Bầu cử Mỹ: Một ngày vui tiếp nối những ngày vui của ông Donald Trump

Chiến thắng của ông Donald Trump trước ứng cử viên đảng Cộng hòa tại bang South Carolina củng cố thêm tâm lý để ông Trump bứt phá trong các cuộc bầu cử sơ bộ tới. Cuộc đua nội bộ trong đảng Cộng hòa quá dễ đoán định tạo thuận lợi để ông Trump có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc so găng với đương kim Tổng thống Joe Biden.

Cựu Tổng thống Trump phát biểu tại Columbia, bang Nam Carolina sau chiến thắng ngày 24/2. (Nguồn: AFP)

Cựu Tổng thống Trump phát biểu tại Columbia, bang Nam Carolina sau chiến thắng ngày 24/2. (Nguồn: AFP)

Chiến thắng chóng vánh tại South Carolina

Theo báo chí Mỹ, ngày 24/2, tại bang South Carolina đã diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Trước đó, cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ tại bang này đã diễn ra ngày 3/2 với chiến thắng áp đảo thuộc về đương kim Tổng thống Joe Biden (96,2% số phiếu).

Theo kết quả công bố sáng 25/2, với khoảng 99% số phiếu được kiểm, cựu Tổng thống Trump giành thắng lợi trước đối thủ duy nhất là bà Nikki Haley, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và cựu Thống đốc bang South Carolina, với cách biệt 20,3 điểm phần trăm: Ông Trump giành 59,8% số phiếu so với 39,5% của bà Haley.

Với kết quả trên, ông Trump đã giành được 47 trên tổng số 50 đại biểu đại diện cho bang South Carolina; bà Haley được 3 đại biểu. Theo luật bầu cử của bang South Carolina, ứng viên thắng cuộc sẽ giành được sự ủng hộ của 29 đại biểu.

Tiếp đó, ứng viên có số phiếu cao nhất tại mỗi quận sẽ giành được 3 đại biểu đại diện cho quận đó.

Như vậy, tính đến sáng 25/2, con số đại biểu đã cam kết ủng hộ cựu Tổng thống Trump và cựu Đại sứ Haley lần lượt là 110 và 20. Một ứng viên của Đảng Cộng hòa cần có được sự ủng hộ của 1.215 đại biểu để chính thức trở thành ứng viên tổng thống của đảng này.

Về phân bổ phiếu bầu, cựu Đại sứ Haley là ứng viên được đánh giá cao hơn trong mắt của bộ phận cử tri trung dung và cử tri “độc lập” (chưa chính thức đăng ký ủng hộ một trong hai chính đảng của Mỹ) ở South Carolina. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ hầu hết các nhóm cử tri khác, đặc biệt là nhóm cử tri bảo thủ.

Trong phát biểu tuyên bố chiến thắng vào tối 24/2, cựu Tổng thống Trump không đề cập trực tiếp cựu Đại sứ Haley, song bày tỏ vui mừng trước chiến thắng “chóng vánh” tại South Carolina và cho biết ông “chưa bao giờ thấy Đảng Cộng hòa đoàn kết đến vậy”.

Sau đó, cựu Đại sứ Haley đã phát biểu chúc mừng ông, đồng thời một lần nữa khẳng định bà sẽ tiếp tục tham gia cuộc đua giành ghế ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa vì “40% (số cử tri South Carolina đã bỏ phiếu cho bà) là con số không hề nhỏ”, và họ xứng đáng được lựa chọn một ứng viên không phải Tổng thống Biden hay cựu Tổng thống Trump.

"Ngôi sao" duy nhất của Đảng Cộng hòa

Phát biểu tại lễ mừng chiến thắng của cựu Tổng thống Trump, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hòa, bang South Carolina) khẳng định ông Trump là ứng viên có đầy đủ nhất tư cách để trở thành Tổng thống.

Ông cho biết, cử tri South Carolina “không chống lại” cựu Đại sứ Haley, mà chỉ đơn giản là “ủng hộ mạnh mẽ” ông Trump, đồng thời nhấn mạnh “đã đến lúc Đảng Cộng hòa đoàn kết lại và ủng hộ một ứng viên duy nhất”.

Đại bộ phận truyền thông Mỹ, cả những trang báo và tạp chí có hơi hướng tự do, bảo thủ hay trung lập như AP, The New York Times, Fox News, The Wall Street Journal… cùng đánh giá đây là chiến thắng “đậm” của cựu Tổng thống Trump và cho rằng cựu Đại sứ Haley “gần như không còn cửa” để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Tờ The Wall Street Journal nhận định ngay cả khi bà Haley kiên trì tranh cử, cựu Tổng thống Trump sẽ giành đủ số đại biểu cần thiết để chính thức trở thành ứng viên tổng thống của đảng này vào khoảng trung tuần tháng 3/2024.

Đảng Cộng hòa tiếp tục tổ chức bầu cử sơ bộ tại bang Michigan vào ngày 27/2 và đặc biệt là tại 15 bang và vùng lãnh thổ vào ngày Siêu Thứ Ba (5/3), trong đó có các bang đông dân như California, Texas.

Tuy nhiên, với chiến thắng của ông Trump ở South Carolina, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới được cho gần như chắc chắn sẽ là màn tái đấu giữa ông Trump, 77 tuổi, và ông Biden, 81 tuổi. Trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất do tổ chức RealClearPolitics thực hiện, ông Trump đang có được sự ủng hộ của 46,1% cử tri trên toàn quốc, nhiều hơn 1,9 điểm phần trăm so với tỷ lệ ủng hộ 44,2% dành cho ông Biden.

Deepfake - mối đe dọa thầm lặng

Trong bối cảnh các cuộc bầu cử tại Mỹ đang diễn ra, nguy cơ từ những video giả mạo do AI tạo ra, hay còn được gọi là deepfake, ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Với khả năng tạo ra hình ảnh, video và âm thanh chân thực một cách khó phân biệt, deepfake đang trở thành vũ khí nguy hiểm trong việc lan truyền thông tin sai lệch và đe dọa tính minh bạch của các cuộc bầu cử.

Một trong những ví dụ gần đây nhất về sự lạm dụng công nghệ này là cuộc gọi tự động được cho là từ Tổng thống Mỹ Joe Biden tới hàng nghìn cử tri ở New Hampshire (Mỹ). Trong cuộc gọi này, giọng nói giả mạo cố gắng thuyết phục cử tri rằng việc bỏ phiếu sớm không có ý nghĩa.

Sự xuất hiện của deepfake trong các chiến dịch bầu cử không chỉ làm mờ đi ranh giới giữa sự thật và sự giả mạo mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan chức năng trong việc xác minh và chống lại thông tin sai lệch.

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã ra điều luật rằng các cuộc gọi tự động sử dụng giọng nói do AI tạo ra là bất hợp pháp theo luật viễn thông liên bang, mở ra cơ hội cho các biện pháp trừng phạt và kiện tụng chống lại những người vi phạm.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn sự lạm dụng của deepfake không chỉ là trách nhiệm của pháp luật mà còn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà lập pháp, các công ty công nghệ và các chính phủ.

Theo Dan Weiner, Giám đốc Chương trình bầu cử và chính phủ tại Trung tâm Tư pháp Brennan tại Trường Luật Đại học New York (Mỹ), việc sử dụng AI không chỉ là mối đe dọa mà còn là công cụ khuếch đại mối đe dọa. Ông lo ngại sự xuất hiện của deepfake có thể làm nảy sinh những thông điệp sai lệch và tác động đến quyết định bầu cử của cử tri.

Trong bối cảnh này, nhiều bang của Mỹ đã đưa ra các dự luật nhằm kiểm soát hoạt động giả mạo trong các cuộc bầu cử. Các biện pháp từ việc yêu cầu tính minh bạch đến việc cấm sử dụng deepfake trong các chiến dịch bầu cử được đề xuất nhằm bảo vệ tính công bằng và minh bạch trong quá trình bầu cử.

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc ngăn chặn sự lạm dụng của deepfake vẫn đang là thách thức lớn đối với các nhà lập pháp và các nhà nghiên cứu công nghệ.

Trong bối cảnh các cuộc bầu cử quan trọng tới gần, việc bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong quá trình bầu cử trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế.

(theo AP, Wall Street Journal, Fox News)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-mot-ngay-vui-tiep-noi-nhung-ngay-vui-cua-ong-donald-trump-262156.html