Bé 12 tuổi nguy kịch vì căn bệnh quen thuộc

Bé gái 12 tuổi ở Tây Ninh nguy kịch vì sốt xuất huyết biến chứng nặng, tràn dịch đa màng, suy hô hấp, phải thở máy và điều trị tích cực suốt 9 ngày.

 Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Shutterstock.

Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Shutterstock.

Em N.N.N. (12 tuổi trú tại Trảng Bàng, Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, đau họng sung huyết và đau hốc mắt. Sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, em được chẩn đoán dương tính với virus Dengue - tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết.

Chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh diễn tiến nhanh và nặng dần, dẫn đến sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, tràn dịch đa màng, có thể đe dọa tính mạng nếu không xử lý kịp thời.

Tại khoa Nhi, các bác sĩ đã khẩn trương thực hiện phác đồ chống sốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp hỗ trợ hô hấp bằng CPAP và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Nhờ can thiệp kịp thời và điều trị tích cực, bệnh nhi đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe dần ổn định và được xuất viện sau 9 ngày điều trị.

Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhi, ThS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết trường hợp của em N.N.N là một ví dụ điển hình cho thấy sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, đặc biệt khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng.

Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như sốc, suy tạng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều đáng nói là bệnh có thể khởi phát với các triệu chứng ban đầu tương tự như sốt siêu vi thông thường, khiến nhiều gia đình chủ quan, chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện.

Hiện đơn vị này đang tiếp nhận và điều trị nhiều ca sốt xuất huyết, trong đó không ít trường hợp có diễn biến phức tạp, cần theo dõi sát. Từ thực tế điều trị, bác sĩ Trâm khuyến cáo các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý:

Không chủ quan khi trẻ sốt cao kéo dài: Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm thay vì tự điều trị tại nhà, tránh che lấp triệu chứng khiến việc chẩn đoán bị chậm trễ.
Theo dõi dấu hiệu cảnh báo: Ngoài sốt, các triệu chứng cần chú ý gồm mệt lả, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, chảy máu bất thường, tay chân lạnh, tiểu ít… Khi có bất kỳ biểu hiện nào, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.
Phòng muỗi hiệu quả: Dọn sạch nơi muỗi sinh sản, đậy kín các vật dụng chứa nước, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng và dùng các biện pháp xua muỗi thường xuyên.
Tiêm phòng sốt xuất huyết: Đây là biện pháp chủ động giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng nếu nhiễm. Phụ huynh có thể liên hệ các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đúng lịch.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/be-12-tuoi-nguy-kich-vi-can-benh-quen-thuoc-post1570770.html