Bảy tỉnh Bắc Bộ và 33 huyện ở Bắc Trung bộ có nguy cơ ngập úng

Mưa lớn sẽ gây ra một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 m đến 4 m tại các sông ở Bắc Bộ. Với kịch bản mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đưa ra, sẽ có 7 tỉnh Bắc Bộ và 33 huyện ở Bắc Trung Bộ có nguy cơ ngập úng cục bộ.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi sát dự báo bão số 7 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi sát dự báo bão số 7 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chiều 8/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) họp với 9 tỉnh dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 7.

Tại cuộc họp, đại diện trực ban của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã thông tin, dự báo diễn biến của bão số 7 và tình hình mưa lũ do bão gây ra, đồng thời cho biết, đến chiều nay, các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng của bão đã kiểm đếm, hướng dẫn được cho 59.106 tàu cá với 263.051 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Các tỉnh cũng đã thành lập tổ phối hợp liên ngành để hướng dẫn, xử lý công tác neo đậu tại bến và phòng chống dịch COVID-19.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 17h hôm nay, Trung tâm đã phát tin bão khẩn cấp. Dự báo đến đầu giờ chiều 9/10, bão sẽ hướng về đảo Hải Nam. Vào khoảng chiều tối 9/10, sẽ có không khí lạnh ở phía bắc, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên bão có thể giảm cấp.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra một đợt mưa lớn, xuất hiện lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m tại các sông ở Bắc Bộ. Với kịch bản Trung tâm đưa ra, sẽ có 7 tỉnh Bắc Bộ và 33 huyện ở Bắc Trung bộ có nguy cơ ngập úng cục bộ.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tuy tỉnh Thanh Hóa có số lượng tàu thuyền lớn nhưng đến nay đã liên lạc được với 100% tàu thuyền. Hiện đã có 6.146 tàu vào bờ, còn 527 chiếc ngoài khơi nhưng đều đã nhận được thông tin để chủ động di chuyển phòng tránh. Tỉnh Thanh Hóa cũng là địa phương có số lượng hồ, đập lớn thứ 2 cả nước, hiện 370 hồ đã đầy nước, tỉnh cũng đã chuẩn bị các phương án để triển khai ứng phó trên thực địa.

Tuy chuẩn bị rất kỹ càng nhưng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng băn khoăn: “Theo dự báo hiện nay thì Thanh Hóa sẽ là tâm bão. Hiện có 437.000 người dân của 110.000 hộ đang sống tại khu vực cửa sông, ven biển (khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng). Chúng tôi đã thống nhất nếu vùng nào di dời thì mới thực hiện xét nghiệm COVID-19 và di dân tập trung, những vùng dự kiến ít chịu ảnh hưởng thì sẽ cố gắng trao đổi và phối hợp với người dân để bám trụ lại”.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, hiện địa phương này đã thu hoạch hơn 3000 ha lúa mùa với chủ trương “xanh nhà hơn già đồng”. Ông Sơn cho biết thêm: “Tối nay, lực lượng biên phòng sẽ bắn pháo hiệu, thông báo cho tàu du lịch và lồng bè trên biển để cảnh báo tình hình bão. Chúng tôi cũng đã rà soát các khu vực nguy cơ, kè yếu, đặc biệt là chỉ đạo ngành than ứng phó khi mưa lớn kéo dài, hầm lò có nguy cơ sạt lở. Dự kiến, 12h trưa mai, sẽ cấm tàu thuyền ra biển. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang diễn tập phòng thủ dân sự nên lực lượng cũng đang sẵn sàng ứng phó với bão”.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT nhấn mạnh, diễn biến cơn bão số 7 hết sức phức tạp. Lúc trước, theo dự báo, bão sẽ vào khu vực tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Quảng Ngãi, nhưng bây giờ có thể lại ảnh hưởng đến khu vực lại từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Quảng Ninh. Hướng đi, cường độ, tốc độ của cơn bão sẽ còn thay đổi. Mưa lũ sẽ ảnh hưởng đến khu vực thấp trũng.

Dẫn lại ví dụ về một cơn bão năm 1996, khi đổ bộ vào Thanh Hóa đã thành áp thấp nhưng cũng khiến 54 người thiệt mạng và mất tích, ông Hoài yêu cầu các địa phương không được chủ quan với những diễn biến chưa lường trước được. Cơn bão số 7 này dự kiến đổ bộ vào lúc triều cường, nước dâng nên sóng lớn, các địa phương phải kiểm tra đê kè biển, khu vực lồng bè thủy hải sản và rà soát từng hộ dân để ứng phó kịp thời.

Về vấn đề phối hợp cho các tàu thuyền của các địa phương vào tránh, trú, ông Hoài cho biết: “Tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công văn phản ánh việc một số địa phương không cho tàu của Quảng Ngãi vào neo đậu. Tôi đề nghị các địa phương hết sức tạo điều kiện cho các tàu vào tránh, trú trong bão để bảo đảm an toàn cho người dân, tàu thuyền ngay cả trong bão và trong điều kiện dịch bệnh hiện nay”.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/bay-tinh-bac-bo-va-33-huyen-o-bac-trung-bo-co-nguy-co-ngap-ung/449020.vgp