Bầu cử tổng thống Iran 2021: Các ứng cử viên tranh luận nảy lửa
Bảy ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Iran cáo buộc lẫn nhau về tội phản bội đất nước hoặc thiếu khả năng để điều hành nền kinh tế bị tàn phá sau 3 năm Mỹ tái áp đặt trừng phạt.
Ngày 5/6, 7 ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Iran, dự kiến tổ chức ngày 18/6 tới, đã có cuộc tranh luận nảy lửa, trong đó cáo buộc lẫn nhau về tội phản bội đất nước hoặc thiếu khả năng để điều hành nền kinh tế bị tàn phá sau 3 năm Mỹ tái áp đặt trừng phạt.
Tại cuộc tranh luận đầu tiên trong 3 cuộc tranh luận trước thềm cuộc bầu cử sắp tới, trong khi 5 ứng cử viên theo đường lối cứng rắn công kích thành tựu 8 năm cầm quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Hassan Rouhani, thì ứng cử viên ôn hòa hàng đầu Abdolnaser Hemmati - cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran đã đổ lỗi cho phe bảo thủ theo đường lối cứng rắn về căng thẳng leo thang với phương Tây, vốn khiến cho tình hình kinh tế của Iran thêm xấu đi.
Trong cuộc tranh luận kéo dài 3 giờ đồng hồ này, ứng cử viên Mohsen Rezaee, cựu Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã cáo buộc ông Hemmati "hoàn toàn tuân thủ" các lệnh trừng phạt của Mỹ, và nói rằng ông Hemmati sẽ phải đối mặt với các tội danh phản quốc.
Đáp lại, ông Hemmati, người cũng là giáo sư kinh tế học, cáo buộc phe bảo thủ theo đường lối cứng rắn đã cô lập Iran trên trường quốc tế đồng thời hủy hoại nền kinh tế của đất nước mà trong đó nhiều lĩnh vực bị chi phối bởi các tập đoàn do phe cứng rắn kiểm soát.
Trong khi đó, ứng cử viên Mohsen Mehralizadeh, một chính trị gia ôn hòa và là tiến sỹ về quản lý tài chính, cho rằng nền kinh tế Iran không thể do một người nghiên cứu kinh viện thuần túy, như ứng cử viên Ebrahim Raisi, điều hành.
Về phần mình, ông Raisi chỉ trích chính phủ của ông Rouhani về tình trạng lạm phát phi mã và sự mất giá nhanh chóng của đồng rial của Iran.
Ông Raisi cũng bác bỏ bình luận của ứng cử viên Hemmati và một số nhân vật ôn hòa khác, những người đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ về các vấn đề kinh tế của Iran và nói rằng nếu không có sự quản lý phù hợp, tình hình đất nước sẽ tồi tệ hơn.
Ông Raisi ví von: "Điều này giống như một thủ môn để lọt lưới 17 bàn và sau đó nói rằng nếu không có tôi thì đã là 30 bàn"./.