Bầu tổng thống Venezuela: Quyết định tương lai của đất nước

Ngày 28/7, cử tri Venezuela đi bỏ phiếu để bầu tổng thống cho nhiệm kỳ 2025-2031, cũng chính là thực hiện quyền quyết định tương lai phát triển của đất nước.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN

Có tất cả 10 ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela lần này. Tuy nhiên, theo các đánh giá, đây sẽ chỉ là cuộc đối đầu giữa đương kim Tổng thống Nicolas Maduro, đại diện cho đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền, và nhà ngoại giao Edmundo González Urrutia đại diện cho Hội nghị bàn tròn thống nhất dân chủ (MUD), một liên minh tập hợp những người theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội Thiên chúa giáo, chủ nghĩa xã hội và bảo thủ.

Venezuela tiến hành bầu cử tổng thống trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt đối với Venezuela tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng đối với cuộc sống của người dân nước này như thiếu thuốc men, thiếu lương thực, giảm sút chất lượng cuộc sống và làn sóng người di cư. Theo báo cáo của tổ chức khu vực Liên minh Bolivar cho châu Mỹ - Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP), ước tính thiệt hại kinh tế mà Venezuela phải gánh chịu do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt kể từ năm 2015 là khoảng 800 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhờ một số chính sách kinh tế mới được chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro triển khai và việc tăng sản lượng dầu, nền kinh tế đất nước gần đây có dấu hiệu phục hồi. Chính phủ đã thực hiện nhiều lần điều chỉnh tỷ giá hối đoái, từ việc duy trì nhiều tỷ giá khác nhau cho đến việc chuyển sang một tỷ giá thống nhất. Mục tiêu của các biện pháp này là ổn định thị trường ngoại hối và kiểm soát lạm phát. Chính phủ đã đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Mục tiêu là giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường tự cung tự cấp. Venezuela đã đàm phán với các chủ nợ để tái cấu trúc nợ, nhằm giảm gánh nặng nợ công và tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế. Chính phủ Venezuela cũng phát hành đồng tiền điện tử Petro, được hỗ trợ bởi trữ lượng dầu mỏ, nhằm đa dạng hóa nguồn thu và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Trong quan hệ quốc tế, Chính phủ Venezuela đang nỗ lực cải thiện quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước láng giềng.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Trung tâm Đo lường và Dữ liệu thống kê Venezuela cho thấy 52% cử tri khẳng định sẽ đi bầu cử, 32% sẽ không đi bầu và 16% còn lại đang cân nhắc có đi bầu hay không. Trên tổng số những người được khảo sát, 56,8% cho biết sẽ bầu cho ông Nicolás Maduro; trong khi đó, 76% người được hỏi tin rằng ông Maduro sẽ tái đắc cử tổng thống, 13% cho rằng phe đối lập sẽ chiến thắng. Trong trường hợp tái đắc cử, ông Maduro sẽ giữ cương vị tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, nâng tổng số năm cầm quyền lên 18 năm.

Một trong những lợi thế là điểm tựa cho chiến dịch của tranh cử của Tổng thống Maduro là sự phục hồi thể hiện rõ ở một số chỉ số kinh tế vĩ mô, sau nhiều năm suy giảm: vào tháng 6 vừa qua, chỉ số lạm phát của Venezuela đã giảm xuống mức 1%, một thành tựu vượt bậc so với mức 9.585,50% của năm 2019 (theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Venezuela), và hàng hóa đã tràn đầy trên các kệ của siêu thị.

Tổng thống Maduro tuyên bố 3 mục tiêu trước mắt của chính phủ gồm củng cố hòa bình, ổn định và yên bình để chăm sóc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tất cả mọi người; bảo vệ người dân, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn; và thịnh vượng.

Các tổ chức quốc tế, bao gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban kinh tế về Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC), dự đoán Venezuela sẽ là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ Latinh vào năm 2024, mặc dù mức lương vẫn khá thấp. Ứng cử viên tổng thống, ông Maduro, người lên nắm quyền vào năm 2013, khẳng định các thành tựu trên là "ánh sáng chói lòa" trong bóng đêm.

Tổng thống chỉ trích một số thành viên của phe đối lập đã thúc đẩy các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nền kinh tế Venezuela, tài trợ cho các hành động bạo lực lặp đi lặp lại và do đó thúc đẩy cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến hàng triệu người dân Venezuela tìm đường ra nước ngoài. Vì lý do này, trong mỗi bài phát biểu của mình, ông đều nhấn mạnh tư cách là một nhà lãnh đạo vì dân và tuyên bố rằng hòa bình sẽ chiến thắng ở Venezuela.

Về phía liên minh đối lập chính, con đường trở thành ứng cử viên tranh cử của ông González Urrutia được đánh giá là không mấy thuận lợi. Cho đến 3 tháng trước, người từng là Đại sứ tại Argentina dưới thời chính phủ cố Tổng thống Hugo Chávez, vẫn hoàn toàn là một ẩn số trên chính trường Venezuela. Nhưng với việc lãnh đạo phe đối lập cánh hữu là María Corina Machado bị loại, ông González Urrutia đã nổi lên như là một nhân tố mới. Bà Machado đặt cược rằng toàn bộ vốn liếng chính trị của mình sẽ được chuyển giao bằng phiếu bầu cho nhà ngoại giao 74 tuổi này.

Bà Machado đề xuất tư nhân hóa các công ty nhà nước, tăng cường thương mại tự do. Năm 2019, bà công khai yêu cầu “sự can thiệp quân sự nước ngoài” để giành chính quyền và đồng hành cùng nhân vật Juan Guaidó, người tự xưng là “tổng thống lâm thời” của đất nước và được Mỹ cùng một số nước phương Tây hậu thuẫn. Điều này khiến Tòa án Công lý Tối cao (TSJ) tuyên bố bà không đủ tư cách giữ chức vụ công trong 15 năm, qua đó đã ngăn cản bà tham gia tranh cử tổng thống.

Trong số các ứng cử viên đối lập khác, nổi bật là nghị sĩ và mục sư Tin lành Javier Bertucci, người đã giành được 10,82% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018, và Benjamín Rausseo, biệt danh “Bá tước”, một diễn viên hài và doanh nhân nổi tiếng.

Trong vài tháng nay, chiến dịch tranh cử đã thu hút phần lớn sự chú ý của người dân Venezuela. Cuộc bầu cử ngày 28/7 sẽ mang tính quyết định và xác định đường lối của đất nước trong những năm tới và điều này sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của các cử tri.

Việt Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bau-tong-thong-venezuela-quyet-dinh-tuong-lai-cua-dat-nuoc-20240728085408179.htm