'Báu vật' bỏ quên trong… tủ lạnh tiết lộ vùng đất chưa từng biết của thế giới
Một tảng băng bị bỏ quên từ thời Chiến Tranh Lạnh hóa ra là báu vật dẫn đường đến khu rừng ma bí ẩn bị giấu kín dưới vùng băng giá gần Bắc Cực.
Nghiên cứu kéo dài 2 năm về một tảng băng lớn được trữ hơn nửa thế kỷ trong phòng thí nghiệm tại Đan Mạch đã hé lộ những chi tiết vô cùng bất ngờ về lịch sử Trái Đất.
Theo tiến sĩ Andrew Christ từ Đại học Vermont ở Burlington (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, "báu vật" này vốn là một lõi băng dài 3,4 mét được lấy lên từ độ sâu 1.368 mét bên dưới lớp băng vĩnh cửu của đảo Greenland gần cực Bắc Trái Đất.
Lõi băng nằm trong khuôn khổ Dự án Iceworm của quân đội Mỹ từ thời Chiến Tranh Lạnh, nhằm xây dựng căn cứ ở Greenland. Nhưng Iceworm đã thất bại, căn cứ bị bỏ hoang và lõi băng được đưa về Đại học Bang New York ở Buffalo (Mỹ), rồi Viện Niels Bohr ở Copenhagen (Đan Mạch) và… bỏ quên trong tủ lạnh của phòng thí nghiệm từ năm 1966 đến nay.
Cuộc nghiên cứu mới bắt đầu từ năm 2019 cho thấy điều hoàn toàn bất ngờ: lõi băng chứa những mảnh thực vật hóa thạch cổ đại, nguyên vẹn như mới được nhổ lên ngày hôm qua! Trước đây, người ta cho rằng Greenland đã giữ lớp băng vĩnh cửu dày dặn ít nhất 3 triệu năm, nhưng lõi băng lại cho thấy vào nhiều thời điểm trong suốt 1 triệu năm qua, đã từng có các cánh rừng xanh tươi phủ khắp miền Tây Bắc đảo băng này. Cánh rừng cuối cùng có thể chỉ vừa biến mất vài trăm ngàn năm trước.
Theo Live Science, các nhà khoa học đã xem xét các đồng của nhôm và berili trong lõi băng. Những chất này tích tụ trong các khoáng chất khi tiếp xúc với bức xạ lọc qua bầu khí quyển, từ đó giúp định tuổi đất và các hóa thạch thực vật hóa thạch.
Nghiên cứu vừa được công bố trên PNAS này cho rằng phát hiện nói trên còn như một lời cảnh báo: có thể trong tương lai gần, điều này lặp lại. Nhưng sự "tái xuất" của vùng đất xanh tươi loài người chưa từng biết đến này cũng đồng nghĩa với việc khối băng khổng lồ của Greenland tan chảy, có thể liên quan đến sự nóng nên toàn cầu và có thể làm ngập lụt nhiều vùng đất do nước biển dâng cao.