Bát Xát chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động
Xác định giải quyết việc làm cho người lao động góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bát Xát đã chỉ đạo ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động.
Sân Golf Lào Cai là dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn T&D Group làm chủ đầu tư, tại xã Bản Qua (huyện Bát Xát), đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục để chuẩn bị đi vào hoạt động. Với nhiều chính sách ưu đãi, công ty ưu tiên tuyển dụng người lao động trên địa bàn xã. Đến thời điểm hiện tại, xã Bản Qua có 79 lao động hợp đồng và lao động thời vụ đang làm việc tại đây với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Để làm việc tại bộ phận caddie (phục vụ khách chơi golf), tôi phải tham gia chương trình đào tạo 6 tháng. Trong quá trình đào tạo, công ty hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng và bữa ăn trưa mỗi ngày. Nếu được tuyển dụng chính thức, thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng 8 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh (thôn Tân Bảo, xã Bản Qua).
Ngoài các hoạt động hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động tại địa phương, đầu tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên huyện Bát Xát tổ chức chuyến tham quan, trải nghiệm môi trường làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (tỉnh Hải Dương) cho hơn 100 học sinh vừa tốt nghiệp THPT đang có nhu cầu đi làm. Trong 2 ngày, các lao động được tìm hiểu về công việc, quyền lợi khi được tuyển dụng như mức lương, thưởng, ý thức, tác phong làm việc và các chế độ đãi ngộ khác tại công ty.
Kết thúc chuyến tham quan, đã có hơn 20 hồ sơ đăng ký tuyển dụng, trong đó có 7 lao động đủ điều kiện được tuyển dụng trực tiếp vào công ty làm việc. Ngoài ra, trong chuyến đi này có 9 lao động đăng ký học sơ cấp nghề khai thác hầm lò tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam. Trong thời gian học nghề, người lao động được hỗ trợ 100% chi phí ăn, ở, học tập và sau đó làm việc tại Công ty TKV Quảng Ninh.
Bây giờ có việc làm ổn định, lại được bố trí chỗ ăn, ở nên em hoàn toàn yên tâm. Em rất mừng vì huyện đã tổ chức chuyến đi thực tế này giúp em có cơ hội tìm được việc làm phù hợp.
Tráng A San (sinh năm 2005, ở xã Sàng Ma Sáo)
Để tạo việc làm, nâng cao mức sống của người dân, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế, trong đó hỗ trợ người lao động vào làm việc tại các công ty, nhà máy và đi xuất khẩu lao động ở những thị trường có thu nhập cao, ổn định. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề, tập trung vào các nghề phổ thông, phù hợp với trình độ của lao động ở nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số, quân nhân xuất ngũ…
Tính đến tháng 6/2023, huyện Bát Xát đã tổ chức 15 lớp đào tạo nghề cho 525 lao động nông thôn ở các xã: Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ, Dền Thàng, Quang Kim, Tòng Sành, Bản Xèo, Mường Hum, Dền Sáng, Y Tý, Trịnh Tường, Sàng Ma Sáo… Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động được hỗ trợ về vốn, khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình; chú trọng xây dựng làng nghề, hợp tác xã, mở rộng các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Thời gian tới, huyện Bát Xát tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc làm, xuất khẩu lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Giới thiệu các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có năng lực trong sản xuất, kinh doanh đến địa phương tư vấn và tuyển dụng lao động. Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, thanh niên đến tuổi lao động ngoài nhà trường và học sinh tốt nghiệp THPT học nghề và tham gia các chương trình đào tạo nghề…