Bầu cử Iran: Phe cứng rắn lên ngôi
Cuộc bầu cử Tổng thống Iran dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19-6 tới được giới quan sát khu vực và quốc tế quan tâm không chỉ bởi việc ứng cử viên Ebrahim Raisi, một nhân vật cứng rắn gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng mà còn bởi nó mang ý nghĩa nhất định đến chính trị-ngoại giao khu vực Trung Đông và các mối quan hệ giữa Iran với phương Tây.
Tuy nhiên, truyền thông phương Tây dường như đang cố tô vẽ cuộc bầu cử ở Iran theo gam màu xám hoặc đen. Họ cho rằng cuộc bầu cử không có sự cạnh tranh sòng phẳng của lực lượng cải cách, đối lập với giới lãnh đạo cứng rắn. Nhiều ứng cử viên thuộc phe cải cách, đối lập đã bị loại khỏi danh sách ứng cử viên hoặc tự động rút lui vào phút chót nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ứng cử viên chính Raisi giành chiến thắng.
Theo đánh giá chung của giới quan sát, ứng cử viên Ebrahim Raisi trước hết là một chính khách cứng rắn. Năm nay 60 tuổi, ông xuất thân từ tầng lớp trí thức Iran, ngay từ trẻ đã dấn thân trong ngành tư pháp. Vì vậy, hầu như mọi người chỉ biết đến ông Raisi với tư cách là công tố viên hay Thẩm phán Tòa án đạo đức, Chánh án Tòa án Tối cao, người đứng đầu ngành tư pháp của Iran.
Dư luận trong nước và quốc tế quan tâm nhất chính là “bảng thành tích” đặc biệt nổi bật của Raisi với vai trò quan tư pháp Iran. Ông đã từng xét xử nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để xử lý thành phần đối lập cũng như các hành vi bị xem là thiếu chuẩn mực theo luật đạo Hồi. Những vụ việc này được phương Tây xếp vào nhóm “nhân quyền”, từ đó đánh giá về ông Raisi một cách khá tiêu cực. Đặc biệt, ông Raisi là một trong những quan chức Iran nằm trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong cuộc bầu cử tổng thống lần nay, ông Raisi đươrc dư luận chung trong và ngoài nước đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất, gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Lý do là vì cuộc đua lần này không có sự tham gia của các ứng cử viên nặng ký thuộc phe cải cách cũng như không có sự cạnh tranh quyết liệt của phía đối lập. Về cơ bản, ông Raisi có sự hậu thuẫn chắc chắn của Hội đồng Giám hộ. Ông được xem là người ưng ý nhất của Đại Giáo chủ Ali Khamenei và có thể xem là người trong tương lai sẽ kế vị ngôi lãnh đạo tối cao của Đại Giáo chủ.
Đối thủ chính của ông Raisi, ông Abdolnaser Hemmati, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran, đang cố gắng thu hút sự ủng hộ của cử tri trong những ngày cuối chiến dịch tranh cử, với những cảnh báo về sự cô lập quốc tế của Iran. Ông Hemmati đang cố ngăn ông Raisi giành 50% phiếu bầu trong vòng đầu tiên để hy vọng vào một cuộc bỏ phiếu vòng 2. Hiện các cuộc thăm dò cho thấy ông Hemmati ở vị trí thứ hai sau ông Raisi, người đang dao động quanh mốc 50%. Ông Hemmati được cho là không có nhiều kinh nghiệm trong chính trị hằng ngày và đôi khi vụng về trong 3 cuộc tranh luận trên truyền hình nhưng vẫn được coi là mối đe dọa nghiêm trọng duy nhất đối với ông Raisi.
Trước đây được biết đến nhiều hơn với quan điểm của mình về tỷ giá hối đoái, ông Hemmati đã đi theo đường lối gần như cải cách thông qua 3 cuộc tranh luận trên truyền hình và xuất hiện trên ứng dụng âm thanh Clubhouse, bao gồm cả việc tấn công các ngân hàng bị cáo buộc tham nhũng do Vệ binh Cách mạng Hồi giáo điều hành, hứa đưa 5 phụ nữ vào nội các, phản đối việc cảnh sát đạo đức gửi các văn bản đe dọa phụ nữ về việc sử dụng khăn trùm đầu thiều nghiêm túc và thề rằng ông sẽ công bố kết quả điều tra về những vụ giết người biểu tình năm 2019.
Với việc ứng cử viên Raisi gần như chắc chắn giành chiến thắng để trở thành Tổng thống Iran có ý nghĩa nhất định không chỉ đối với Trung Đông mà còn với mối quan hệ giữa Iran với phương Tây, nhất là việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015. Trước mắt, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét lại việc có tiếp tục duy trì danh sách quan chức Iran bị trừng phạt hay không, nhất là tiếp tục để hay không để cái tên Ebrahim Raisi trong danh sách đò, vì việc đó ảnh hưởng rất lớn đến chính sách đối ngoại của Mỹ.
Với một người cứng rắn như ông Raisi lên nắm quyền, chắc chắn mọi vấn đề trong quan hệ giữa Iran với các nước láng giềng trong khu vực Trung Đông và phương Tây đều phải xem xét lại dưới góc độ khác. Dư luận đặc biệt quan tâm đến khả năng Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân nếu ông Raisi thắng cử. Trong các cuộc tranh luận trên truyền hình, ông đã thể hiện rõ quan điểm rằng sẽ giám sát chặt chẽ việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Ông Raisi vẫn cho rằng Iran chịu thiệt thòi khi tham gia thỏa thuận nhưng không đưa ra quan điểm rằng có tiếp tục tham gia hay không.
Đối với các nước láng giềng trong khu vực, nhất là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), thời gian gần đây Tehran đã có nhiều động thái tích cực. Nhiều cuộc đàm phán song phương đã diễn ra giữa Iran với hai quốc gia này hướng đến việc giảm thiểu đối đầu, xây dựng mối quan hệ hòa bình, thân thiện. Điều này không chỉ có lợi cho hòa bình trong khu vực, mà còn có ích lợi về kinh tế cho Iran trong bối cảnh các lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn.
Riêng với Israel, việc một người cứng rắn như ông Raisi lên nắm quyền đồng nghĩa với một giai đoạn mới nhiều “sóng gió” hơn so với khoảng thời gian tương đối “yên tĩnh” vừa qua.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/bau-cu-iran-phe-cung-ran-len-ngoi-646670/