Bầu trời không còn là giới hạn!

Lần đầu tiên đến Việt Nam và lưu lại gần một tuần lễ để tham dự VIETNAM SPACE WEEK vào đầu tháng 6-2023, tiến sĩ JOSEF SCHMID – bác sĩ phụ trách theo dõi sức khỏe các phi hành gia của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), đã có những khám phá và trải nghiệm thú vị về Việt Nam. Sau sự kiện, nhà báo Văn Thắng đã có cuộc trò chuyện trực tuyến với ông Josef Schmid.

Là một người Mỹ gốc Đức, với những cảm xúc đan xen thấm đượm sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Đông-Tây và đặc biệt là triết lý Ikigai của người Nhật, ông đã chia sẻ những trải nghiệm của mình liên quan đến y học và không gian cùng những tư vấn thiết thực trong việc chuẩn bị cho các tài năng trẻ Việt Nam hướng đến một ngành học mới mẻ và chuyên sâu như khoa học không gian, y khoa…

Tiến sĩ, bác sĩ Josef Schmid.

Tiến sĩ, bác sĩ Josef Schmid.

KTSG Online: Chúng tôi rất hân hạnh được trò chuyện cùng ông là một bác sĩ NASA nhân dịp ông tham dự VIETNAM SPACE WEEK. Ông mang gì từ những kinh nghiệm y khoa phong phú của mình đến sự kiện này?

– Ông JOSEF SCHMID: Dấn thân vào y học và kỹ thuật mang lại cho chúng ta các cơ hội tuyệt vời để cải thiện cuộc sống của từng người trên và bên ngoài trái đất. Sinh viên sẽ tìm thấy niềm vui trong học tập và cuộc sống chuyên môn của mình nếu họ theo đuổi những gì phù hợp với triết lý Ikigai, đó là: (Theo đuổi) những gì bạn thích thú, những thứ mà bạn giỏi, những thứ mà bạn được trả công xứng đáng, và những thứ mang lại tốt đẹp cho thế giới.

Y học Nghề nghiệp – là lĩnh vực y học hỗ trợ người ta thực hiện công việc của mình và các công ty cung ứng các công việc đó – rất có giá trị vì giúp ngăn ngừa bệnh tật và chấn thương trong công việc để bảo vệ nghề nghiệp và cuộc sống của con người. Y học Hàng không Vũ trụ là một nghề nghiệp có thể đưa bạn đến với hàng không, leo núi, lặn biển, không gian và thậm chí không gian mạng. Tôi hy vọng sinh viên sẽ học tập chăm chỉ, gia đình sẽ hỗ trợ, chính phủ và doanh nghiệp sẽ cấp học bổng và tạo điều kiện cho họ thực tập để phát triển lực lượng lao động cho Việt Nam hiện tại và tương lai.

Tôi đến Việt Nam hoàn toàn tự nguyện và với nền tảng chuyên môn của mình chứ không phụ thuộc tổ chức nào, và thật sự là niềm vinh hạnh lớn trong đời khi có thể chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng mở ra cho sinh viên thấy vô số những khả năng cũng như những phương tiện và đường hướng đào tạo để vươn tới những khả năng đó. Bầu trời không còn là giới hạn nữa!

KTSG Online: Để trở thành một bác sĩ NASA, đâu là những phẩm chất cần có đối với một bác sĩ, và có khác biệt gì giữa một bác sĩ không gian và một bác sĩ thông thường?

– Y học Không gian là một chuyên ngành hẹp của Y học Hàng không. Trong khi Y học Hàng không liên quan đến việc chứng nhận, đào tạo và hỗ trợ phi công và những người khác có tham gia vào lĩnh vực hàng không trái đất và những môi trường cực đoan khác, thì Y học Không gian cung cấp sự hỗ trợ y tế đó ở tầm cao nhất và trong không gian. Chúng tôi cùng làm việc với các kỹ sư để giúp thiết kế phi thuyền nhằm bảo vệ và hỗ trợ sự sống con người trong môi trường chân không và vi trọng lực trên không gian. Các thiết kế đó bao gồm các hệ thống hỗ trợ sự sống, tính năng an toàn, thiết bị ra lệnh hủy bỏ và điều chỉnh, quần áo cho phi hành gia đi bộ ra ngoài không gian, các hệ thống sinh tồn cho con người bao gồm cả thanh thực phẩm dinh dưỡng và nhà vệ sinh, dụng cụ thể dục và các hệ thống liên lạc. Chúng tôi có riêng thiết bị y khoa và giải phẫu bao gồm công cụ chẩn đoán và thuốc men, giám sát môi trường và tất cả các quy trình cần thiết để chăm sóc y tế trong không gian.

Một bác sĩ thông thường cũng giống như thế, cũng có trách nhiệm toàn diện về sức khỏe bệnh nhân của mình, từ chăm sóc y tế thông thường, kiểm tra thể lý và chẩn đoán cho đến y học nghề nghiệp bao gồm cả y học hàng không và không gian. Thực ra chính tôi cũng là một bác sĩ gia đình, và tôi chăm sóc toàn diện từ cơ bản cho đến y học không gian.

Phẩm chất cần có đối với một bác sĩ muốn làm việc trong lĩnh vực y học không gian là anh ta có mong muốn vượt quá việc chăm sóc y tế thông thường, và bên cạnh y học nghề nghiệp thông thường thì, trong trường hợp này, anh ta cần tiến đến mức rất cao của y học nghề nghiệp là chăm sóc cho những người bay vào không gian. Những bác sĩ như vậy cần được đào tạo thêm bên cạnh chuyên môn thông thường của họ, cần làm quen với kỹ thuật hàng không, các hình thức mô phỏng chuyến bay không gian, công việc hỗ trợ điều khiển chuyến bay, liên lạc hàng không và không gian, và việc xây dựng quy trình.

Nhiều người trong số chúng tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực y khoa nơi hoang dã, y khoa lặn biển hay các nhiệm vụ quốc tế. Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng vai trò của mình mang tính chất hỗ trợ và rằng hầu hết công việc của chúng tôi được thực hiện bên ngoài bệnh viện hay phòng khám, thay vào đó là tại nơi mà bệnh nhân chúng tôi làm việc. Và trên tất cả, sự quan tâm sâu sắc với không gian và ước muốn làm việc tại những dự án quốc tế để hợp tác và khám phá tất cả vì con người là lý do hầu hết chúng tôi có mặt ở đây.

KTSG Online: Vào tháng 5-2007, ông trở thành một thủy phi hành gia (aquanaut) thông qua việc tham gia vào dự án NEEMO12 với nhiệm vụ nghiên cứu và khám phá trong phòng thí nghiệm dưới biển duy nhất của thế giới là Aquarius. Ông có kinh nghiệm đặc biệt nào để chia sẻ từ nhiệm vụ đặc biệt này? Chúng giúp ích thế nào đối với y học và việc mở rộng hiểu biết về sức khỏe con người?

– Trở thành một thủy phi hành gia đã thay đổi cuộc đời tôi. Cùng đồng đội tham gia vào môi trường khắc nghiệt đó, học cách lặn biển bằng bình dưỡng khí và lặn cho đến khi bão hòa (oxy), thực hiện các thí nghiệm và huấn luyện y khoa bên trong và bên ngoài “thủy cung”, và thiết kế thiết bị không gian mới bằng cách kiểm nghiệm trước tiên trong đại dương, như nhiều người đã nói, đó là chuyến bay không gian đầu tiên của họ mà không đi vào không gian. Nhìn ngắm và sống giữa các sinh vật sống khác như cá, cá mập và san hô trong suốt 12 ngày mà không cần trồi lên mặt nước là điều phi thường. Việc học hỏi để phục vụ con người trong môi trường cực đoan này rất giống với việc học hỏi trong các chuyến bay vào không gian. Khả năng nghiên cứu trái đất từ địa điểm đó theo tôi là cực kỳ có giá trị.

KTSG Online: Chúng tôi được biết ông cũng là người đầu tiên được phóng chiếu ảnh toàn ký (tạm dịch từ holoported – ảnh không gian ba chiều được phóng chiếu, giúp tương tác như với người thật) từ trái đất lên trạm không gian ISS. Có những điều thú vị nào từ trải nghiệm khoa học này?

– Việc phóng chiếu ảnh toàn ký vào không gian là một khám phá mới của con người. Đây là kỹ thuật chuyển tải phim ảnh ba chiều và âm thanh từ một địa điểm này đến địa điểm kia. Chúng tôi sử dụng một máy ảnh cảm biến ngoại vi thu chuyển động (một máy ảnh web có thiết bị quét LIDAR để tạo ra hình ảnh ba chiều) để quay lại hình ảnh 3D thực của tôi, còn phi hành gia thì mang một kiếng Holo có hiển thị qua màn hình. Hình ảnh của tôi được chuyển tải nên các phi hành gia có thể nhìn thấy tôi “nổi lên” ngay giữa trung tâm trạm không gian, có thể thấy và nghe tôi nói theo ba chiều.

Phóng chiếu ảnh toàn ký còn khá mới, được phát triển vào khoảng năm 2016. Tuy nhiên, nhóm chúng tôi là những người đầu tiên được phóng chiếu từ trái đất lên không gian! Để con người có thể gặp nhau tức thời trên không gian, một số người phải ngồi trên tên lửa đẩy và những người khác “được phóng chiếu vào quỹ đạo” để có thể hiện diện trên trạm không gian và có thể tương tác giống như chúng tôi thật sự ở đó, và đó là cách thức mới của giao tiếp và hiện diện từ xa. Chúng tôi cũng “phóng” một thành viên đội bay từ quỹ đạo xuống theo cùng một cách. Trong trường hợp này, phi hành gia cũng bồng bềnh trước mắt tôi tại trung tâm điều khiển chuyến bay. Tôi có cảm tưởng mình đang nhìn thẳng vào tương lai. Chúng tôi đã chuyển hư cấu khoa học thành thực tiễn khoa học!

KTSG Online: Ông có nghĩ công nghệ này có thể áp dụng rộng rãi vào hoạt động y khoa xuyên biên giới trong tương lai gần không? Và có hiệu quả về mặt kinh tế không?

– Tôi tin rằng đây là một tương lai của điều trị từ xa. Hãy tưởng tượng bác sĩ của bạn có thể đến khám cho bạn ở bất cứ nơi nào có thể, và tương tác như họ đang ở ngay bên bạn. Hãy tưởng tượng bạn cần hội chẩn đặc biệt với các bác sĩ giỏi nhất trên thế giới và giống như tất cả ở cùng một nơi cho dù mỗi người ở một nơi riêng biệt. Nó mạnh mẽ hơn nhiều so với khám bệnh qua điện thoại hay video. Chúng ta có những kỹ thuật như phản hồi rung (haptics) và các hệ thống mới để bổ sung. Y khoa chỉ là một trong những lĩnh vực có thể áp dụng công nghệ này.

Cứ tưởng tượng bạn đang đối phó với chiếc xe máy hay ô-tô của mình và có được một kỹ thuật viên nhà máy ở bên cạnh cùng làm việc với mình. Hay một giáo viên giỏi của bạn cùng tham gia một dự án với bạn. Hay một đội ngũ từ các địa điểm khác nhau cùng làm chung một dự án và ở cùng nhau tại một nơi. Đây không phải là “Thực tế ảo” giới hạn trong một không gian video; đây là thực tế tăng cường nơi thế giới của bạn được mở rộng và trải dài đi từ trái đất và ngược lại. Và hiện nay, phóng chiếu ảnh toàn ký đang được phát triển không chỉ cho các thiết bị trùm đầu đắt tiền, vì nó cũng đã có trên iPhone và các thiết bị android, do vậy bất cứ ai có một chiếc điện thoại thông minh hiện nay đều có thể sử dụng công nghệ này. Hãy bước vào tương lai!

KTSG Online: Lĩnh vực STEM gần đây đã được thí điểm trong ngành giáo dục Việt Nam, nhất là ở cấp trung học, và được phản hồi tích cực. Ông nghĩ gì về giá trị của STEM trong việc chuẩn bị cho các tài năng trẻ hướng đến một ngành học chuyên sâu như y khoa?

– STEM được xem là bao gồm Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, nhưng tôi nghĩ nó cũng bao gồm Y học. Cơ thể con người là một hệ thống được thiết kế cực kỳ tốt gồm các hệ thống con, có một máy tính trung tâm, có các hệ thống dây dẫn và truyền tín hiệu, các quy trình hóa học, có động cơ, máy bơm, các van, biết quản lý năng lượng, rất linh hoạt và có thể tương tác với môi trường của mình. Nó có các thuật toán, tự tập hợp, tái tạo và tự sửa chữa. Nó đòi hỏi phải được bảo trì, có thể gặp trục trặc và cần sửa chữa. Hầu hết việc đào tạo STEM cho sinh viên có thể có liên quan trực tiếp đến y học. Thật vậy, những phát minh thú vị nhất trong y khoa xuất phát từ việc kết hợp giữa những chuyên gia STEM và các bác sĩ.

KTSG Online: Trong các cuộc thi tuyển vào đại học y khoa, các thí sinh phải có kiến thức nặng về lý thuyết với các môn toán, hóa học và sinh học, trong khi STEM lại liên quan nhiều hơn đến thực hành. Làm thế nào để dung hòa sự khác nhau này nơi các trường trung học và đại học để giúp sinh viên vừa có kiến thức tốt về lý thuyết và vừa có kỹ năng thực hành?

– Tôi nhớ phần lớn việc học STEM của mình là lý thuyết, chỉ có một phần thực hành. Kiến thức lý thuyết dĩ nhiên rất quan trọng vì nó giúp cho trí não biết cách tổ chức và tư duy cũng như làm cách nào áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Có lẽ phần đào tạo đáng nhớ nhất của tôi là ứng dụng thực hành, bởi vì việc học lý thuyết, giải phương trình hay cách giải quyết vấn đề sẽ dễ hơn và thú vị khi chúng ta có một dự án để áp dụng những công cụ đó. Tôi sẽ dễ nhớ hơn tất cả các lý thuyết đó khi tôi có một câu chuyện về việc làm cách nào sử dụng chúng, và việc áp dụng chúng là cực kỳ hiệu quả.

KTSG Online: Giới trẻ Việt Nam cần được chuẩn bị như thế nào về thể lực và trí lực cho các chiều kích khoa học mới, đặc biệt là khoa học không gian? Ông có gợi ý nào về cách thức cho các tài năng trẻ đạt được các đột phá, nhất là trong lĩnh vực y khoa?

– Hãy duy trì tính hiếu kỳ và óc quan sát hàng ngày vì bạn có thể nhận ra điều gì đó mà những người khác hoặc là đã bỏ quên, đã xem nhẹ hay chưa bao giờ thấy hoặc hiểu. Các căn bệnh mới, phương pháp điều trị, các công nghệ y khoa và giải phẫu ở quanh chúng ta, chúng ta chỉ cần phát hiện, học hỏi và mô tả chúng cho người khác. Kết hợp STEM và các chuyên ngành đào tạo khác với y học sẽ tạo ra các bước đột phá mới. Hãy tìm kiếm những người bạn không làm trong lĩnh vực y khoa để tìm hiểu những thách thức của họ, các công nghệ mới và cũ nơi họ, rồi bạn sẽ phát hiện ra là bạn có thể cùng làm việc để cải tiến và sáng tạo những cái mới.

KTSG Online: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.

Văn Thắng thực hiện

Văn Thắng thực hiện

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bau-troi-khong-con-la-gioi-han/