Bầu cử Tổng thống Mỹ sắp 'ngã ngũ', châu Âu e ngại điều gì?
Châu Âu bắt đầu nhận ra rằng, một số thành tố của mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ không thể được khôi phục, dù ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Cuộc bầu cử đặc biệt
Châu Âu, đặc biệt là hai đầu tàu Pháp và Đức, đang hồi hộp chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, diễn ra vào tuần tới. “Lục địa già” hiểu rằng, tương lai của mối quan hệ liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương đang đứng trước bước ngoặt quan trọng.
Nhiều người Pháp và Đức đang phân vân liệu họ có thể tin tưởng Mỹ đến mức nào. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, bà Jana Puglierin, người đứng đầu văn phòng tại Đức của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) cho rằng: “Ông Donald Trump không phải ‘từ trên trời rơi xuống’. Do đó, có những nhân tố giúp ông ấy ở đây, và các nhân tố này không mất đi kể cả khi ông Trump rời ghế Tổng thống”.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không phải là mối đe dọa nguy cấp nhất đối với châu Âu vào lúc này. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là đại dịch Covid-19, lĩnh vực mà Mỹ không giúp đỡ được nhiều cho châu Âu. Trong khi Pháp ghi nhận hơn 270.000 ca nhiễm mới trong tuần vừa qua, Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu rằng, nước Pháp sẽ bước vào đợt phong tỏa toàn quốc thứ hai. Giống như Pháp, Đức cũng đang phải đóng cửa một phần đợt thứ hai.
Dù vậy, người Pháp và người Đức ngày càng tin rằng, mong muốn và lựa chọn của cử tri Mỹ quá khó dự đoán, khiến châu Âu không thể dựa vào một nước Mỹ vững chãi và đáng tin cậy trong thời gian dài.
Những thay đổi không thể đảo ngược
Theo khảo sát trên toàn châu Âu của ECFR, kể cả khi ứng cử viên Joe Biden thắng cử, cử tri Pháp và Đức tin rằng, châu Âu nên giữ mối quan hệ tốt với Mỹ, nhưng cũng cần chuẩn bị cho sự chia tách. Nếu Tổng thống Trump tái cử, các cử tri Bỉ, Thụy Điển, Áo và Croatia cũng cho rằng, chuẩn bị cho sự chia tách là cần thiết.
Ở Pháp, hầu hết nhà phân tích, cũng như các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Macron đều nhận định, chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden “không đồng nghĩa với việc quay lại quan hệ giống trước đây, như nhiều người vẫn hiểu sai”, theo lời của Piotr Smolar, cây bút bình luận chính trị của tờ Le Monde.
Tổng thống Macron - người sẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo châu Âu mà Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ để lại khi bà nghỉ hưu vào năm tới, đang vận động cho việc thành lập lực lượng quốc phòng chung châu Âu để giúp “lục địa già” giảm phụ thuộc vào Mỹ về quân sự, kể cả khi ông Biden cam kết đảo ngược quyết định rút quân Mỹ khỏi Đức của Tổng thống Trump.
Pháp đang mong chờ quan điểm quốc phòng thực tế hơn của Mỹ, nếu ông Joe Biden thắng cử. Cũng như Tổng thống Trump, ứng cử viên Biden cam kết đưa nước Mỹ ra khỏi các cuộc chiến tranh “không có hồi kết”, cụ thể ở Trung Đông.
Tuy nhiên, ông cũng cam kết giữ quân đồn trú Mỹ ở những quốc gia quan trọng như Iraq để “bảo đảm ổn định và ngăn chặn sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố làm phương hại đến các lợi ích của Mỹ”.
Dĩ nhiên, giữa hai ứng cử viên vẫn có sự khác biệt nhất định trong cách tiếp cận với các sáng kiến của châu Âu. Ví dụ, dự án xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy Phương Bắc 2” từ Nga đến Đức bị Tổng thống Trump phản đối quyết liệt. Tương tự, 4 năm trước, ông Biden đã gọi dự án này là “một thỏa thuận tồi tệ” và sẽ khiến châu Âu “phụ thuộc nặng nề hơn vào Nga”. Dù vậy, quan điểm của ông Biden được cho là mềm mỏng hơn Tổng thống Trump, người liên tục đe dọa trả đũa nếu dự án tiếp tục được triển khai.
Cả Pháp và Đức đều mong muốn nước Mỹ quay lại những thỏa thuận quốc tế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay đóng vai trò trong nỗ lực chung nhằm chống dịch Covid-19. Điều này sẽ giúp hàng triệu người lao động làm việc ở ngành dịch vụ ở hai quốc gia này thoát khỏi cảnh thất nghiệp, một khi du khách Mỹ trở lại.
Việt Hà
(theo CNN)