Bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2: Các đảng đều khó giành đa số
Gần 1 tuần sau khi vòng 1 bầu cử Quốc hội Pháp kết thúc, các cuộc thăm dò trước vòng 2 diễn ra vào ngày 19/6 cho thấy, tương quan giữa các lực lượng chính trị chưa có thay đổi đột phá.
Chỉ còn 2 ngày nữa sẽ diễn ra vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với nền chính trị Pháp 5 năm tới. Cả hai lực lượng chính trị dẫn đầu tại vòng 1 là liên minh cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” và liên minh “Chung sức” ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều được dự báo khó có thể giành đa số ghế tại Quốc hội khóa tới và nhiều khả năng sẽ phải tìm kiếm thêm đối tác để chiếm ưu thế.
Liên minh “Chung sức” ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về đầu tại vòng 1 nhưng cách biệt với đối thủ chính là liên minh cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (NUPES) là không đáng kể. Với 334 đại diện lọt vào vòng 2, mục tiêu phải giành được 289/577 ghế tại Quốc hội Pháp khóa tới để đảm bảo đa số được nhận định là vô vùng khó khăn.
Các dự báo đều cho thấy liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chỉ giành được 260 đến 290 ghế và nhiều khả năng sẽ phải lôi kéo một chính đảng lớn khác xây dựng liên minh đa số tại Quốc hội để thuận lợi cho việc tiến hành các cải cách lớn sắp tới.
Trong khi đó, liên minh cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (Nupes) dù tiếp tục nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn từ cử tri Pháp nhưng các nhận định lạc quan nhất đều cho rằng liên minh này sẽ khó thể có được đa số ghế tại Quốc hội. Kịch bản về thời kỳ “Chung sống chính trị”, tức là Thủ tướng là người của phe đối lập, như liên minh cánh tả mong muốn nhiều khả năng sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả vòng 1, số ghế tại Quốc hội Pháp của liên minh cánh tả sẽ tăng đáng kể, gấp từ 3 đến 4 lần con số 60 ghế hiện nay và sẽ trở thành lực lượng đối lập chính tại Quốc hội Pháp khóa tới.
Sự chú ý của chính giới Pháp giờ đây đổ dồn về đảng cánh hữu truyền thống “Những người Cộng hòa” (LR). Mặc dù đã mất đi vị thế lực lượng đối lập lớn nhất tại Quốc hội và chỉ về thứ 4 tại vòng 1, đứng sau cả đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN), nhưng với khoảng 60 ghế dự kiến giành được, đảng “Những người Cộng hòa” sẽ là lựa chọn ưu tiên của Tổng thống Pháp Macron trong trường hợp liên minh của ông không thể giành đa số tuyệt đối.
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy 70% người Pháp được hỏi cho biết không muốn Tổng thống Emmanuel Macron có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp khóa tới. Tỷ lệ cử tri Pháp vắng mặt tại vòng 2 cũng được dự báo cao xấp xỉ so với vòng 1, vào khoảng 45%.
Trả lời phỏng vấn trong chuyến thăm Ukraine hôm qua (16/6), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục kêu gọi cử tri Pháp tích cực đi bầu để củng cố uy tín của nước Pháp.
“Nước Pháp cần phải mạnh mẽ vì chính mình. Nước Pháp cần phải mạnh mẽ để truyền tải các giá trị, để nhận được sự tín nhiệm từ quốc tế cũng như để có thể đưa ra các quyết định lớn lao trong những thời điểm đặc biệt”./.