Bé 5 tuổi tử vong vì học treo cổ trên YouTube: Hiểm họa từ chiếc điện thoại
Để tránh những hiểm họa trên, hơn ai hết, chính cha mẹ mới là những người cần phải giám sát các hoạt động của con trên YouTube nói riêng và trên mạng xã hội nói chung.
Bé gái 5 tuổi tử vong vì học treo cổ trên YouTube
Mới đây, thông tin một bé gái tên V.T.D., (5 tuổi ở TP.HCM) tử vong vì học theo trò treo cổ khi xem YouTube đã khiến dư luận sửng sốt, bàng hoàng, đặc biệt là với những gia đình có con nhỏ. Theo chia sẻ của chị Ngô Nguyệt - dì ruột của cháu D. thì sự việc xảy ra vào chiều ngày 12/10 vừa qua. Sau ít phút không để ý, cả nhà tá hỏa phát hiện cháu bất tỉnh trong tư thế treo cổ. Mặc dù gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu nhưng D. không qua khỏi, tử vong lúc 18h10 phút cùng ngày.
Cũng theo chị Nguyệt, bộ phim hoạt hình mà cháu D. thường xem trước khi xảy ra tai nạn là Peppa Pig (Tạm dịch: Cô heo Peppa).
Peppa Pig (Heo Peppa) là loạt phim hoạt hình dành cho lứa tuổi mầm non của Anh, nội dung chính xoay quanh cuộc sống thường ngày của cô heo cùng tên bên những người thân, bạn bè. Loạt phim này được phát sóng lần đầu vào ngày 31/5/2004. Đến nay, Peppa Pig được chiếu ở 180 vùng lãnh thổ, bao gồm cả Việt Nam.
Giống như nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng khác, Peppa Pig cũng bị làm nhái thành những clip với nội dung phản cảm, đầy bạo lực. Những nội dung này đăng tải công khai trên Youtube khiến nhiều trẻ nhỏ vô tình xem được.
Chị Nguyệt tiết lộ là cháu D. đã vài lần chơi trò treo cổ, mọi người trong nhà có nhìn thấy và quát cháu: "Lần gần nhất là cách đây nửa tháng cháu có chơi, nhưng dì của cháu (một người dì khác không phải chị Nguyệt - PV) đã nhìn thấy và mắng: 'Ai cho nghịch như vậy, ai bày trò như vậy?'. Nghe dì mắng thì cháu không nghịch nữa và đi sang phòng khác chơi".
Thực tế, đã có không ít trường hợp các cháu bé gặp nguy hiểm do học theo những hành động trên YouTube. Trước đó, vào tháng 11/2019, bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận trường hợp một bé trai nhập viện trong tình trạng hôn mê, môi tím, tiêu không tự chủ. Thậm chí bệnh nhi có chấm xuất huyết 2 mắt, điểm tri giác còn 3-4/15 khi đến bệnh viện và các sĩ phải tiến hành cho bé thở mát, chống phù não và dùng thuốc kháng sinh.
Khi tỉnh lại, bé kể rằng mình học theo trò ảo thuật trên Youtube, trong đó hướng dẫn cách thắt cổ, song nhân vật trên clip vẫn thở, vẫn sống được nên làm theo. Thông tin thêm với Tuổi trẻ, bác sĩ Huỳnh Thị Diễm Kiều, phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh viện cũng từng tiếp nhận một cháu bé bị đứt mạch máu vì bắt chước hành động của siêu nhân nhện trên YouTube bằng cách đập tay mạnh vào kính.
Bên cạnh đó, cộng đồng phụ huynh tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới cũng từng tỏ ra lo lắng khi cho rằng YouTube xuất hiện nhiều video có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát, điển hình thử thách Momo (Momo challenge).
Có thể thấy nhiều năm trở lại đây, những video mang tính tiêu cực đã xâm nhập vào Youtube dành cho trẻ em; nó cho phép những kẻ xấu đưa các video nguy hại vào danh sách phát hoặc xen kẽ trong các clip giải trí thông dụng. Điển hình là các video dạy cách tra tấn ảo, làm ảo thuật ảo hoặc hướng dẫn trẻ tự tử mà không chết trong các clip hoạt hình mà trẻ yêu thích như Peppa Pig, công chúa Elsa, người Nhện. Hay mới đây, kênh YouTube Lay TV bị cộng đồng mạng lên án vì đăng tải video phản cảm hướng dẫn trẻ em nghịch ổ cắm điện.
Làm sao để ngăn chặn nội dung độc hại trên Youtube khi cho trẻ em xem?
Nhiều bậc phụ huynh thường để cho con cái của mình tùy ý lựa chọn những đoạn video trên Youtube để xem theo ý muốn mà không biết rằng trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ trang web này. Chính vì vậy, cha mẹ cần chú ý để hạn chế nội dung độc hại trên Youtube bằng các cách sau:
Bật chế độ hạn chế
Chế độ hạn chế giúp bạn có thể lọc bớt những nội dung không phù hợp khi xem. Bạn có thể bật theo hướng dẫn sau:
Trên di động:
Điện thoại Android: Đăng nhập tài khoản >>> Menu >>> Cài đặt >>> Chung >>> Bật (tắt) Chế độ hạn chế.
Điện thoại iOS: Đăng nhập tài khoản >>> menu >>> Cài đặt >>> Nhấn vào Lọc chế độ hạn chế sau đó bật chế độ hạn chế bằng cách chọn: Nghiêm ngặt (Chế độ hạn chế bật).
Trên máy tính:
Vào Youtube.com, kéo xuống phía dưới và chọn nút Chế độ hạn chế (Restrict Mode) và Click vào >>>Chọn nút Bật và bấm Lưu.
Quản lý lịch sử xem Youtube
Những kênh bạn xem thường xuyên thì khi có các nội dung mới hệ thống sẽ thường cập nhật trên trang chủ, do vậy với những trang không lành mạnh bạn nên thực hiện xóa khỏi lịch sử. Để quản lý lịch sử bạn vào Lịch sử xem” sau đó nhấn nút “X” để xóa những nội dung không mong muốn.
Sử dụng ứng dụng Youtube Kids
Đây là ứng dụng dành riêng cho điện thoại và hỗ trợ những kênh xem video phù hợp với trẻ em. Bạn có thể vào kho ứng dụng của máy để tải ứng dụng.
Đăng ký kênh xem và tạo Playlist
Với cách này bạn có thể lựa chọn những kênh có nội dung phù hợp và danh sách những video chất lượng để có thể cho con mình xem một cách an toàn nhất.
Kết lại:
Để tránh những hiểm họa khó lường từ Youtube, hơn ai hết, chính cha mẹ mới là những người cần phải giám sát các hoạt động của con trên Youtune nói riêng và trên mạng xã hội nói chung, bởi lẽ không chỉ Youtube mà các nội dung nguy hại, không phù hợp với trẻ đang được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội ngày nay. Phụ huynh cần biết được trẻ đã tiếp xúc với những nội dung nào trên Internet để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Quan trọng nhất vẫn chính là việc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình để giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống thông qua thế giới và trải nghiệm thực tế, hơn là nhìn ngắm thế giới thông qua màn hình smartphone hay TV.