Bay quốc tế phục hồi mạnh, trừ 2 thị trường
Sản lượng hành khách thông qua các sân bay trên cả nước trong 9 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ năm trước
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng hành khách thông qua các sân bay 9 tháng đầu năm là 89 triệu khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt 23,7 triệu khách, tăng 266,8% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 65,2 triệu khách, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các Cảng hàng không là 887,5 ngàn tấn, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: quốc tế: 637 ngàn tấn, giảm 24,0% so với cùng kỳ năm 2022; nội địa: 250,4 ngàn tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với thị trường trong nước, 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 67 đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng với 19 sân bay địa phương khác với trên 650 chuyến bay mỗi ngày.
Ngoài việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như Cần Thơ - Vân Đồn, Hà Nội - Cà Mau.
Đối với thị trường vận chuyển hàng không quốc tế, hiện đang tiếp tục duy trì đà phục hồi đối với phần lớn các thị trường truyền thống (ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Nga) và sự góp mặt của một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến Ấn Độ và Úc.
Đánh giá du lịch bằng đường hàng không đang có tốc độ phục hồi đáng kể vào năm 2023 nhưng tình hình ở châu Á-Thái Bình Dương chưa được khả quan, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà chỉ ra nguyên nhân là do lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, chuỗi cung ứng gián đoạn, nhu cầu hàng xuất khẩu bị suy giảm và chính sách mở cửa biên giới muộn của Trung Quốc khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong khu vực phục hồi chậm và không ổn định.
Đến nay, lượng khách quốc tế đến và đi từ Việt Nam phục hồi 80% nhưng mức phục hồi trong nội vùng chưa đến 75%.
Hiện tại, có 64 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với trên 169 đường bay quốc tế kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và châu Phi tới các điểm của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế. Trong đó, 10 thị trường quốc tế có số khách quốc tế vận chuyển nhiều nhất đến Việt Nam gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Úc và Ấn Độ.
Vietnam Airlines cho biết hãng tiếp tục tăng tần suất trên nhiều đường bay tới Châu Âu, Úc và Trung Quốc, qua đó khôi phục gần 90% tần suất mạng bay quốc tế.
Cụ thể, từ ngày 23-9, Vietnam Airlines tăng tần suất đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh từ 3 chuyến lên 4 chuyến/tuần vào các ngày thứ 3, thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật. Bên cạnh đó, các đường bay giữa Hà Nội, TP HCM và Quảng Châu, Thượng Hải vẫn đang được hãng khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày.
Tiếp đó, từ ngày 29-10, Vietnam Airlines sẽ tăng tần suất đồng loạt trên nhiều đường bay đến Úc và châu Âu.
Số lượng chuyến bay giữa Hà Nội và Melbourne được tăng từ 2 lên 3 chuyến/tuần vào các ngày thứ 3, thứ 5 và Chủ Nhật. Đồng thời, hãng mở mới đường bay thẳng TP HCM - Perth từ ngày 7-12-2023 với 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần.
Đường bay đi Anh sẽ tăng từ 5 lên 7 chuyến/tuần, xuất phát từ Hà Nội và TP HCM; trong đó 4 chuyến bay xuất phát từ Hà Nội vào các ngày thứ 3, thứ 4, thứ 6, chủ nhật và 3 chuyến bay xuất phát từ TP HCM vào các ngày thứ 2, thứ 5 và thứ 7.
Ngoài ra, đường bay đi Đức cũng tăng tần suất từ 6 lên 7 chuyến/tuần với các chuyến bay xuất phát từ Hà Nội vào tất cả các ngày trong tuần. Đường bay từ TP HCM đi Pháp tăng từ 3 lên 4 chuyến/tuần vào các ngày thứ 2, thứ 3, thứ 5 và thứ 7.
Tất cả các chuyến bay trên đều được khai thác bằng dòng máy bay thân rộng hiện đại Airbus A350 và Boeing 787