Bé 2 tuổi bị chó nhà nuôi tấn công
Bệnh nhi 2 tuổi nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương phức tạp ở vùng mặt. Gia đình cho biết, bé bị chó nhà tấn công.
Bé L.K.C. (2 tuổi, trú tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang) được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang với tình trạng có nhiều vết thương rách da vùng mặt phức tạp. Qua hỏi bệnh, các bác sĩ được gia đình cho biết bé không may bị chó nhà nuôi tấn công.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được các bác sĩ phòng Thường trực cấp cứu, kịp thời thăm khám, tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại.

Ảnh: BVCC
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết khẩn cấp, bé C. cũng được phẫu thuật cấp cứu ngay trong ngày nhập viện.
Bác sĩ chuyên khoa I Vương Ngọc Thịnh cho biết bệnh nhi C. có nhiều vết thương rách da sâu và nham nhở ở khắp mặt. Ê-kíp phẫu thuật đã thực hiện làm sạch các vết thương nhiều lần bằng dung dịch sát trùng, cầm máu tại chỗ các điểm chảy máu, cắt lọc, loại bỏ các dị vật như da chết, đất, lông… Khâu phục hồi lại tất cả vết thương theo các lớp và mốc giải phẫu.
Sau mổ 1 ngày, bệnh nhi đã tỉnh táo, không nôn, không sốt; các vết mổ khô, sạch, sưng nề nhẹ, không chảy dịch mủ. Hiện bé đã được chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị, do theo dõi dị ứng với huyết thanh SAT phòng uốn ván.
Bác sĩ cho biết, chó cắn không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây truyền virus dại. Khi đã phát bệnh, tỉ lệ tử vong gần như là 100%.
Trẻ mắc bệnh dại có triệu chứng ban đầu là sốt, ngứa và đau ở vết cắn. Sau đó virus gây tê liệt hệ thần kinh, ngừng tim, ngừng hô hấp.
Ngoài ra, nếu không được xử trí, chăm sóc đúng cách, bệnh nhân bị chó cắn cũng có thể nhiễm trùng uốn ván. Thông qua vết thương hở bị chó cắn, vi khuẩn uốn ván xâm nhập gây bệnh. Uốn ván là bệnh nguy hiểm với triệu chứng đặc trưng là những cơn co giật, co cứng người.
Bác sĩ Vương Ngọc Thịnh khuyến cáo phụ huynh nên trang bị kiến thức sơ cứu cơ bản khi trẻ bị chó cắn, như rửa vết thương, cầm máu cho trẻ rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và tiêm phòng kịp thời.
Ngoài ra, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó, đặc biệt là vào mùa hè nóng nực. Tránh nuôi loài chó có tính hung dữ, cần chú ý xích chó, rọ mõm chó...
Minh Hoa (t/h theo Znews, báo Phụ nữ Tp.HCM)