Bẫy lừa đảo với người Mexico di cư đến Mỹ
Những người di cư Mỹ Latinh thực hiện hành trình gian khổ đến Mỹ thường trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo…
Qua mạng xã hội, Mercedes Perez đã liên lạc với Jaime Diaz Marquez, người tự xưng nhân viên của một tổ chức tôn giáo Mỹ và hứa sẽ xin tị nạn chính trị tại Mỹ cho cô và 14 người thân. Pérez cho biết, Diaz Marquez đã yêu cầu 55 USD cho mỗi người để đổi lấy việc xử lý tạm tha, giấy phép tạm thời vì lý do nhân đạo khẩn cấp để người di cư được ở lại Mỹ ít nhất 1 năm mà không cần thị thực.
Liên lạc trực tiếp trên Facebook, Diaz Marquez đảm bảo với gia đình Mercedes Perez rằng họ sẽ có thể lấy giấy tờ và qua biên giới hợp pháp vào ngày 9-12-2022. Sau đó, anh đã xóa thông tin liên quan. Mercedes cho biết, cô đã mất 770 USD và không nhận lại được gì. Cô đã báo cáo hành vi gian lận và được hướng dẫn nộp đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương. Cuối cùng, cô không muốn làm như vậy vì sợ bị trả thù. Theo các chuyên gia, những người di cư là nạn nhân lừa đảo hiếm khi báo cáo gian lận vì sợ bị trục xuất hoặc gây nguy hiểm cho việc nhập cảnh vào Mỹ.
Evelyn Reyes, một người gốc Mexico cho biết, chồng cô đã trả khoảng 2.000 USD và gửi hộ chiếu của anh cho một người tên Alberto khi quen biết qua Facebook. Số tiền được cho là chi phí cho vé máy bay khứ hồi và thị thực sẽ được chuyển đến cho chồng Evelyn Reyes ở thành phố Mexico. Nhưng nạn nhân đã bị mất cả tiền và hộ chiếu.
Ông Jorge Gallo, nhân viên báo chí khu vực của Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc nói rằng, nhiều người di cư “mắc những khoản nợ khổng lồ để có thể trả cho dịch vụ của những siêu lừa, thậm chí họ còn mất tất cả”, ông Gallo đề cập đến trường hợp người di cư bị bỏ rơi ở cửa khẩu biên giới, khiến họ gặp nguy hiểm và thậm chí đe dọa mạng sống.
Chưa hết, đối tượng lừa đảo còn có cả những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cung cấp dịch vụ pháp lý về nhập cư. Trong số này, Dario Andres - với 500.000 người theo dõi trên mạng xã hội - đã quảng cáo các dịch vụ của mình trên TikTok và Instagram. Trên trang cá nhân Instagram, Dario Andres giới thiệu hợp tác với anh ta là luật sư đối tác Jose Rafael Roman Argote, chuyên về dịch vụ nhập cư ở Florida. Nhưng tìm kiếm trong số 50 Hiệp hội Luật sư trên khắp nước Mỹ, không ai có tên như vậy cả.
Những cá nhân lừa đảo trực tuyến này chia sẻ thông tin về thủ tục nhập cư để làm mồi nhử cho những người theo dõi, nhưng những thông tin đó thậm chí còn sai lệch, bởi các chính sách của Mỹ thay đổi thường xuyên. Ví dụ, Tiêu đề 42, sắc lệnh từ chối tị nạn với lý do ngăn chặn sự lây lan của đại dịch kết thúc vào ngày 11-5, nhưng được áp dụng không đồng đều. Chính quyền Mỹ hiện có một hệ thống chọn lọc những người đủ điều kiện nhập cư nhưng đôi khi tiêu chí lựa chọn của họ khá mơ hồ. Sau Tiêu đề 42, các cách chính để vào Mỹ là thông qua một ứng dụng di động có tên CBP One, dựa trên chọn ngẫu nhiên 1.250 suất mỗi ngày tại các điểm biên giới với Mexico và tạm tha cho tối đa 30.000 người Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela mỗi tháng.
Hầu hết những kẻ mạo danh lợi dụng nhiều khúc mắc trong chính sách nhập cư của Mỹ lừa người di cư trả tiền để được tư vấn pháp lý, xin thị thực lao động, xin tị nạn chính trị hoặc các cách khác để vượt qua biên giới Mỹ-Mexico. Laura Ortiz, gốc El Salvador, nói rằng cô và những người khác đã trả 2.500 USD cho một luật sư để được tổ chức vượt biên an toàn. Trên thực tế, cô ấy chỉ cần liên hệ với cơ quan nhập cư Mexico. “Họ đã lấy tiền của chúng tôi và chặn luôn WhatsApp”, Ortiz nói cô không trình báo vụ lừa đảo vì sợ bị bỏ tù và trục xuất.
Khoảng 1/4 người di cư được khảo sát vào đầu tháng 6 này cho biết, họ nhận được tin nhắn cung cấp dịch vụ nhập cư và việc làm, chủ yếu qua Facebook và WhatsApp. 2/3 trong số 210 người được khảo sát cho biết họ trở thành nạn nhân của một số hình thức gian lận hoặc thông tin sai lệch. Người di cư có thể mất từ 1 USD đến 20.000 USD mỗi người trong các vụ lừa đảo. Có người đã chi 1.500 USD cho một mẫu đơn hóa ra là giả.
Theo (Theo AP)
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bay-lua-dao-voi-nguoi-mexico-di-cu-den-my-post544340.antd