Bé 3 tuổi bị viêm phổi nặng do uống nhầm dầu hỏa
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, Trung tâm Sản Nhi vừa tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Ngọc A. (SN 2016, ở Đoan Hùng, Phú Thọ) bị viêm phổi nặng do uống dầu hỏa.
Theo lời kể của người nhà, 4 tiếng trước khi vào viện, bệnh nhi đã uống dầu hỏa không rõ số lượng. Sau đó trẻ xuất hiện tình trạng nôn, kích thích và được đưa đến Trung tâm y tế địa phương rồi được chuyển tuyến đến Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ).
Khi vào viện, bé A. trong tình trạng kích thích, tăng tiết đờm dãi, tim nhịp nhanh (160 lần/phút), phổi thông khí kém... Sau khi tiến hành thăm khám, chụp X-quang, xét nghiệm máu trẻ được chẩn đoán viêm phổi nặng do ngộ độc dầu hỏa và được chỉ định an thần, thở máy chỉ số cao, điều trị kháng sinh. Hiện tại, các bác sĩ tiếp tục theo dõi cho bệnh nhi.
Đây được coi là trường hợp đặc biệt vì bệnh nhi có tiền sử bệnh tim bẩm sinh và đã được phẫu thuật hai lần, ngoài ra bệnh nhi còn mắc Hội chứng Down.
BSCKI Phan Hồng Sáng cho biết, viêm phổi là hiện tượng nhiễm khuẩn của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận cùng hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Có nhiều thể viêm phổi khác nhau, trong đó có viêm phổi do hít, sặc phải xăng dầu.
Viêm phổi do hít xăng dầu là tình trạng viêm nhiễm hóa học do bệnh nhân hít vào thanh quản và đường hô hấp dưới các chất như dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut gây nên các tổn thương ở phổi. Các tổn thương này phụ thuộc vào số lượng và đáp ứng của bệnh nhân đối với chất hít và số lần bệnh nhân bị sặc.
Nếu lượng xăng dầu vào phổi nhiều, sẽ có sự phá hủy biểu mô hô hấp, vách phế nang và mao mạch phổi, gây tổn thương chất surfactant lót trong phế nang và các tiểu phế quản tận gây suy hô hấp nặng, thiếu oxy trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Qua trường hợp của bé A., các bác sĩ khuyến cáo các gia đình hãy thật cẩn thận trong việc trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ. Những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, dầu nhờn, nước giặt, cả nước sôi… phải để xa tầm tay của trẻ, những đồ dùng, thiết bị điện cũng cần được chú ý để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Đặc biệt khi trẻ đã uống nhầm xăng, dầu người lớn không được móc họng gây nôn. Thực tế khi tai nạn xảy ra, người nhà hay xử trí đầu tiên là móc họng gây nôn nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nôn ra trong trường hợp trẻ đã uống nhầm xăng, dầu sẽ làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở. Tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý phù hợp.