Bảy Núi rộn ràng mùa cốm dẹp
Có những món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số tuy bình dị, nhưng luôn được khách phương xa hết lời khen ngợi. Là món ăn truyền thống của đồng bào Khmer, cốm dẹp đã trở thành nỗi nhớ của những ai sinh ra và lớn lên ở vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang).
Rộn rã mùa cốm dẹp
Riêng các phum, sóc vùng Bảy Núi, cốm dẹp lại có ý nghĩa rất đặc biệt, không chỉ phản ánh tập quán sản xuất, mà còn là nét văn hóa đặc sắc qua các lễ hội. Nếu như trước đây, đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) thường tập trung giã cốm dẹp từ tháng 8 đến tháng 10, chủ yếu để phục vụ lễ hội Oóc Om Bóc truyền thống, thì bây giờ, cốm dẹp được giã quanh năm, vừa đưa đi tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
Thời điểm gần mùa lễ hội Oóc Om Bóc, làng cốm dẹp Tà Păng S’leng, ở ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn lại rộn rã với tiếng chày gõ nhịp. Tờ mờ sáng, các bà, các mẹ đã trở dậy giã nếp cho đến khi mặt trời đứng bóng. Có khi phải giã liên tục cả ngày bởi lượng khách đặt hàng khá nhiều.
Ông Chau Sóc Sane, Tổ trưởng Tổ sản xuất cốm dẹp Ô Lâm cho biết: “Khách hàng đến từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Có khi khách hàng ở tận Campuchia cũng xuống đặt hàng nên “xóm cốm dẹp” cứ vọng mãi tiếng chày giã nếp. Những hạt nếp no tròn được rang qua lửa rồi cho vào cối giã dẹp bốc mùi thơm phức. Ở vùng này có 2 giống nếp được dùng để làm cốm là nếp lá xanh và nếp Chhon-hô. Trong đó, nếp Chhon-hô được nhiều người biết đến hơn bởi mùi thơm ngào ngạt và hương vị độc đáo”.
“Có 2 cách ăn cốm dẹp. Có người để nguyên hạt nếp vừa giã xong ăn với chuối. Có người thích trộn với đường thốt nốt và cơm dừa nạo sẵn. Dù ăn bằng cách nào, cốm dẹp cũng có hương vị thơm ngon đặc trưng, mang đến cho thực khách những trải nghiệm mới lạ về phong cách ẩm thực vùng Bảy Núi” - Ông Chau Sóc Sane nói.
Về Bảy Núi những ngày này, không khí mùa cốm dẹp đã hiện hữu qua những chiếc cối giã nếp để ngoài sân hay những chiếc nồi đất được mang ra sau mấy tháng ngủ vùi trong gian bếp và giã hoàn toàn thủ công.
Đến làng cốm dẹp ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, ông Chau Phone chia sẻ: “Để làm được loại cốm dẹp ngon thuần khiết, bà con Khmer vùng Bảy Núi chọn loại nếp vừa đỏ đuôi, chưa chín rộ, hạt còn mềm để đem giã. Để chủ động được nguồn nguyên liệu cho mùa lễ hội Oóc Om Bóc, một số hộ Khmer sống dọc theo chân núi Cô Tô và núi Dài dành một phần diện tích ruộng trên luân canh trồng nếp. Do vậy, vào bất cứ thời điểm nào cũng có nếp tươi để giã cốm dẹp, cho ra những mẻ cốm thơm dẻo, mang mùi vị quê hương. Trước tiên, nếp được cho vào nồi đất để rang chín. Khi nếp nổ lách tách trong nồi, người ta đổ vào cối rồi dùng chày giã cho dẹp hẳn. Sau đó, các mẹ, các chị lại phải sàng sảy cho sạch vỏ, sạch bụi...”.
Đặc sản của vùng Bảy Núi
Là món ăn đặc sản nên cốm dẹp hiện diện khắp vùng Bảy Núi. Có khi cốm được bày bán tại các quầy hàng ngoài chợ, lúc lại theo quang gánh của các chị, các mẹ kĩu kịt 2 đầu gánh khắp những nẻo đường.
Năm 2013, phum Tà Păng S’leng, ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, có 12 hộ tham gia làm du lịch tại nhà; riêng gia đình ông Chau Sóc Sane được dự án “Du lịch nông dân An Giang” hỗ trợ 20 triệu đồng để “đảm đương” nghề cốm dẹp truyền thống.
Chị Neáng Sa Rết, ở ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm chia sẻ: “Mỗi năm, tui chỉ làm cốm được 4 tháng nên nguồn thu không ổn định, buộc tui phải kiếm thêm nghề khác mưu sinh. Vì đây là nghề của cha ông để lại nên tui ráng giữ. Nếu mình siêng năng thì cốm dẹp mang đến nguồn thu cho gia đình. Nhờ mấy năm gần đây tham gia làm du lịch tại nhà, khách du lịch tới tham quan, mua cốm dẹp nên tui cũng có thêm thu nhập. Nay có thêm nhiều người biết, gia đình bán cốm dẹp với số lượng nhiều hơn. Rồi mấy đứa cháu xung quanh cũng tham gia phụ, kiếm thêm thu nhập. Coi như cộng hưởng từ dự án, lợi ích không chỉ cá nhân, mà mang lại cho cả phum, sóc nên ai nấy đều vui vẻ”.
Bà Neáng Sâm Pô, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tri Tôn cho biết: “Hằng năm, vào mùa lễ hội Oóc Om Bóc, huyện Tri Tôn kết hợp các chùa Khmer cùng tổ chức “Đêm hội cúng trăng” với nhiều hoạt động như: Đẩy gậy, kéo co, múa hát ngoài trời... và thi giã cốm dẹp. Mục đích chính là giúp đồng bào gìn giữ tập quán sản xuất và nghề truyền thống của phum, sóc. Bởi, hướng phát triển tốt nhất cho một loại đặc sản chính là gắn liền với du lịch, được nhiều người biết đến và xuất hiện nhiều hơn trên bản đồ du lịch; để tiếng chày giã cốm sẽ còn vang vọng trong những ngày tháng sau này”.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bay-nui-ron-rang-mua-com-dep-post434805.html