Bát Tràng và Vạn Phúc gia nhập Mạng lưới thành phố Thủ công Sáng tạo thế giới

Hai làng nghề, gồm Làng gốm sứ Bát Tràng và Làng dệt lụa Vạn Phúc vừa chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố Thủ công Sáng tạo thế giới sau khi được Hội đồng Thủ công Thế giới công nhận.

Nằm bên dòng sông Hồng, Bát Tràng không chỉ là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng. Ảnh: Vương Lộc

Nằm bên dòng sông Hồng, Bát Tràng không chỉ là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng. Ảnh: Vương Lộc

Theo Báo điện tử Chính phủ, ngày 14-2 tới, tại Hoàng thành Thăng Long sẽ diễn ra Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Sự kiện cũng bao gồm hoạt động trưng bày, trình diễn và tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025.

Tính đến nay, Hội đồng Thủ công Thế giới đã công nhận 68 làng nghề thủ công thế giới tại 28 quốc gia. Trong đó, làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc của Việt Nam là hai làng nghề mới nhất được công nhận.

Cả hai làng nghề đã đáp ứng các tiêu chí khắt khe của Hội đồng Thủ công Thế giới, dựa trên bốn trụ cột là kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Bộ tiêu chí này nhấn mạnh sự công nhận toàn cầu, đổi mới địa phương, cơ hội hợp tác và các yếu tố bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

Các làng nghề cũng đang thể hiện khả năng kết nối và hợp tác quốc tế, sẵn sàng học hỏi từ bạn bè năm châu để làm giàu thêm vốn kiến thức và kỹ thuật. Đặc biệt, làng nghề còn có nhiều nghệ nhân làm việc với lòng đam mê, truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ giữ gìn mà còn phát triển văn hóa truyền thống.

Qua thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Ảnh: Vương Lộc

Qua thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Ảnh: Vương Lộc

Nằm bên dòng sông Hồng, Bát Tràng không chỉ là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng. Nghề gốm tại đây đã tồn tại hơn 500 năm, với sự kế thừa và phát triển của các nghệ nhân lành nghề. Họ không chỉ sáng tạo ra những dòng gốm mới mà còn khôi phục các mẫu gốm cổ từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc…

Gốm Bát Tràng nổi tiếng với kỹ thuật tạo men và nung lò tỉ mỉ, mang đến những sản phẩm hài hòa cả về hình thể lẫn màu sắc, là sự giao thoa giữa tinh hoa truyền thống và nét hiện đại.

Bên cạnh gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cũng là niềm tự hào của người dân Hà Nội, biểu tượng của sự thanh lịch và tinh tế. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nghề dệt lụa nơi đây đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ nghệ nhân. Những tấm lụa Vạn Phúc không chỉ đẹp về màu sắc mà còn tinh xảo trong từng đường nét hoa văn.

Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 337 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố công nhận.

Hội đồng Thủ công Thế giới được thành lập từ năm 1964 với mục tiêu thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công toàn cầu và các nghề thủ công truyền thống.

Hội đồng Thủ công Thế giới quản lý 5 Hội đồng thủ công thành viên, gồm Hội đồng Thủ công khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hội đồng thủ công châu Âu, Hội đồng thủ công châu Phi, Hội đồng thủ công Bắc Mỹ và Hội đồng thủ công Nam Mỹ với hơn 100 quốc gia thành viên.

Đăng Huy

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bat-trang-va-van-phuc-gia-nhap-mang-luoi-thanh-pho-thu-cong-sang-tao-the-gioi/