Bầu cử Mỹ: Các bang không chịu áp lực khi xác nhận người chiến thắng
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc vận động tranh cử ở Gastonia, North Carolina ngày 21/10/2020 và ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware ngày 23/10/2020. Nguồn: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, các quan chức thực thi pháp luật tại các bang ở Mỹ ngày 2/11 tuyên bố họ không chịu áp lực nào trong việc phải xác nhận người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11, trong bối cảnh có những thông tin cho rằng Tổng thống Donald Trump đã tính đến khả năng tuyên bố chiến thắng trước khi phiếu bầu được kiểm.
Phát biểu với các phóng viên, Tổng chưởng lý bang Michigan Dana Nessel nêu rõ: "Các bang không xác nhận kết quả bầu cử vào đêm bầu cử".
Trong khi đó, Tổng chưởng lý bang North Carolina Josh Stein nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không để cho bất cứ ai đánh cắp cuộc bầu cử này. Chúng tôi có kinh nghiệm xử lý các cuộc bầu cử kín. Chúng ta có thể biết được người chiến thắng vào đêm thứ 3 hoặc không thể biết được người chiến thắng".
Theo ông Josh Stein, nếu Tổng thống Trump tuyên bố vội vàng chiến thắng, "đó sẽ là một điều đáng tiếc và không phù hợp".
Trước đó, chuyên trang tin tức về chính trị Mỹ Axios ngày 1/11 đưa tin, Tổng thống Trump có kế hoạch sớm tuyên bố chiến thắng trong ngày bầu cử nếu có dấu hiệu ông vượt qua ông Joe Biden tại các bang "chiến địa".
Tuy nhiên, các quan chức tại nhiều bang như Michigan, Wisconsin, và Pennsylvania - những bang chủ chốt có kết quả bầu cử khó đoán định, cho biết việc kiểm phiếu với số lượng lớn phiếu bầu qua thư có thể mất ít nhất thêm 1 ngày nữa, thậm chí có thể lên tới 3 ngày.
Tổng chưởng lý bang Wisconsin Josh Kaul cho hay việc kiểm phiếu bầu qua thư không thể được bắt đầu tại bang này cho đến ngày 3/11, và có thể kéo dài đến ngày 5/11.
Trong khi đó, Tổng thống Trump gọi thông tin của Axios là "tin giả", song ông cũng lưu ý rằng sẽ là không công bằng khi phải chờ đợi kết quả trong một khoảng thời gian dài sau bầu cử.
Để giành chiến thắng, một ứng cử viên tổng thống phải giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri. Điều này khiến 270 trở thành con số kỳ diệu.
Số phiếu đại cử tri cấp cho mỗi bang được tính dựa trên số lượng nghị sĩ mà bang đó có được tại Hạ viện (con số này dựa trên quy mô dân số bang) cộng với số thượng nghị sĩ (2 thượng nghị sĩ cho mỗi bang, bất kể quy mô dân số).
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn số liệu do Dự án Bầu cử Mỹ thuộc Đại học Florida cung cấp cho biết đã có hơn 95 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 3/11, với hai hình thức chính là bỏ phiếu qua đường bưu điện hoặc bỏ phiếu trực tiếp, báo hiệu khả năng xác lập kỷ lục về số cử tri Mỹ tham gia bỏ phiếu trong thời hiện đại.
Cụ thể, theo Dự án Bầu cử Mỹ, tính đến sáng 2/11 theo giờ địa phương đã ghi nhận 95.027.832 cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm, trong đó gần 60,5 triệu cử tri gửi phiếu bầu qua đường bưu điện, trong khi 34,5 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu trực tiếp.
Chỉ một ngày trước Ngày Bầu cử, con số kỷ lục hơn 95 triệu trên tương đương với 69% tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Sự gia tăng mạnh số cử tri bỏ phiếu qua bưu điện và bỏ phiếu trực tiếp sớm chủ yếu là do tác động của dịch COVID-19, đại dịch tới nay đã làm cho hơn 230.000 người tại Mỹ tử vong và vẫn tiếp tục hoành hành tại nhiều bang của Mỹ.
Theo các nhà quan sát, một số lượng lớn cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ đi bỏ phiếu trực tiếp trong Ngày Bầu cử sau khi ông Trump gieo rắc sự hoài nghi về hệ thống bỏ phiếu qua đường bưu điện khi quả quyết rằng hệ thống này có nguy cơ bị gian lận, cho dù ông không đưa ra được bằng chứng.
Trong khi đó, phần lớn các cử tri Dân chủ ủng hộ bỏ phiếu sớm, không chỉ do đại dịch COVID-19, mà còn vì những biện pháp mà chính quyền Donald Trump đã thực thi nhằm làm chậm tiến trình bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Các chuyên gia dự đoán số lượng cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong năm nay sẽ dễ dàng vượt qua con số 138 triệu cử tri trong cuộc bầu cử năm 2016, vốn chỉ có 47 triệu lá phiếu được bỏ sớm.
Hiện cả đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều hy vọng về số lượng cử tri đi bỏ phiếu tăng vọt vào Ngày Bầu cử khi cuộc đua giữa Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đang đi vào hồi kết.
Tuy nhiên, thời gian kết thúc các cuộc bỏ phiếu ở tất cả 50 bang và Đặc khu Columbia cũng rất khác nhau (lấy chuẩn theo giờ miền Đông của Mỹ), sẽ giúp người theo dõi cuộc bầu cử thường xuyên được cập nhật các diễn biến ở khắp nơi trên nước Mỹ trong ngày bầu cử.
Vào 18 giờ ngày 3/11, phần lớn việc bỏ phiếu tại Indiana và Kentucky sẽ kết thúc, chỉ rất ít khu vực của hai tiểu bang này vẫn sẽ kéo dài hoạt động bầu cử do khác múi giờ.
Các điểm bỏ phiếu tại hai bang chiến địa và dao động gồm Florida và Georgia sẽ đóng cửa vào lúc 19 giờ cùng với 3 tiểu bang South Carolina, Vermont và Virginia. Kể từ thời điểm này, sau mỗi 30 phút sẽ có hàng loạt bang kết thúc hoạt động bầu cử.
Theo đó, hoạt động bầu cử tại North Carolina, Ohio và West Virginia sẽ kết thúc vào khung giờ 19 giờ 30. Trong khi đó, khung giờ 20 giờ sẽ chứng kiến nhiều bang và khu vực nhất tuyên bố đóng hòm phiếu, bao gồm Alabama, Connecticut, Delaware, Washington D.C, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Mississippi, Missouri, New Hampshire, New Jersey, North Dakota, Oklahoma, Pennsylvania, Rhode Island, South Dakota, Tennessee, Texas.
Sau khi bang Arkansas tuyên bố kết thúc bỏ phiếu vào 20 giờ 30, cử tri và người theo dõi bầu cử Mỹ sẽ lại được chứng kiến một khung giờ sôi động khi đồng loạt 11 bang kết thúc bỏ phiếu vào lúc 21 giờ, bao gồm Arizona, Colorado, Kansas, Louisiana, Michigan, Minnesota, Nebraska, New Mexico, New York, Wisconsin, Wyoming.
Sau thời điểm này, Idaho, Iowa, Montana, Nevada và Utah sẽ kết thúc bỏ phiếu vào 22 giờ.
Vào lúc 23 giờ, các hoạt động bỏ phiếu sẽ kết thúc tại California, Oregon và Washington, trong khi những bang cuối cùng của Mỹ đóng cửa các điểm bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử là Alaska và Hawaii. Hai tiểu bang này sẽ kết thúc hoạt động bầu cử vào 24 giờ miền Đông ngày 3/11.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)