Bát Xát - 'thiên đường' để chinh phục những đỉnh cao
Khi khắp núi rừng vẫn còn bao phủ một lớp sương đặc quánh, dòng người từ trung tâm xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) đã di chuyển đến thôn Ky Quan San để chuẩn bị chinh phục đỉnh Ky Quan San. Mặc dù thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao và có sự chuẩn bị chu đáo nhưng chị Nguyễn Thanh Lan ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn tỏ ra lo lắng trước khi chinh phục đỉnh Ky Quan San. Chị cho biết: Tôi đam mê thể thao và cũng đã từng leo núi, nhưng đây là lần đầu tiên chinh phục ngọn núi có độ cao trên 3.000 m, đường đi qua những cánh rừng nguyên sinh nên rất lo lắng. Tuy nhiên, tôi xác định đây là dịp hiếm có trong đời để được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quan trọng hơn là rèn luyện sức khỏe, vượt qua giới hạn của bản thân.
Anh Hoàng Mạnh Linh, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bát Xát mỗi năm có hàng chục lần phối hợp với các đoàn khảo sát hoặc hướng dẫn du khách trong và ngoài nước chinh phục các đỉnh núi cao trên địa bàn huyện. Mỗi lần tham gia leo núi, anh mất ít nhất 2 - 3 ngày ăn, nghỉ trên rừng. Đi nhiều thành quen, nên mỗi hành trình leo núi, anh xác định như một chuyến du lịch. Anh Linh tâm sự: Tôi thường xuyên leo núi, hầu như tháng nào cũng vài ba lần, nhưng chưa bao giờ cảm thấy chán và mệt mỏi. Việc thường xuyên được tham gia leo núi giúp tôi có cơ hội rèn luyện sức khỏe và đặc biệt được trải nghiệm, khám phá những vẻ đẹp riêng có của núi rừng Bát Xát.
Huyện Bát Xát được kiến tạo bởi các dãy núi cao dần theo hướng Tây Bắc. Điểm cao nhất là đỉnh Pu Ta Leng 3.049 m so với mực nước biển, thuộc xã Trung Lèng Hồ (giáp ranh giữa huyện Bát Xát và huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), điểm thấp nhất có độ cao 88 m so với mực nước biển (thuộc xã Quang Kim). Các dãy núi chính có độ cao từ 400 m đến 3.049 m, độ dốc trung bình từ 20 độ đến 25 độ. Phần lớn diện tích của huyện Bát Xát có độ dốc trên 25 độ, vì thế tạo ra nhiều cung đường thích hợp với loại hình du lịch mạo hiểm leo núi. Để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, những năm qua, UBND huyện Bát Xát đã chỉ đạo khảo sát, xây dựng và khai thác các tuyến du lịch leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn 2.860 m; đỉnh Ky Quan San 3.046 m; đỉnh Nhìu Cồ San 2.965 m; đỉnh Cú Nhù San 2.662 m; đỉnh Pu Ta Leng 3.049 m; đường đá cổ Pavi kết nối giữa Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát với xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu); thác Ong chúa, xã Sàng Ma Sáo; thác Đỏ, xã Dền Sáng; thác Rồng, xã Trung Lèng Hồ…
Huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giai đoạn 2020 - 2025”. Trong đề án chỉ rõ du lịch mạo hiểm sẽ là một trong những sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của Bát Xát; xây dựng sản phẩm “Bát Xát - thiên đường của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”. Trước mắt, huyện đầu tư xây dựng 7 tuyến trekking: Tuyến dọc hai bên suối từ Mò Phú Chải - Lao Chải, xã Y Tý; tuyến Choản Thèn - thác Thiên Sinh, xã Y Tý; tuyến Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo - đường đá cổ Pa Vi - tỉnh Lai Châu; tuyến Sàng Ma Sáo - đỉnh Nhìu Cồ San; tuyến Sàng Ma Sáo - đỉnh Cú Nhù San - xã Y Tý; tuyến xã Y Tý - đỉnh Lảo Thẩn; tuyến xã Trung Lèng Hồ - đỉnh Pu Ta Leng.
Năm 2022, huyện Bát Xát đón 105.000 lượt khách, trong đó có hơn 10.000 lượt khách đi du lịch các tuyến leo núi.
Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh quảng bá về loại hình du lịch mạo hiểm; đầu tư hạ tầng du lịch cơ bản tại điểm và lập hồ sơ đề nghị công nhận các điểm du lịch mạo hiểm. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tại các điểm có tài nguyên du lịch để chủ động ứng phó với các tình huống rủi ro, cảnh báo và cung cấp thông tin cho du khách; tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng du lịch cho người dân tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm…
Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, hưởng ứng từ phía người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, du lịch của Bát Xát sẽ phát triển mạnh hơn.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bat-xat-thien-duong-de-chinh-phuc-nhung-dinh-cao-post367076.html