Bất thường và bình thường!

Những phiên đấu giá đất tại Thanh Oai, Hoài Đức… mới đây thực sự là những cuộc chơi 'khô máu' của giới đầu cơ.

Không thể gọi là bình thường với một phiên đấu giá “đất làng” ở Tiền Yên, Hoài Đức mà kéo dài tới hơn 19 tiếng, từ 9h sáng 19/8 đến 4h30 rạng sáng 20/8 mới kết thúc và kết quả giá trúng thành công cao nhất bị đẩy lên mức 133 triệu đồng/m2 từ mức giá khởi điểm hơn 7 triệu đồng/m2.

Cơ quan hữu trách tất nhiên đã vào cuộc khi những yếu tố bất thường, bất ổn và bất lợi từ những phiên đấu giá nói trên đã được Báo Đầu tư cùng nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác chỉ ra. Nhưng vấn đề là tại sao lại xuất hiện những cơn sốt bất thường như vậy và nó cho thấy một bối cảnh nào của thị trường bất động sản đang diễn ra?

Bên cạnh những cuộc “làm xiếc”của giới đầu cơ thì tâm lý FOMO (sợ mất cơ hội) của nhiều người có tiền là một yếu tố quan trọng khiến các phiên đấu giá trở nên đông như hội. Chẳng hạn, tại Thanh Oai, phiên đấu giá 68 thửa đất ngày 10/8/2024 thu hút tới 4.600 hồ sơ tham gia, kết quả giá đấu trúng cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm.

Sự FOMO của số đông cho thấy thị trường địa ốc đang ấm dần lên và dòng tiền đã thực sự “sốt ruột”. Đó là điều dễ hiểu khi một phân khúc khác là chung cư, dù không tạo “điểm nổ” sốt nóng như đất nền nhưng cứ lừ lừ tiến và chỉ sau vài quý, người ta xem lại thì giật mình thảng thốt vì giá đã tăng 40-50% là… chuyện bình thường.

Bình thường vì trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản còn nhận định rằng, giá chung cư có thể còn chưa dừng lại vì nhu cầu rất lớn, còn nguồn cung “lẽo đẽo” chạy theo sau một quãng dài.

Chẳng hạn, tại thủ đô, dự báo nguồn cung căn hộ cả năm 2024 vào khoảng 22.000 căn, trong khi theo Chi cục Dân số Hà Nội, mỗi năm Thủ đô có thêm 160.000 người, kéo theo nhu cầu sở hữu nhà rất lớn.

Sự sốt nóng và khan hiếm của chung cư nội đô tất yếu sẽ đẩy dòng tiền đi tìm kiếm cơ hội ở biệt thự liền kề, ở đất nền vùng ven, ở bất động sản nghỉ dưỡng… Sự lan tỏa này là điều tất cả các thành viên thị trường bất động sản đều mong muốn, nếu nó diễn ra một cách bình thường, tiệm tiến và bền vững. Và theo ông Nguyễn Văn Đính, không phải không có căn cứ để hy vọng vào sự phát triển bền vững như vậy của thị trường địa ốc trong thời gian tới.

Trước hết, đó là tốc độ hoàn thiện nhanh chóng của hành lang pháp lý, bắt đầu từ “ba luật gốc” của thị trường địa ốc có hiệu lực vào thời điểm 1/8 vừa qua. Dù cần quá trình dài để thẩm thấu một cách đầy đủ, nhưng rõ ràng không gian pháp lý mới sẽ giúp thị trường minh bạch hơn.

Từ đó, các thành viên thị trường sẽ minh định được rằng mình đúng ở đâu, sai ở khâu nào để khắc phục. Tránh tình trạng tù mù, chồng chéo để từ nhà quản lý đến các chủ đầu tư vừa làm vừa… phập phồng lo sợ như trước và chắc chắn cung hàng sắp tới sẽ nhiều lên trông thấy, khỏa lấp phần nào tình trạng chênh lệch cung cầu, yếu tố đẩy giá lên.

Sự yên tâm về thị trường bất động sản cũng đang lan tỏa sang các cổ phiếu địa ốc - nhóm ngành chịu áp lực “lò so nén” từ nhiều tháng qua. Thoát cảnh “tội đồ”, cổ phiếu bất động sản còn là lực đẩy của VN-Index vài tuần qua và đang nhận được kỳ vọng không nhỏ trong những tháng cuối năm nay.

Mời bạn đọc cùng phân tích, luận giải những xu hướng thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán trong chuyên đề đặc biệt “BẤT ĐỘNG SẢN ĐÓN SÓNG MỚI” của Báo Đầu tư Chứng khoán số ra tuần này.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-thuong-va-binh-thuong-post352354.html