Bảy Núi đón mùa mưa

Khi những cơn mưa đầu đánh thức sức sống của muôn loài ở vùng Bảy Núi, cũng là lúc người dân miệt bán sơn dã bước vào vụ canh tác nhộn nhịp nhất trong năm.

Nhanh tay dọn mấy đám cỏ bờ giữa trời trưa nắng đổ, ông Chau Pong (ngụ xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên) không giấu được sự vất vả với gương mặt đẫm mồ hôi. Tuy nhiên, ông khá thoải mái, bởi biết rằng sắp bước vào thời điểm đất Bảy Núi “trả công” cho người. “Ở vùng này, chỉ khu vực có thủy lợi thì người ta mới trồng cấy quanh năm. Chứ như đất của tui, chủ yếu nhờ “nước trời” để trồng cây đậu, cây bắp tăng thu nhập. Cha ông mấy đời đều thế, tới tui vẫn gắn bó với vùng đất khô cằn. Nếu siêng năng, cũng có thêm nguồn thu trang trải trong nhà” - ông Chau Pong thật tình.

Theo cái chỉ tay của ông, rẫy đậu xanh chừng nửa tháng tuổi đang căng mình dưới nắng, tương phản với màu cát trắng xung quanh. Đó là công sức cày cuốc của ông, đánh thức mặt đất im thin thít trong mùa nắng hạn. Năm nay mưa sớm vài đám, rồi tới đợt nắng hạn kéo dài, nên ông phơi đất hơi lâu. Cuối tháng 4, trời mưa dày hơn, đất đủ mát để ủ hạt giống lên cây. Những chồi đậu vươn mình giữa đất trời oi ả, mang theo niềm hy vọng của nông dân Khmer này cho những ngày sắp tới. Ông nhẩm tính: “Nếu trời mưa thêm vài đám nữa, đậu sẽ lớn nhanh. Lúc ấy, tui sạ thêm ít phân, gắng công chăm sóc hơn tháng nữa là thu hoạch trái. Năm nay, tui ráng kiếm 3 vụ rẫy trong mùa mưa. Ông bà xưa cũng nhờ “nước trời” mà trồng cấy, tới mình phải ráng siêng năng. Nếu mình chịu khó, đất không phụ mình!”.

Tất bật cho mùa vụ mới

Tất bật cho mùa vụ mới

Trong đôi mắt nhăn nheo vì nắng gió của Chau Pong, tôi biết ông kỳ vọng rất nhiều vào mùa mưa năm nay. Từ ngày trai trẻ, ông đã vác cuốc ra đồng, sống với đất, với trời, với mùa mưa đến rồi đi trên mặt cát trắng tinh này. Cũng không nhớ qua bao nhiêu tháng ngày, ông lão Chau Pong vẫn gắn bó với mạch đất Bảy Núi. Bây giờ, các con ông đều “đi công ty”, có đồng lương ổn định, nên ông nhẹ lòng lo. Hiện giờ, ông chỉ lo canh tác ruộng rẫy nuôi sống đôi vợ chồng già. Chau Pong bật mí, ông vẫn còn mấy công ruộng nhờ có trạm bơm 3/2 cấp nước, nên canh tác quanh năm, nhờ đó mà chẳng thiếu cái ăn.

Rất nhiều nông dân có đất canh tác ở vùng cao tại Bảy Núi đều phải sống với mùa mưa. Tháng nắng, vùng này khô khốc, đồi núi, cỏ cây xám xịt một màu. Tháng mưa, Bảy Núi xanh um với những vườn rẫy trên đồi cao, hay sắc vàng óng ả của những cánh lúa mùa trên đến kỳ thu hoạch. Dọc theo Đường tỉnh 949 từ xã An Cư, xã An Hảo (TX. Tịnh Biên) về đến xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn), hầu hết mặt ruộng, mặt rẫy đã cày xới xong, chỉ chờ mưa xuống là gieo hạt. Một vài ô rẫy trữ được nước giờ đã xanh màu lá. Dù vất vả, cần lao, nhưng ai cũng phấn khởi, bởi họ biết đã bước vào thời khắc có được nguồn thu.

Anh Trần Văn Bình (người dân ấp Tà Lọt, xã An Hảo) cho hay: “Tùy vị trí đất hay nguồn nước, người ta chọn thời điểm canh tác phù hợp. Nếu đất có hồ trữ nước, thì cứ xuống giống quanh năm. Nếu đất ở cao, họ chỉ trồng 2 - 3 vụ rẫy trong mùa mưa. Ở những vùng đất thấp, người ta trồng cả lúa nên có nguồn thu khá. Vùng Tà Lọt là điển hình cho chuyện canh tác theo mùa. Thời điểm này, nông dân chỉ mới làm đất. Chừng tháng nữa, quay lại đây sẽ thấy rẫy bắp, rẫy đậu xanh um. Cả loài rau lá, ăn trái như dưa leo, khổ qua cũng góp mặt, không thiếu thứ nào hết!”.

Theo nông dân này, thung lũng Tà Lọt đón nguồn nước mưa từ núi Cấm, núi Dài chảy xuống, nên có thể xem là “thủ phủ” của cây màu ở vùng Bảy Núi. Hiện nay, vùng này được đầu tư cơ sở hạ tầng ổn định, đang từng ngày phát triển. “Trước kia thiếu điện, thiếu nước, người ta còn sống được. Bây giờ, đời sống tiện nghi hơn, phương tiện làm rẫy đầy đủ hơn nên ai cũng ráng canh tác để vươn lên. Gia đình tui không dư dả, nhưng không lo đói. Làm rẫy thì cực, chứ dân trồng vườn trên triền dốc và cận chân núi thì mùa này khấm khá hơn” - anh Bình chia sẻ.

Theo hướng tay chỉ của anh, tôi nhận ra trên triền dốc xa xa là những vườn xoài, mãng cầu ta, dâu, chuối... trập trùng trong tầm mắt. Có nước, đất dưới chân đủ sức ấp ủ, nuôi dưỡng cây cối tốt tươi và dâng cho đời vụ trái sum xuê. Bởi thế, khu vực Tà Lọt vào mùa mưa nhộn nhịp hẳn lên, xe cộ vào tận vườn chở trái cây, rau màu đi tiêu thụ khắp các chợ trong vùng.

“Chúng tôi chỉ mong trái cây, rau màu có đầu ra ổn định, để đời sống người dân khấm khá. Hiện nay, Đường tỉnh 949 đang hoàn thành, giúp việc sản xuất, mua bán nông sản của người dân càng nhộn nhịp. Hy vọng, vùng Tà Lọt sẽ tiếp tục được chính quyền các cấp đầu tư khang trang, đầy đủ, để đời sống người dân ở đây ngày càng khởi sắc” - anh Trần Văn Bình mong mỏi.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bay-nui-don-mua-mua-a420660.html