Bây giờ ai còn đọc sách?

Có một lần tôi hỏi một người bà con của tôi rằng, liệu anh có thời gian đọc sách không để tôi tặng cuốn sách mới của mình. Thẳng thắn và cũng hết sức bất ngờ, anh nói rằng thời gian uống bia anh còn không có, nói chi tới việc đọc sách.

Tôi không giận người họ hàng ấy vì ít nhất anh đã không giả dối. Nhưng đó là câu trả lời hết sức đáng buồn với tôi và có lẽ với cả một nền văn hóa đọc nói chung. Sách là sự lựa chọn ở hàng rất thấp sau rất nhiều những thứ khác. Thế thì bây giờ ai còn đọc sách, hay số người có niềm yêu thích ấy sắp tuyệt chủng đến nơi rồi?

Những người tôi muốn đến đầu tiên là các em thiếu nhi. Tôi khẳng định đây là số người đọc sách nhiều nhất hiện nay trong xã hội Việt. Các bậc cha mẹ mua rất nhiều cuốn truyện tranh, truyện cổ tích cho các em, những tác giả bán sách chạy nhất cũng là những người viết cho thiếu nhi như Nguyễn Nhật Ánh, J. K. Rowling...

Đối tượng thiếu nhi là những người đọc sách nhiều nhất. Những bộ truyện tranh, truyện phiêu lưu dài kì luôn đứng đầu danh sách lựa chọn về sách của các em nhỏ và thường chúng bán rất chạy. Vì sao các em thiếu nhi là những người đọc sách nhiều nhất? Vì các em có quỹ thời gian tự do nhiều. Sau thời gian học trên lớp, đọc sách là thú vui của nhiều em nhỏ và điều này thường được cha mẹ khuyến khích hơn là chơi games máy tính hay xem phim hoạt hình trên tivi. Như con gái nhỏ của tôi, dù chưa biết chữ nhưng mỗi lần mua sách, vợ tôi cũng mua hàng chục quyển truyện tranh, truyện cổ tích về đọc dần cho con nghe và bé rất thích thú với điều này.

Đó là những đối tượng được cha mẹ chủ động mua sách cho. Khi các em lớn hơn một chút, vào lứa tuổi cấp cấp 2, cấp 3, các em cũng chủ động mua những quyển sách có chủ đề phiêu lưu, kì ảo hoặc những rung động đầu đời để đọc.

Tôi cũng quan sát sự thay đổi gu đọc ở con gái lớn của mình, khi còn nhỏ cháu thích truyện tranh, truyện cổ tích, khi vào giai đoạn lớn hơn cháu thích sách trinh thám, sách về tình bạn mới lớn, tình yêu đầu đời, truyện thiếu nhi kiểu Nhật Bản... Và cũng thích mua trọn bộ những cuốn sách ấy để đọc cho thỏa. Một bạn viết bảo tôi rằng muốn trở thành tác giả best seller nhanh nhất thì hãy viết cho thiếu nhi hoặc tuổi mới lớn, đó là những người đọc sách nhiều nhất hiện nay và đó là sự thực.

Đối tượng đọc sách nhiều tiếp theo là những thiếu nữ chưa chồng. Tôi nói điều này không phải là suy luận vô căn cứ. Tôi thường xuyên đến phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ mua sách và đã có lần dành một buổi chỉ để quan sát những đối tượng đến mua sách. Nhiều nhất là những nữ sinh cấp 3, sinh viên đại học hoặc vừa tốt nghiệp đại học. Sách họ đọc chủ yếu là những tiểu thuyết tình yêu mà ta quen gọi là tiểu thuyết ngôn tình.

Tôi quan sát những người quen biết trong lứa tuổi này và thấy sở thích của họ là những cuốn sách dễ đọc về tình yêu, những sách giải trí nhẹ nhàng, sách dạy kĩ năng sống, dạy thành đạt... Nếu mọi người nghi ngờ nhận định của tôi, hãy đến một hội sách, phố sách nào đó và quan sát xem có đúng những thiếu nữ là những người đến mua và đọc sách nhiều nhất không? Tôi cũng quan sát trên trang facebook cá nhân của mình - nơi tôi gần như chỉ để giới thiệu sách thì thấy những người quan tâm, bình luận nhiều nhất về sách là các thiếu nữ, các cô gái chưa chồng...

Một đối tượng đọc sách quan trọng tiếp theo là những người đọc sách phục vụ nhu cầu công việc của mình. Đối tượng này ít hơn những đối tượng kể trên nhưng là những người đọc trung thành và bền vững. Sách họ quan tâm là những cuốn sách chuyên đề có độ khó, độ sâu nhất định, đọc sách là một nhu cầu bắt buộc cho công việc chuyên môn. Những người này có thể kể đến các bác sĩ, kĩ sư, những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nhà văn, nhà phê bình... Ta dễ dàng thấy những giá sách cao ngất trong gia đình những người này và những sách có hàm lượng tri thức cao, chuyên biệt luôn là những cuốn được ưa thích nhất. Sách trở thành một phần công cụ cho công việc và mưu sinh hằng ngày của một số đối tượng nhất định, chủ yếu là giới trí thức.

Nhưng đối tượng quan trọng nhất của đọc sách là những người yêu thích sách thực sự, bất kể nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính. Những người này có thể là những cô cậu yêu đọc sách từ bé, xuyên suốt tuổi thanh niên và đến khi đi làm. Tôi nói thế vì muốn nhấn mạnh rằng, những em bé thích đọc sách từ tuổi ấu thơ, các thiếu nữ ham đọc sách sẽ rơi rụng dần theo năm tháng.

Hồi bé họ thích đọc sách nhưng lớn lên không thích nữa hoặc khi đi làm, công việc bận rộn, không có thời gian đọc sách, phát sinh các sở thích mới hoặc việc uống bia, tụ bạ bạn bè quan trọng hơn. Những thiếu nữ khi có chồng, có con, hiếm người còn duy trì được thói quen đọc sách lúc thiếu thời. Vẫn từ những quan sát tôi thu được khi đến các hiệu sách, hội chợ sách, khảo sát ở phố sách: ở độ tuổi 15 - 30 có rất nhiều phụ nữ đến mua sách nhưng bước qua tuổi đó, bóng dáng phụ nữ xuất hiện trong các hiệu sách ngày càng ít dần, thay vào đó là những đàn ông tuổi trung niên. Phụ nữ đã đi làm nếu có mua sách, họ thường mua cho con mình đọc. Nhưng những người yêu sách thực sự thì bất chấp tuổi tác, nghề nghiệp, đọc sách là thói quen, là nhu cầu và đây chính đối tượng quan trọng nhất, trung thành nhất của việc đọc.

Thời gian dù có bận rộn thế nào họ cũng có thể sắp xếp được một khoảng hợp lí để đọc. Tôi có một người bạn làm nghề sửa chữa điện tử, anh rất bận rộn nhưng ham đọc sách. Tôi hỏi anh lịch kín thế thì đọc sách vào lúc nào, anh trả lời vì cả ngày làm việc, anh thức dậy vào lúc sáng sớm để đọc sách. Tiếc thay, những người ham đọc sách thực sự ngày càng hiếm đi nhưng nếu ta thấy họ, ta rất dễ nhận ra: trong nhà những người ấy luôn có một tủ sách lớn; đi tàu xe, đi công tác luôn mang theo một vài cuốn sách để tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chờ đợi tàu xe mang ra đọc.

Một đối tượng đặc biệt yêu quý sách nữa là những người sưu tầm, những người chơi sách. Những người này tuy ít nhưng thường là những fan hâm mộ đặc biệt với sách. Các bản sách cổ, sách quý hiếm, sách được in với phiên bản có giới hạn hoặc có dấu ấn đặc biệt, thủ bút của tác giả luôn được săn đón hoặc sẵn sàng trả giá cao để sở hữu.

Chơi sách, sưu tầm sách dần dần trở thành một thú chơi phổ biến như người ta sưu tập tem, sưu tập đồ cổ và theo quan sát của tôi, số những người này đang dần tăng lên, bằng chứng là các bản sách đặc biệt của các nhà xuất bản được đầu tư về giấy in ấn, bìa đẹp, kĩ thuật tinh xảo đều bán khá chạy với giá thành cao.

Tôi muốn nhận xét thêm về giới tính những người đọc sách. Ở tuổi rất nhỏ và thanh thiếu niên dường như các em gái thích đọc sách hơn các em trai. Tôi thấy điều này từ việc quan sát những người xung quanh mình.

Ngồi yên một chỗ đọc sách dường như là thói quen dễ dàng hơn với các em gái nếu so với các em trai. Đá bóng, chơi games, các trò chơi thiên về vận động được các em trai ưa thích hơn. Các thiếu nữ với một cuốn tiểu thuyết thời thượng có lẽ là hình ảnh dễ nhìn thấy hơn so với các bạn trai đồng lứa. Nhưng khi có gia đình, những cô gái này đã trở thành phụ nữ bận rộn với thiên chức làm vợ, làm mẹ, cộng với công việc kiếm sống, dường như họ còn rất ít thời gian dành cho việc đọc.

Ở giai đoạn này thì đàn ông, có lẽ cũng do đặc tính về giới cũng như truyền thống Á Đông, họ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Ta thường nghe các bà vợ phàn nàn rằng, trong lúc vợ bận cho con bú, nấu ăn thì ông chồng vẫn có thể bình thản ngồi xem tivi, đọc sách...

Tất nhiên đọc sách không phải là nhu cầu quá thiết yếu như ăn cơm uống nước, nhiều người ít đọc sách họ vẫn có một cuộc sống thành đạt và hạnh phúc, nhưng rõ ràng nếu tạo được một thói quen đọc sách và yêu thích đọc sách, nó mang lại những lợi ích không nhỏ. Ngoài việc mang lại nguồn tri thức rất lớn mà ai cũng biết, đọc sách còn khiến cho con người tĩnh tâm, yên bình hơn. Khi gặp những trở ngại trong cuộc sống, công việc, thiếu một nguồn an ủi, chia sẻ tin cậy thì tôi tin rằng đọc một cuốn sách thú vị sẽ làm cho tâm hồn dịu bớt đi rất nhiều.

Ở điểm này, sách khá giống với âm nhạc khi cùng có tác dụng hỗ trợ, nâng đỡ cảm xúc con người, là người bạn trung thành và tin cậy. Còn với những đối tượng là các em nhỏ, rõ ràng đọc sách là một sở thích an toàn và cần thiết, nhất là với trẻ em thành phố thiếu không gian chơi và có nhiều cám dỗ nguy hiểm. Nếu so sánh với các loại hình giải trí khác dành cho thiếu nhi, rõ ràng đọc sách có những ưu điểm nổi bật và có giá trị như tính an toàn, hữu dụng, chi phí phù hợp, thực hành tiện lợi...

Tất nhiên văn hóa đọc không chỉ xoay quanh việc đọc sách mà có thể mở rộng ra những biên độ lớn hơn của nó. Đó là việc tạo ra các cuốn sách hay, có giá trị và đẹp đẽ. Đó là những cuốn sách thân thiện với môi trường, giá cả hợp lí và phát hành rộng rãi đến mọi đối tượng theo nhu cầu. Khi bản thân cuốn sách có sức hút lớn và phù hợp thì mọi người sẽ tìm đến. Đó cũng là sự khuyến khích và thúc đẩy văn hóa đọc bền bỉ, lâu dài từ khi đứa trẻ biết cảm nhận và suy nghĩ cho đến suốt hành trình sống và lao động của mình. Một xã hội thích đọc sách, yêu tri thức sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của mỗi cá nhân và cả cộng đồng rộng lớn.

Uông Triều

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/bay-gio-ai-con-doc-sach-562247/