Bé 12 tháng tuổi nhập viện vì bị kim băng ghim thẳng vào thực quản: Bác sĩ cảnh báo 1 sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải
Một bé trai 12 tháng tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng khẩn cấp sau khi vô tình nuốt phải một cây kim băng sắc nhọn, dị vật này sau đó ghim thẳng vào thành thực quản, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Vụ việc một lần nữa là lời cảnh báo tới các bậc phụ huynh về mức độ nguy hiểm của những vật nhỏ, sắc bén trong tầm tay trẻ nhỏ.
Cây kim băng biến dạng, đầu nhọn đâm sâu vào thực quản
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), bé trai P.P.K. (12 tháng tuổi) được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới sau khi gia đình phát hiện bé ngậm kim băng trong miệng. Trong lúc hoảng hốt cố gắng lấy dị vật ra, người nhà vô tình đẩy kim băng vào sâu hơn, khiến bé bị sặc, khó chịu và sau đó phải nhập viện.
Sau 9 giờ kể từ thời điểm nuốt dị vật, bé được chuyển đến khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi Đồng 2. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện cây kim băng dài khoảng 3cm, đã bung ra thành hình chữ L, và một đầu nhọn đang ghim vào thành thực quản, gây nguy cơ thủng, chảy máu và nhiễm trùng nặng.
Ngay lập tức, ekip bác sĩ của các khoa Tiêu hóa – Tai Mũi Họng – Ngoại khoa đã được huy động để tiến hành hội chẩn và xử lý. Nhờ phối hợp nhịp nhàng, các bác sĩ đã lấy dị vật ra thành công bằng phương pháp nội soi, tránh được cuộc phẫu thuật mở phức tạp và giảm thiểu tổn thương cho bệnh nhi.

Bé 12 tháng tuổi nhập viện vì bị kim băng ghim thẳng vào thực quản. (Ảnh: BVCC)
Dị vật đường tiêu hóa: Tai nạn quá quen thuộc nhưng không thể chủ quan
BS.CKII Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết: “Dị vật đường tiêu hóa là tai nạn phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là trong các kỳ nghỉ khi trẻ ở nhà nhiều, cha mẹ bận rộn và trẻ ít được giám sát sát sao.”
Một số dị vật đặc biệt nguy hiểm gồm:
Pin nút áo: Có thể gây bỏng điện, hoại tử mô nhanh chóng
Nam châm: Khi nuốt nhiều viên sẽ hút nhau qua thành ruột, gây thủng
Vật sắc nhọn: Như đinh, kim băng, kẹp giấy – dễ gây thủng ruột, thực quản
Vật có kích thước lớn: Trên 2,5 cm với trẻ dưới 5 tuổi, hoặc trên 5 cm với trẻ lớn – có nguy cơ tắc nghẽn đường tiêu hóa
Không nên cố lấy dị vật bằng tay hay móc họng
Các bác sĩ cảnh báo, khi nghi ngờ trẻ nuốt dị vật, tuyệt đối không nên dùng tay móc miệng hay gây nôn, vì có thể:
Đẩy dị vật vào sâu hơn, làm tổn thương hầu họng
Gây dị vật lọt vào đường thở, dẫn đến hít sặc, nguy hiểm tính mạng
Làm chậm trễ quá trình xử lý y tế chuyên sâu
Điều cần làm là giữ bình tĩnh và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, nội soi, hoặc phẫu thuật nếu cần thiết. Thời gian xử lý càng sớm, nguy cơ biến chứng càng thấp.