Bầu cử Anh tác động đến chứng khoán, đồng bảng Anh ra sao?

Vương quốc Anh chỉ còn chưa đầy 6 tuần nữa là bước vào cuộc tổng tuyển cử, với các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Lao động trung tả có thể trở lại nắm quyền sau 14 năm.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) và đối thủ là lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer đã bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2024. Ảnh: AFP/Reuters

Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) và đối thủ là lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer đã bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2024. Ảnh: AFP/Reuters

Chứng khoán thường không rung lắc mạnh sau bầu cử

Một chiến thắng của Đảng Lao động trung tả sẽ lật đổ Đảng Bảo thủ cánh hữu do Thủ tướng Rishi Sunak lãnh đạo, người mà tuần trước đã công bố rằng cuộc tổng tuyển bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 4/7. Các nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực với kết quả thắng lợi của Đảng Lao động.

Thậm chí, ngay cả khi Đảng Lao động không giành được đa số trong Quốc hội, đảng này vẫn có thể tìm kiếm một đối tác liên minh với một đảng nhỏ hơn để thành lập chính phủ, trừ khi Đảng Bảo thủ đạt được thành tích vượt trội bất ngờ.

Trong một báo cáo công bố tuần trước với chủ đề phân tích diễn biến thị trường chứng khoán từ năm 1979, Citi cho biết chứng khoán Anh trong lịch sử "tương đối đi ngang rồi giảm" trong 6 tháng sau bầu cử. Nghiên cứu này đã loại trừ "điều kiện tài chính không ổn định" của vụ sụp đổ bong bóng DotCom và cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.

Theo Citi, chỉ số MSCI UK của các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn đã tăng khoảng 6% sáu tháng sau chiến thắng của Đảng Lao động và giảm khoảng 5% sau chiến thắng của Đảng Bảo thủ.

Chỉ số FTSE 250 thiên về các công ty trong nước có xu hướng hoạt động tốt hơn chỉ số FTSE 100 sau các cuộc bầu cử, với hiệu suất vượt trội hơn sau chiến thắng của Đảng Lao động.

Citi cũng nhận thấy rằng các cổ phiếu phòng thủ và cổ phiếu ngành tài chính có xu hướng sinh lời tốt hơn sau bầu cử, điển hình là cổ phiếu năng lượng.

Công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics, thị trường chứng khoán Anh đã 5 lần chao đảo dưới thời các chính phủ do Đảng Lao động nắm quyền trước đây.

Tuy nhiên, ông John Higgins, kinh tế trưởng của Capital Economics cho biết sẽ là “không công bằng” nếu quy những điều đó hoàn toàn cho Đảng Lao động. Bằng chứng là thị trường chứng khoán Anh đã chao đảo trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930, những năm 1940 sau chiến tranh thế giới, hậu quả của cú sốc thị trường dầu mỏ vào đầu những năm 1970, vụ sụp đổ DotCom năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.

Ông Higgins cũng lưu ý rằng diễn biến tương đối của chứng khoán Anh "nói chung là kém hiệu quả kể từ năm 2010" khi Đảng Bảo thủ nhậm chức.

"Cho dù quan điểm của bạn về lịch sử ra sao, thì chúng tôi nghi ngờ việc Đảng Lao động trở lại nắm quyền sẽ là một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư trong thời gian này", ông Higgins nói thêm.

Ban lãnh đạo Đảng Lao động, đặc biệt là nghị sỹ phụ trách tài chính Rachel Reeves và lãnh đạo Đảng Keir Starmer, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ tập trung vào kỷ luật tài chính và tìm cách giảm nợ quốc gia trong tổng sản phẩm quốc nội.

Nữ Nghị sĩ Rachel Reeves cũng đã tìm cách thu hút các lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức tài chính, gặp gỡ các giám đốc điều hành và tham dự các sự kiện như Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Phát biểu trên đài CNBC, Giám đốc điều hành Barclays C.S. Venkatakrishnan đánh giá rằng rủi ro chính trị ở Anh hiện “ít hơn nhiều so với trước đây” và sự khác biệt trong chính sách kinh tế giữa các bên là “khá tối thiểu”.

Các số liệu của Đảng Lao động đã nêu rõ rằng trong chiến dịch tranh cử hiện tại, họ sẽ cáo buộc Đảng Bảo thủ phải gánh chịu nợ công cao và làm giảm uy tín kinh tế của Anh với cái gọi là "cuộc khủng hoảng ngân sách nhỏ" dưới thời Liz Truss - người tiền nhiệm tại vị ngắn hạn của Thủ tướng Rishi Sunak.

Trong lần phát biểu gần đây, Thủ tướng Sunak đánh giá lạm phát đã "trở lại bình thường", nền kinh tế Anh đang phát triển và tiền lương "tăng bền vững".

Đồng bảng Anh miễn nhiễm với bầu cử?

Kinh tế trưởng John Higgins của Capital Economics cho biết các chính phủ trước đây của Đảng Lao động đã chứng kiến 5 đợt sụt giá của đồng bảng Anh trong 100 năm qua; đồng thời ông cũng lưu ý rằng các yếu tố chi phối lớn hơn lại một lần nữa xuất hiện.

Theo lý giải của ông Higgins, ba đợt sụt giảm đầu của đồng bảng Anh có thể do "tính không bền vững của chế độ tỷ giá hối đoái cố định" trong những năm 1930 và 1970, còn hai đợt giảm còn lại là do cuộc khủng hoảng nợ năm 1976 và cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.

Giới phân tích cho rằng, triển vọng của đồng bảng và trái phiếu chính phủ Anh sẽ vẫn gắn chặt hơn với triển vọng lãi suất, bởi chính sách tài chính giữa hai đảng không có khác biệt đáng kể.

″Phản ứng của thị trường [ngoại hối] là mạnh nhất khi có mức độ không chắc chắn lớn xung quanh một cuộc bầu cử. Điều này không thể vận dụng cho tình hình hiện tại và nếu lịch sử là một dẫn chứng tham khảo, thì chúng tôi kỳ vọng đồng bảng Anh sẽ tăng khiêm tốn trong vài tuần tới và hầu như không có phản ứng nào đối với kết quả của cuộc bầu cử”, ông Joe Tuckey, trưởng bộ phận phân tích ngoại hối tại Argentex Group cho biết.

"Đây là diễn biến đi đến tiến trình lặp lại chiến thắng năm 1997 của Đảng Lao động, khi đồng bảng Anh chỉ tăng 2,5% trong vài tuần trước ngày bỏ phiếu. Bằng nhiều cách, đồng bảng Anh sẽ bám vào tình hình lạm phát và chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh, những chính sách này có thể mang tính chất quyết định đến biến động tỷ giá hơn là kết quả bầu cử", ông Tuckey nhận định.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bau-cu-anh-tac-dong-den-chung-khoan-dong-bang-anh-ra-sao-d216151.html