công ty để chia sẻ kinh nghiệm.

"Tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để thi tuyển vào hãng hàng không. Do đó, nếu tiếng Anh không đạt thì việc học của học viên sẽ phải kéo dài", bà Dung giải thích.

Lý giải về việc các hợp đồng khác nhau về nghành nghề và số tiền phải nộp, bà Dung cho hay: "Khi học xong tiếng Anh, những học viên theo ngành nghề nào thì sẽ được học sâu hơn, kỹ hơn về kỹ năng mềm như make up, đi đứng nên tiền học khác nhau…"

Tổng giám đốc Skyteam cho biết, vừa qua, công ty đã triển khai dự án "0 đồng" đào tạo kỹ năng thi tuyển khi đi phỏng vấn tại hãng hàng không để hỗ trợ học viên.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, không biết thông tin gì về Công ty cổ phần Học viện nhân lực Skyteam. "Cục không cấp giấy chứng nhận đào tạo ATO (Approved Training Organization) cũng như không hướng dẫn kiểm tra cho công ty này.

ATO là chứng nhận tổ chức đào tạo được cấp bởi Cục Hàng không Việt Nam, chứng nhận rằng tổ chức đó đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện để cung cấp đào tạo hàng không hay không. Để được phê chuẩn ATO, trung tâm đào tạo phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt theo quy chế quy định, chủ động khắc phục những khuyến cáo trong quá trình đánh giá, kiểm tra, tuyệt đối tuân thủ theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam", vị đại diện cho biết.

Thanh Bình

Quốc Phương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bat-thuong-dao-tao-nhan-luc-hang-khong-o-cong-ty-skyteam-192240603230213684.htm