Bé 3 tuổi bị bỏ trên xe ô tô tại Bắc Ninh: Đứa trẻ phải chịu đựng như thế nào suốt 9 tiếng?
Trường hợp cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên trên ô tô của trường tại Bắc Ninh khi ở trong xe sẽ bị sốc nhiệt, hoảng loạn, ngã quỵ và sau này còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, mang theo nỗi sợ hãi trong không gian chật hẹp cả đời.
Sự việc học sinh lớp 1 tử vong trên xe đưa đón trường Gateway (Hà Nội) vẫn chưa kịp lắng xuống thì thêm một câu chuyện đau lòng khi mới đây, một cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên 9 tiếng trên xe ô tô của trường tại Bắc Ninh khiến dư luận phẫn nộ. Cháu bé 3 tuổi được chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng lơ mơ, sốt hơn 38 độ.
Theo thông tin người nhà bệnh nhân cung cấp với bệnh viện, chiều ngày 13/9, gia đình bức xúc khi nhận được điện thoại của lái xe thông báo con bị bỏ quên trên xe từ sáng đến chiều (thời gian khoảng 9 tiếng).
Chia sẻ với PV báo điện tử Người Đưa Tin, bác sĩ Ngọc Minh (khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Một em bé mới 3 tuổi mà bị nhốt trong xe ô tô đến 9 tiếng thì em bé đó sẽ bị sốc nhiệt mạnh. Thể tích khí trên xe ô tô phụ thuộc vào cả thể tích của khoang xe ấy và lượng ô xy ở khoang xe. Ví dụ xe vẫn nổ máy bình thường thì không vấn đề gì, nếu xe không nổ máy thì lại là cả một vấn đề lớn. Khi ô tô bị đóng kín cửa, tắt máy, nhiệt độ trong xe tăng cao, sự tích lũy nhiệt trong ô tô lớn và nhanh thì nguy cơ ngạt khí cao với một em bé mới 3 tuổi”.
Cũng theo bác sĩ Ngọc, tế bào trong cơ thể cần có môi trường nhiệt độ nhất định, duy trì khoảng 37 độ C. Khi nhiệt độ tăng, cơ thể đào thải nhiệt bằng cách bay hơi nước qua mồ hôi hoặc qua đường thở, hơi nước bay đi sẽ mang theo một lượng nhiệt làm giảm nhiệt độ toàn thân. Ngược lại, khi bị hạ thân nhiệt (dưới 35 độ C), cơ thể sẽ co mạch ngoại vị để giữ lại nhiệt cho cơ thể.
Đối với trẻ khi bị nhốt trong ô tô quá lâu sẽ bị sốc nhiệt. Khi sốc nhiệt có thể gây tổn thương thần kinh, rối loạn thần kinh trung ương, co giật khiến nạn nhân loạng choạng. Nếu không phát hiện nhanh chóng và có hướng xử lý kịp thời thì trẻ sẽ tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Mặt khác, khi đứa trẻ 3 tuổi bị nhốt trong xe ô tô đến 9 tiếng sẽ bị sốc tâm lý nặng nề. Một mình, bé sẽ hoảng loạn, sợ hãi, chỉ biết khóc để đòi bố mẹ. Điều này cũng khiến trẻ mất nhiều năng lượng hơn khi ở bên ngoài.
Cùng chia sẻ với PV, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên - cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: “Đây lại là câu chuyện đau lòng cho cả giáo viên, phụ huynh của trường học đó. Đứa trẻ 3 tuổi bỏ quên trên xe 9 tiếng thì não và tim thiếu ô xy trầm trọng. Vì thế, chúng ta mô tả một đứa trẻ phải chịu đựng như thế nào suốt 9 tiếng thì quả thật đáng sợ. Chưa có ai dám làm thí nghiệm cả bởi nó thật sự lạnh người”.
Cũng theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, cái đáng sợ nhất mà người lớn nhìn thấy được chính là sự hoảng loạn của em bé. Em bé đó luôn trong tình trạng lơ mơ, sốt hơn 38 độ. Dù em bé đó được cứu sống, nhưng tâm lý bé sẽ bị ảnh hưởng về lâu về dài sau này. Nó sẽ là nỗi ám ảnh từ quá khứ đến tương lai.
Đây một lần nữa lại là hồi chuông báo động đặc biệt đối với bố mẹ, giáo viên và những người xung quanh. Hãy để ý đến con nhiều hơn, quan tâm con hơn và tâm lý của con bao giờ cũng là quan trọng nhất trên hành trình phát triển.