Bầu cử Tổng thống Chile: Cuộc đấu giữa hai thái cực
Vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Chile đã có kết quả sơ bộ không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát: Hai ứng cử viên hàng đầu giành nhiều phiếu bầu nhất nhưng chưa đủ để chiến thắng trực tiếp. Cả hai phải bước vào vòng 2, dự kiến diễn ra ngày 19-12 tới.
Bất phân thắng bại
Kết quả kiểm đếm 90% phiếu bầu của cuộc bầu cử Tổng thống Chile vòng 1 ngày 21-11 vừa qua cho thấy ứng cử viên José Antonio Kast của đảng Cộng hòa cực hữu dân túy dẫn đầu với 28% phiếu bầu, kế tiếp là ứng cử viên Gabriel Boric thuộc đảng cấp tiến Broad Front, với 25,6% phiếu. Ba ứng cử viên còn lại giành được từ 12-14% phiếu mỗi người. Như vậy, hai ứng cử viên Kast và Boric sẽ bước vào vòng 2 để xác định ai sẽ là người kế vị Tổng thống Sebastían Pinera.
Giới phân tích nhận định, kết quả dẫn điểm của ông Kast phản ánh đúng tình hình thực tế trong hơn tháng vận động tranh cử và cuộc bầu cử vòng 2 sẽ là màn song đấu giữa hai thái cực chính trị đối lập nhau. Hai đối thủ Kast và Boric cũng có độ tuổi chênh lệch nhau đáng kể.
Ông José Antonio Kast
Ở một phía, ông Kast, 55 tuổi, được cho là người có quan điểm bảo thủ, phản đối hôn nhân bình đẳng, phá thai và sự đúng đắn về chính trị. Tuy nhiên, ông giành được sự ủng hộ rộng rãi trong giới chính trị hữu khuynh thông qua chương trình vận động tập trung vào các chính sách liên quan đến người nhập cư, an ninh công cộng và các giá trị xã hội bảo thủ.
Phía ngược lại, ông Boric, 35 tuổi, cựu thủ lĩnh phong trào sinh viên biểu tình, đại diện cho tầng lớp trung lưu trẻ tuổi có tinh thần cấp tiến, có thiên hướng xã hội tự do và phát triển kinh tế xanh, phục hồi sau đại dịch. Ông Boric vận động tranh cử tập trung vào các chính sách cải thiện và mở rộng hệ thống phúc lợi xã hội.
Ông Gabriel Boric
Đặc biệt, sự đối lập quan điểm chính trị rõ nhất giữa hai ứng cử viên thể hiện ở việc ông Kast là người hâm mộ cựu tổng thống độc tài Augusto Pinochet và ủng hộ nhiệt tình hiến pháp quân phiệt của ông. Ngược lại, ông Boric là người kịch liệt phản đối hiến pháp đó và tuyên bố sẽ “chôn vùi” quá khứ đen tối thời cai trị độc tài của Pinochet. Thời sinh viên, Boric từ một thủ lĩnh sinh viên vô danh trở nên nổi tiếng sau phong trào sinh viên biểu tình năm 2011 đòi cải cách giáo dục quốc gia. Đồng thời, ông Boric tuyên bố sẽ xây dựng một đất nước Chile công bằng hơn, với các giá trị xã hội tự do, đa dạng và bao hàm tất cả. Tuy nhiên, kết quả bầu cử vòng 1 cho thấy các chính sách bảo thủ cứng rắn của ông Kast có vẻ gây chú ý trong cử tri nhiều hơn các chính sách công bằng xã hội của ông Boric.
Loay hoay trong bất ổn
Cuộc bầu cử Tổng thống Chile diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ở Chile, tình hình kinh tế, xã hội không chỉ chịu sự tác động bởi COVID-19 mà còn có những dư âm bất ổn từ nhiều năm trước. Cách đây 2 năm, tháng 10-2019, các cuộc biểu tình và bạo loạn lớn đã làm rung chuyển đất nước.
Hàng trăm ngàn người biểu tình yêu cầu chính quyền Tổng thống Pinera tăng lương hưu, cải thiện hệ thống giáo dục và chấm dứt hệ thống kinh tế mà họ cho là có lợi nhiều hơn cho giới thượng lưu. Tình hình bất ổn khiến Tổng thống Pinera buộc phải đồng ý điều trần về sự cần thiết phải thay đổi hiến pháp kế thừa từ chế độ độc tài Pinochet. Một năm sau, người dân Chile đã bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo ủng hộ dự thảo hiến pháp mới. Nhưng Chile vẫn chưa lấy lại được sự ổn định như trước. Các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tiếp tục diễn ra hằng tuần ở Santiago.
Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Chile cũng tăng trưởng chậm lại trong thời kỳ đại dịch, khiến Quốc hội thông qua việc rút tiền khỏi các quỹ hưu trí tư nhân. Hệ thống lương hưu là di sản từ chế độ quân phiệt, được nhiều doanh nghiệp và nhà kinh tế coi là nền tảng của thị trường vốn mạnh mẽ của đất nước. Tuy nhiên, những người khác lại xem hệ thống lương hưu tư nhân như một biểu tượng của sự bất bình đẳng. Tình trạng hỗn loạn đã có tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính và làm gia tăng lạm phát.
Với danh tiếng của thủ lĩnh phong trào sinh viên một thời, ông Boric với tư cách là một nghị sĩ cánh tả còn được mọi người xem như đại diện tiêu biểu cho sự vận động đi tới của đất nước Chile thời kỳ hậu biến loạn, hậu đại dịch. Ông Boric ra tranh cử với sự hậu thuẫn của một liên minh thiên tả rộng lớn phía sau, trong đó có cả đảng Cộng sản Chile và dẫn trước đối thủ cực hữu.
Nhưng, trong vài tuần lễ gần đây, cục diện tranh cử bỗng nhiên thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ứng cử viên cực hữu dân túy. Người ta chưa lý giải được tại sao cử tri Chile lại thay đổi quan điểm nhanh thế, từ chỗ đặt niềm tin vào ứng cử viên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết làm thay đổi đất nước theo chiều hướng tốt hơn, chuyển sang ủng hộ chính khách có quan điểm bảo thủ, cứng rắn một cách kỳ lạ. Có vẻ như một bộ phận cử tri Chile đã bị “mê hoặc” bởi chủ trương “đưa Chile vĩ đại trở lại” của ông Kast.
Trong lời giới thiệu chủ trương tranh cử của mình, ông Kast đã thẳng thắn tự nhận mình là hiện thân của cánh hữu mới, tập trung vào 3 trụ cột chính là “tự do, bảo vệ pháp luật, kỷ cương và sức mạnh gia đình”. Xuất thân gia đình doanh nhân gốc Đức, cho nên trong chủ trương tranh cử của ông Kast đầy rẫy những chính sách có lợi cho doanh nghiệp, như cắt giảm thuế,...
Giới quan sát cho rằng, ẩn số của vòng 2 nằm ở việc những cử tri đã bỏ phiếu cho 3 ứng cử viên “rớt” ở vòng 1 sẽ bỏ phiếu cho ai. Với chênh lệch số phiếu không quá 3 điểm phần trăm, khả năng lật ngược thế cờ của ông Boric không phải không có.