Bé 4 tháng tuổi xuất huyết não do bị bế xốc, rung lắc mạnh

Sau khi bị bế xốc nách và rung lắc, bé trai xuất hiện dấu hiệu li bì và bú kém. Mấy ngày sau, trẻ phải nhập viện do bị xuất huyết não.

 Hội chứng rung lắc thường do việc tung cao trẻ, bế trẻ đưa lên đưa xuống nhanh hay nhấc bổng trẻ lên cao làm máy bay. Ảnh: Thebump.

Hội chứng rung lắc thường do việc tung cao trẻ, bế trẻ đưa lên đưa xuống nhanh hay nhấc bổng trẻ lên cao làm máy bay. Ảnh: Thebump.

Ngày 7/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công trường hợp trẻ nguy kịch do hội chứng rung lắc.

Trước đó, ngày 24/1 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán), bé trai nhập viện trong tình trạng hôn mê, đồng tử có đáp ứng với ánh sáng, thở nấc, tím môi, nhịp tim rõ đều, thóp trước phồng, bụng mềm và không tiêu chảy, không sốt.

Hai ngày trước khi nhập viện, trẻ được mẹ đưa đi chơi. Nhiều người chuyền tay bế bé và rung lắc. Một ngày sau, trẻ có triệu chứng li bì, bú kém, không sốt, thở nấc nên được gia đình đưa vào viện.

Qua kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị xuất huyết não (xuất huyết dưới nhện và tụ máu dưới màng cứng) do hội chứng rung lắc.

Bé được cho thở máy, điều chỉnh rối loạn thông khí, điều chỉnh rối loạn điện giải, truyền máu, cắt cơn co giật và nuôi dưỡng tĩnh mạch.

May mắn sau 7 ngày điều trị, tình trạng bé cải thiện tốt, được cai máy thở rút ống nội khí quản. Đến ngày 6/2, bé bú tốt, ổn định hoàn toàn, có thể được xuất viện.

Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, hội chứng rung lắc là dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng, xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh.

Hội chứng này thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh đến 8 tháng tuổi. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây ra hội chứng này thường là việc rung lắc mạnh, thói quen đưa võng hay nôi ru trẻ ngủ. Ngoài ra, các động tác đơn giản khi chơi đùa nhưng làm thay đổi tư thế trẻ đột ngột như trẻ đang nằm thì bế thốc dậy, tung cao trẻ, bế trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, nhấc bổng lên cao làm máy bay… đều có thể gây nguy hại dù chỉ trong thời gian ngắn.

Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc hội chứng rung lắc, phụ huynh cần:

- Gọi xe cấp cứu, không nên vận chuyển bằng các phương tiện thông thường.

- Không bế xốc trẻ lên hay cố gắng lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại; không cho trẻ ăn hoặc bú.

- Nếu trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần phải tiến hành hô hấp nhân tạo.

- Nếu có chấn thương cổ, nên cố định cổ và tránh xoay trở trẻ.

- Nếu trẻ nôn và không có chấn thương cổ, cần xoay nhẹ đầu trẻ về một bên để tránh sặc và ngừng thở.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể phòng ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ bằng cách:

- Tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ.

- Không bế thốc ngược hay vác trẻ, không tung hứng trẻ khi nô đùa hay tát, đánh vào tai, đầu và mặt trẻ.

- Không nên để người đang tức giận bế trẻ; Cần đảm bảo các thành viên trong gia đình và người chăm sóc trẻ nhận thức được sự nguy hiểm của hội chứng rung lắc.

- Phải tìm cách giảm bớt căng thẳng khi con khóc trong thời gian dài và nhờ gia đình hoặc bạn bè, người thân giúp đỡ khi cảm thấy mất kiểm soát bản thân.

Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/be-4-thang-tuoi-xuat-huyet-nao-do-bi-be-xoc-rung-lac-manh-post1399748.html