Bầu cử Quốc hội Anh: Đảng Bảo thủ cầm quyền có nguy cơ thất thế, tại 'nỗi ám ảnh' dai dẳng 8 năm ròng?

Cuộc bầu cử Quốc hội Anh đang đến rất gần, Đảng Bảo thủ cầm quyền vẫn đang đứng trước muôn vàn thách thức bởi những hệ lụy Brexit kéo dài.

Nước Anh chuẩn bị cho tổng tuyển cử. (Nguồn:AP)

Nước Anh chuẩn bị cho tổng tuyển cử. (Nguồn:AP)

Dấu mốc quan trọng cho tương lai

Tám năm sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở Anh về Brexit, các doanh nghiệp vẫn than thở về những hậu quả kinh tế do nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và có rất ít triển vọng thay đổi sau cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 4/7 tới.

Đây được xem là kỳ bầu cử quan trọng đối với tương lai nước Anh sau 14 năm Đảng Bảo thủ cầm quyền.

Tối ngày 26/6, một tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội tại Anh, Thủ tướng Rishi Sunak của Đảng Bảo thủ cầm quyền và lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer đã có buổi tranh luận cuối cùng trên truyền hình.

Cuộc tranh luận được coi là cơ hội để Thủ tướng Rishi Sunak tạo động lực cho chiến dịch tranh cử đầy khó khăn của Đảng Bảo thủ khi các cuộc thăm dò liên tiếp cho thấy có khả năng đảng cầm quyền đối mặt thất bại lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử.

Trong cuộc tranh luận, Thủ tướng Sunak bảo vệ chính sách thắt chặt nhập cư của chính phủ, cho rằng Công đảng không có kế hoạch giải quyết tình trạng nhập cư gia tăng. Ông cũng khẳng định cam kết giảm thuế trong khi chỉ trích chính sách tăng thuế của đảng đối lập.

Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer cho rằng chính phủ hiện nay đã mất kiểm soát về nhập cư. Ông chỉ trích chính sách giảm thuế dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế.

Bên cạnh có, nhà lãnh đạo đảng đối lập cũng cho rằng Anh sẽ đạt thỏa thuận Brexit tốt hơn thỏa thuận hiện tại nếu đảng của ông giành chiến thắng, đồng thời loại trừ việc đưa London trở lại thị trường chung, liên minh hải quan châu Âu hoặc khôi phục sự di chuyển tự do cho các công dân EU.

Hậu quả dai dẳng chưa hồi kết

Hậu quả từ Brexit vẫn còn hiện hữu ở xứ sở sương mù. Diego Alfonso, chủ một tiệm kem ở Anh, chia sẻ với AFP khi chiến dịch tranh cử đang ở giai đoạn nước rút và cả hai chính đảng lớn ở Anh đều tránh nhắc đến cuộc “ly hôn” với EU: “Sau Brexit, tôi phải đóng cửa cửa hàng thứ hai để giảm thiệt hại”.

Trong khi cộng đồng doanh nghiệp phần lớn phản đối Brexit, các ngành nghề khác ủng hộ Brexit như thủy hải sản cũng phải thừa nhận rằng việc rời khỏi EU đã không mang lại những lợi ích kinh tế như chính phủ đã hứa.

Viện nghiên cứu tài chính và các nhà kinh tế ước tính chi phí dài hạn của Brexit có thể chiếm khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh.

Sau khi thành phố công nghiệp và khai thác than Leigh ở miền Bắc nước Anh lần đầu tiên bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử lần trước, người dân địa phương hy vọng vào một sự thay đổi hứa hẹn của khu vực.

Nhưng hơn 4 năm sau và chỉ còn 3 ngày là đến cuộc bầu cử tiếp theo, những dấu hiệu khó khăn và bị bỏ rơi về kinh tế vẫn tồn tại. Nhiều cửa hàng ở khu phố mua sắm chính của Leigh đã đóng cửa. Những ngôi nhà di động đỗ kín bến xe chính của thành phố, và một vài người quấn túi ngủ lục thùng rác để tìm thức ăn.

Tại cuộc tổng tuyển cử năm 2019, Thủ tướng khi đó là Boris Johnson đã thuyết phục cử tri ở hàng chục thành phố như Leigh ở miền Bắc và miền Trung nước Anh bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Bảo thủ, phá bỏ cái gọi là “Bức tường Đỏ” của Công Đảng ở trung tâm công nghiệp trước đây của đất nước. Trong cuộc bầu cử đó, Leigh đã lần đầu tiên quay lưng lại với Công Đảng.

Một mặt, lời hứa của ông Johnson về việc “hoàn tất Brexit” đã tác động đến cử tri vốn đã mệt mỏi vì tốc độ chậm chạp của các cuộc đàm phán Brexit. Nhưng cử tri cũng tin tưởng vào cam kết của ông về “nâng cấp” chính sách đầu tư cho các dự án địa phương để trợ giúp các vùng bị lãng quên.

Leigh đã được cấp ngân sách 32 triệu Bảng Anh (40 triệu USD) để tái phát triển trung tâm thành phố theo kế hoạch, nhưng hơn 99% số tiền đó vẫn chưa được giải ngân do những tranh cãi chính trị dẫn đến thực trạng đầu tư công kém cỏi ở Anh.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các khu vực khác của Anh. Ủy ban tài khoản công của Quốc hội Anh hồi tháng 3 cho biết tính trên cả nước, đến nay chỉ hơn 10% trong số hơn 10 tỷ Bảng Anh trong quỹ tái tạo địa phương được giải ngân.

Ủy ban lưu ý rằng các quy tắc đấu thầu quá phức tạp và sự thiếu minh bạch là một trong những lý do khiến nhiều khoản không được giải ngân.

Công Đảng đối lập có thể thắng áp đảo

Theo các cuộc thăm dò mới đây, Đảng Bảo thủ có thể sẽ mất tất cả số ghế ở những khu vực nêu trên trong cuộc bầu cử ngày 4/7, đồng nghĩa với việc Công Đảng đối lập giành chiến thắng áp đảo.

Công đảng nhiều khả năng sẽ giành được 450 ghế tại Hạ viện, trong khi Đảng Bảo thủ chỉ giành được 60 ghế, ít hơn đảng Dân chủ Tự do (71 ghế).

Nếu kịch bản này xảy ra, Đảng Dân chủ Tự do sẽ trở thành đảng đối lập chính thức tại Anh. Cũng theo cuộc thăm dò này, Thủ tướng Sunak và Phó Thủ tướng Oliver Dowden sẽ nằm trong số những người mất ghế.

Trong khi đó, một khảo sát do WeThink thực hiện cho tờ the Economist cho thấy Công đảng sẽ giành được 465 ghế; đảng Bảo thủ 76 ghế; Dân chủ Tự do 52 ghế.

Trong số 44 cử tri ở Leigh tham gia cuộc khảo sát của Reuters, chỉ có một người dự định bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ lần này.

(theo AFP, Reuters)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-quoc-hoi-anh-dang-bao-thu-cam-quyen-co-nguy-co-that-the-tai-noi-am-anh-dai-dang-8-nam-rong-277054.html