Bầu cử Tổng thống Philippines: Cuộc cạnh tranh của những sắc màu
Cuộc chạy đua đến chiếc ghế Tổng thống Philippines đang dần nóng lên với hàng loạt các chiến dịch tranh cử 'đầy màu sắc' theo đúng nghĩa đen.
Thủy triều hồng
Các ứng cử viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống Philippines đã dựa vào một số màu nhất định như một phần trong việc khẳng định thương hiệu của mình trên vũ đài chính trị.
Bằng cách chọn một màu cụ thể, các ứng cử viên hướng đến việc thống nhất những người ủng hộ và vận động tiếp cận với nhiều cử tri hơn. Thành công hoặc sự nổi tiếng của ứng cử viên trong chiến dịch được hiển thị rõ ràng hơn thông qua màu sắc mà họ đã chọn.
Theo đó, làn sóng hồng của Phó Tổng thống Leni Robredo đang cạnh tranh nảy lửa với làn sóng xanh - đỏ của phe đối thủ Marcos - Duterte.
Cho đến nay, Phó Tổng thống Leni Robredo dường như là người có sự nhất quán nhất trong việc sử dụng màu sắc để thúc đẩy cho chiến dịch tranh cử.
Bà đã sử dụng màu hồng làm biểu tượng của mình ngay từ lần đầu tiên công bố ý định tranh cử Tổng thống vào tháng 10 năm ngoái.
Việc chọn một màu sắc khác hẳn đã được những người ủng hộ bà vô cùng hoan nghênh vì trước đây bà thường được liên hệ với phe áo vàng, cũng chính là Đảng Tự do đã đứng đầu chính phủ từ năm 2010 đến năm 2016.
Sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đánh bại các đối thủ “vàng” vào năm 2016, ông thường dành những lời lẽ chế nhạo cho các thành viên của đảng đối lập này.
Bằng cách sử dụng màu hồng làm biểu tượng, bà Robredo có thể tập trung vào cuộc đua của riêng mình mà không bị ràng buộc phải bảo vệ những di sản mà đảng cầm quyền cũ để lại. Phó Tổng thống đương nhiệm có thể tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của phe áo vàng, đồng thời nhường chỗ cho các thành viên khác.
Quyết định này mang lại cho bà lợi thế rất lớn trong nhiều tháng trở lại đây vì đã giành được sự hỗ trợ từ các đảng chính trị, liên đoàn liên ngành và các nhà lãnh đạo địa phương, bắt đầu từ khi quá trình tranh cử được khởi động vào tháng Hai.
Mục tiêu của phong trào chính trị này đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi bà Robredo và các thành viên của bà đã thành công huy động hàng chục nghìn người ủng hộ từ các cuộc mít tinh trên khắp đất nước.
Sự xuất hiện của "thủy triều hồng" gây ấn tượng mạnh mẽ trong những tuần gần đây, hơn nữa có thể mang lại cho Phó Tổng thống thêm rất nhiều phiếu bầu, thuyết phục các nhà lãnh đạo địa phương chưa đưa ra quyết định và truyền cảm hứng cho nhiều người hơn.
Những nỗ lực đó nhằm mục đích đánh bại đối thủ chính của bà Robredo là Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr, con trai của cố Tổng thống Ferdinand Marcos (1917-1989).
Làn sóng xanh và đỏ
Phe của ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr cũng nhất quán trong việc áp dụng màu đỏ và xanh lá cây ở chiến dịch lần này.
Ứng cử viên Marcos đã mặc đồ đỏ khi xuất hiện trước công chúng, trong khi đó, ứng cử viên phó tổng thống của ông là Sara Duterte lựa chọn mặc đồ màu xanh lá.
Bà Duterte là con gái của Tổng thống Philippines đương nhiệm, hiện nắm giữ chức Thị trưởng thành phố Davao nhưng đang tranh cử dưới tư cách thành viên của một đảng khác.
Ông Marcos chọn màu đỏ làm màu đại diện có lẽ vì đó là màu từng được cha mình sử dụng, trong khi việc sử dụng màu xanh lá cây của Duterte có thể là cách bà khẳng định thương hiệu chính trị của mình.
Bộ đôi Marcos-Duterte cũng đã thành công trong việc huy động số lượng người ủng hộ lớn khi màu đỏ và xanh lá luôn chiếm ưu thế trong các cuộc mít tinh tranh cử của cặp đôi này. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, các chiến dịch xanh-đỏ có quy mô nhỏ hơn so với thủy triều hồng.
Các ứng cử viên tổng thống khác cũng có cho mình những màu sắc riêng, nhưng không giống như Robredo và Marcos, họ đã chọn những cách khác để huy động sự ủng hộ của công chúng thay vì gắn liền chiến dịch của mình với một màu sắc cụ thể.
Ví dụ, Thị trưởng Manila Isko Moreno Domagoso với màu xanh lam làm đại diện, đã không khởi xướng phong trào vận động sử dụng màu sắc này.
Các màu sắc trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines không chỉ để nhận diện các ứng cử viên mà còn liên quan đến các vấn đề chính trị khác.
Hoạt động tuyên truyền hạ thấp uy tín đối thủ, hay còn gọi là “tuyên truyền đen”, đã được các cơ quan giám sát bầu cử tích cực xử lý. Trong khi đó các nhà hoạt động xã hội cảm thấy thất vọng trước sự thiếu vắng của các “chương trình xanh” hướng tới bảo vệ môi trường trong chiến dịch tranh cử của các ứng viên.
Mặt khác, ở những bài phát biểu gần đây, phe áo hồng đã bị đối thủ của mình là Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, một cựu cảnh sát trưởng gọi với cái tên “đối tượng thẻ đỏ”, vốn chỉ được dùng cho các thành phần khủng bố và chống phá chính quyền bởi các lực lượng an ninh quốc gia.
Những cuộc cạnh tranh sắc màu sẽ tiếp tục cho đến cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 9/5.
Màu hồng, màu xanh-đỏ... rõ ràng mang lại hiệu quả cho chiến dịch vận động của các ứng cử viên và làm hoạt động tranh cử trở nên bắt mắt. Tuy nhiên, điều này có thể gây nhầm lẫn cho các cử tri khi nghĩ rằng các màu sắc này đại diện cho thiên hướng của các đảng phái chính trị.
(theo The Diplomat)