Biến thể JN.1 của COVID đang lây lan nhanh ở châu Á gây triệu chứng ra sao?
Số ca nhiễm COVID-19 một lần nữa lại đang tăng ở nhiều nước châu Á. 'Làn sóng mới' này ở một số nước và khu vực được cho là do biến thể JN.1, vốn lây nhiễm rất nhanh. Vậy JN.1 là biến thể thế nào, gây những triệu chứng gì và mức độ nguy hiểm ra sao?
Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ đang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng bất ngờ. Ở nước ta cũng đã có sự tăng nhẹ số ca nhiễm.
Tại Singapore, số ca nhiễm tăng vọt được cho là do biến thể phụ JN.1, vốn là hậu duệ của chủng Omicron BA.2.86, theo trang Independent. Số ca nhiễm và nhập viện đều tăng.
Sự gia tăng số ca nhiễm COVID ở Hong Kong cũng được cho là do biến thể phụ nói trên. JN.1 chưa được chính thức xác nhận là nguyên nhân khiến số ca nhiễm COVID ở Ấn Độ tăng, nhưng các nhà chức trách nói đã thấy nhiều ca nhiễm biến thể này từ cuối năm 2023 đến nay, theo trang Mint.

Các chuyên gia y tế ở Ấn Độ mới họp về tình hình gia tăng số ca nhiễm COVID-19. Ảnh: HT PRINT.
Vậy biến thể JN.1 là gì?
JN.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ từ tháng 8/2023 và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là Biến thể đáng quan tâm (VOI) vào tháng 12 cùng năm. Kể từ thời điểm đó, JN.1 trở thành chủng phổ biến nhất trên toàn cầu. Theo văn bản của WHO vào tháng 4/2024 thì JN.1 chiếm gần 94% số ca COVID được giải trình tự trên thế giới, và nó đã lây lan ra hơn 120 nước.
JN.1 có ưu thế gì mà lây lan nhiều như vậy?
Biến thể này “nổi tiếng” là có nhiều đột biến - có khoảng gần 30 đột biến, giúp nó tăng khả năng “né” hệ miễn dịch. Theo hệ thống y tế Johns Hopkins Medicine của Mỹ, JN.1 đã có khả năng lây nhiễm rất hiệu quả thông qua 1 - 2 đột biến bổ sung. Vì vậy, JN.1 lây lan rất nhanh.

Thái Lan thúc giục người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài và thường xuyên rửa tay trong lúc số ca nhiễm COVID đang tăng. Ảnh: The Nation.
JN.1 gây những triệu chứng gì?
Các triệu chứng của JN.1 tương tự các chủng trước đây của COVID-19, bao gồm ho khan, sốt, đau họng, mệt, mất vị giác hoặc khứu giác. Một số báo cáo, bao gồm cả từ Johns Hopkins, cho rằng biến thể này dễ gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa, nhất là tiêu chảy.
Nhận định của WHO
Dù JN.1 lây nhanh nhưng WHO nhận định rằng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu do JN.1 hiện vẫn là thấp, một phần do các vắc-xin phòng các biến thể trước của COVID-19 vẫn hiệu quả (ở những người đã tiêm). Các nước đang ghi nhận số ca nhiễm tăng lên cũng chưa đưa ra các biện pháp giới hạn mới, chỉ khuyến khích người dân thận trọng, giữ vệ sinh, đeo khẩu trang nơi công cộng, nếu ốm thì không ra ngoài, và nên tiêm vắc-xin COVID khoảng một lần mỗi năm.

Giáo sư Lau Yu-lung, chủ tịch Ủy ban Khoa học về Các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, kêu gọi người lớn tuổi và những người có bệnh nền đi tiêm hoặc tiêm nhắc vắc-xin COVID. Ảnh: Yik Yeung-man.
Ở nước ta, Bộ Y tế cũng khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp tương tự như trên.